Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc:

Chính phủ không nên ôm dự án, công trình

Trạm thu phí giao thông đường bộ BOT. Ảnh: Hồng Vĩnh
Trạm thu phí giao thông đường bộ BOT. Ảnh: Hồng Vĩnh
TP - Cùng với việc tháo gỡ thể chế, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh, đã hợp tác công tư thì hai bên đều phải có lợi, “nước lên thuyền lên”, như vậy mới có thể kêu gọi các nhà đầu tư trong và ngoài nước tham gia.

Ngày 11/11, Quốc hội thảo luận tại tổ, cho ý kiến về dự án Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư (PPP). Đáng lưu ý, dự thảo luật thiết kế theo hướng quy định cơ chế áp dụng các biện pháp chia sẻ rủi ro về doanh thu. Theo đó, Chính phủ cam kết chia sẻ với nhà đầu tư, doanh nghiệp dự án không quá 50% phần hụt thu. Còn nhà đầu tư cam kết chia sẻ với Chính phủ không thấp hơn 50% phần tăng thu.

Chia sẻ rủi ro sinh ra ỷ lại?

Đề cập vấn đề này, đại biểu Nguyễn Quốc Bình (Hà Nội) cho rằng, khi đã đấu thầu, ký kết hợp đồng dự án PPP thì phải chấp nhận “lời ăn, lỗ chịu”. Chính vì vậy, việc đòi “bù doanh thu” là bất hợp lí, không công bằng, thậm chí còn gây tư tưởng ỷ lại nơi nhà đầu tư. Tuy nhiên, trong trường hợp triển khai dự án đặc biệt, ông Bình lại ủng hộ chủ trương này. Cùng quan điểm, đại biểu Hoàng Văn Cường (Hà Nội) đề nghị phải giám sát chặt chẽ các dự án PPP để ngăn chặn lợi dụng rủi ro “mưu lợi”.

Tuy nhiên, Bộ trưởng GTVT Nguyễn Văn Thể lại có cách nhìn khác. Theo ông Thể, trong thời gian qua, Bộ GTVT luôn đẩy mạnh đầu tư theo phương thức PPP, tuy nhiên chủ trương này mới chỉ thu hút nội địa, chưa kêu gọi được nhà đầu tư nước ngoài tham gia các dự án lớn. Ông Thể lý giải, do Việt Nam là nước đang phát triển, đang từng bước hoàn thiện hệ thống giao thông nên quy hoạch 5 năm điều chỉnh 1 lần. Nhưng một dự án PPP lại có thể kéo dài tới 15 - 20 năm. Do vậy trong vòng đời của dự án PPP có thể điều chỉnh quy hoạch 3 - 5 lần.

Trong khi đó, nhà đầu tư nước ngoài lại đòi hỏi bảo đảm doanh thu, chia sẻ rủi ro. “Nhà đầu tư lo là trong thời gian đó, chúng ta có thể làm những con đường thứ hai, thứ ba, hoặc những con đường cắt ngang con đường họ làm thì bị san sẻ lưu lượng, nguy cơ lỗ”, ông Thể nói. Qua đối chiếu, ông cho rằng, dự án luật mới chỉ đề cập yếu tố bảo lãnh doanh thu, chia sẻ rủi ro và cho phép nhà đầu tư chuyển đổi ngoại tệ. Tuy nhiên, vấn đề trượt giá dự án luật chưa đề cập, ông đề nghị “cần nghiên cứu thêm”.

“Nước lên thuyền lên”

Nêu ý kiến về việc này, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc cho rằng, khi hợp tác công tư, tất cả các nhà đầu tư đều đòi hỏi yếu tố luật pháp. Họ chỉ tin vào luật và phải có luật mới làm, vì luật mới bảo vệ nhà đầu tư. Theo Thủ tướng, trong một số lĩnh vực Nhà nước không cần thiết đầu tư công, nên vai trò cần thấp xuống, ngược lại vai trò của tư nhân phải cao hơn. Khẳng định nguồn lực trong dân còn rất lớn, nhưng theo Thủ tướng, nếu chưa có luật pháp bảo vệ thì họ không bỏ tiền đầu tư. Đặc biệt về yếu tố kinh tế, khi hợp tác công tư thì hai bên đều phải có lợi, “nước lên thuyền lên”, “dân giàu nước mạnh”, như vậy mới có thể kêu gọi người dân, các nhà đầu tư nước ngoài tham gia.

Thủ tướng nói phải đẩy nhanh về thủ tục, tạo cơ chế minh bạch, khách quan, có như vậy mới giải quyết được vấn đề. “Hiện nay do chồng chéo, vướng mắc của luật pháp nên người ta chưa nhiệt huyết khi đầu tư vào Việt Nam. Tôi nói nhiều lần, thể chế bây giờ rất quan trọng. Nếu gỡ được thể chế thì không khí đầu tư sẽ rất tốt. Nếu cứ giữ tư duy lạc hậu thì không thể phát triển đất nước được”, Thủ tướng nói.

Cũng theo Thủ tướng, ngoại trừ những lĩnh vực mang tính “yết hầu” của nền kinh tế như tiền tệ, quốc phòng, an ninh... Nhà nước phải nắm giữ, còn lại đều phải mở ra để thu hút đầu tư, huy động vốn tư nhân. Dẫn chứng lĩnh vực điện lực, Thủ tướng lưu ý, chỉ nên độc quyền về quản lý. “Chính phủ không nên ôm dự án, công trình, nếu ôm hết từ A đến Z thì làm sao được. Tính thị trường là không để Nhà nước bảo lãnh hết, nếu bảo lãnh hết thì nợ công, nợ Chính phủ đội lên”, Thủ tướng nói, đồng thời lưu ý, luật lần này nên quy định những nguyên tắc quan trọng để nhà đầu tư yên tâm, còn lại giao cho Chính phủ quy định những việc khác cho thông thoáng.

Ðấu thầu cạnh tranh, tránh rủi ro lợi ích nhóm

Lựa chọn nhà đầu tư cũng là vấn đề được nhiều đại biểu Quốc hội đặc biệt quan tâm. Theo Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh, đa số ý kiến tại cơ quan thẩm tra cho rằng, cần thận trọng với việc chỉ định thầu đối với các dự án PPP. Bởi thực tế thời gian qua cho thấy, nhiều nhà đầu tư, nhà thầu được chỉ định có nguồn lực hạn chế, dẫn đến những vi phạm trong quá trình thực hiện, vận hành và khai thác công trình, gây thất thoát và giảm hiệu quả đầu tư.

Theo cơ quan thẩm tra, việc triển khai các dự án PPP thời gian qua thường chậm tiến độ, đội vốn, thất thoát, lãng phí, tiêu cực là do các quy định về điều kiện lựa chọn nhà đầu tư, hồ sơ đấu thầu, các điều khoản trong hợp đồng thiếu chặt chẽ. “Việc lựa chọn nhà đầu tư dự án PPP cần phải được thực hiện thông qua đấu thầu cạnh tranh, công khai, minh bạch theo quy định của pháp luật, hạn chế tối đa việc chỉ định thầu hoặc đấu thầu hạn chế để tránh rủi ro về lợi ích nhóm, lãng phí, thất thoát”, ông Thanh nói.

Cùng quan điểm lựa chọn nhà đầu tư qua đấu thầu, đại biểu Phạm Văn Hòa (Đồng Tháp) lưu ý, trong trường hợp buộc phải chỉ định thầu phải do Thủ tướng quyết định, chứ không phân cấp giao cho bộ, ngành, địa phương, bởi đây đều là những dự án lớn. Đại biểu Nguyễn Văn Sơn (Hà Tĩnh) đề nghị phải hoạch định rõ các nhóm lĩnh vực từ cơ sở hạ tầng, dịch vụ, các công trình lớn mà Nhà nước nhất trí đầu tư PPP. Ông Sơn đồng tình Chính phủ quy định chi tiết quy mô tổng mức đầu tư tối thiểu dự án PPP với từng lĩnh vực nhưng không thấp hơn 200 tỷ đồng, để thu hút nhà đầu tư có năng lực, tạo ra những dự án lớn, quan trọng và có sức lan tỏa.

Chính phủ không nên ôm dự án, công trình ảnh 1 Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc tại phiên thảo luận . Ảnh: Như Ý

“Hiện nay do chồng chéo, vướng mắc của luật pháp nên người ta chưa nhiệt huyết khi đầu tư vào Việt Nam. Tôi nói nhiều lần, thể chế bây giờ rất quan trọng. Nếu gỡ được thể chế thì không khí đầu tư sẽ rất tốt. Nếu cứ giữ tư duy lạc hậu thì không thể phát triển đất nước được”.

 Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc

“Chính phủ không nên ôm dự án, công trình, nếu ôm hết từ A đến Z thì làm sao được. Tính thị trường là không để Nhà nước bảo lãnh hết, nếu bảo lãnh hết thì nợ công, nợ Chính phủ đội lên”.
 Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc

Không thể bỏ qua kiểm toán

Từ thực tiễn kiểm toán dự án BOT, Tổng Kiểm toán Nhà nước Hồ Ðức Phớc lo ngại về việc chia nguồn vốn công - tư theo 2 cách khác nhau. Cụ thể, điều 80 dự thảo luật quy định, Kiểm toán Nhà nước thực hiện việc kiểm toán về sử dụng tài chính công, tài sản công. Như vậy những dự án lớn được nhà nước hoàn trả về đất đai (dự án BT) thì không ai kiểm toán? Theo ông Phớc, dự án BOT giao thông nhà nước không bỏ đồng nào nhưng vẫn phải kiểm toán và thực tế đã chỉ ra rất nhiều sai phạm.

Tổng Kiểm toán Nhà nước cho rằng, PPP là dự án huy động vốn tư nhân đầu tư công trình công chứ không phải đầu tư công trình tư nhân. Do đó, các công trình này vẫn cần được thanh tra, kiểm toán. “Với bản chất của các dự án PPP thì phải kiểm tra chặt chẽ từ đầu đến cuối, tài sản công phải quản thật chặt, tránh tình trạng như nhiều dự án BOT và BT vừa qua”, ông Phớc lưu ý.

Cùng quan tâm đến vấn đề này, Bộ trưởng Bộ TN&MT Trần Hồng Hà cho rằng, cần xem xét rất kỹ câu chuyện đổi đất lấy hạ tầng và cần có một chương quy định điều này. Theo Bộ trưởng Hà, nếu để chủ đầu tư tính toán thiết kế, lập dự toán rồi sau đó đấu thầu chọn nhà đầu tư thì không thể công khai, minh bạch được. Chính vì vậy, nhà nước phải làm quy hoạch, tổ chức chuẩn bị dự án thì mới biết rõ dự án đó thế nào, công nghệ nào phù hợp, đưa danh mục ưu tiên rồi mới đấu thầu, như vậy sẽ tốt hơn.

MỚI - NÓNG