Chính phủ không cho từng bộ, ngành cát cứ

Chính phủ không cho từng bộ, ngành cát cứ
TPO -Về việc cả Bộ Tư pháp và Công an xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia về công dân, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Vũ Đức Đam khẳng định, tất cả phải cùng làm, không thể có chuyện cát cứ.

> Bộ công an đề nghị hủy đề án cấp mã số công dân
> Quản lý công dân theo mã số từ tháng 6

Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng chính phủ Vũ Đức Đam
Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng chính phủ Vũ Đức Đam. Ảnh: Công Khanh

Tại phiên họp báo Văn phòng Chính phủ thường kỳ tháng ba diễn ra chiều nay, 29/3, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Vũ Đức Đam cho biết, việc xây dựng hệ thống, tạm gọi là mã số định danh, được nghiên cứu từ lâu.

Quan điểm của Chính phủ là hướng tới xây dựng một hệ thống mã số định danh, không chỉ đơn thuần liên quan đến dân cư. Riêng với hệ thống số liên quan đến công dân, cũng không đơn thuần chỉ liên quan đến Bộ Công an và Bộ Tư pháp.

Bộ trưởng Vũ Đức Đam cho rằng, mã số này đúng ra không chỉ liên quan đến công dân, mà còn đến cả mã số điện thoại, mã biển số xe, chứng minh thư nhân dân, sau này có thẻ tín dụng. Chúng ta khi ra đời là được khai sinh, do Bộ Tư pháp thực hiện. Trước đây, Ủy ban Dân số Kế hoạch hóa Gia đình, một cơ quan ngang bộ, thực hiện việc này, nhưng bây giờ đã sáp nhập...

Theo ông Vũ Đức Đam, hệ thống mã chúng ta hướng tới, khiến ngay khi bé chào đời, y tá, hộ sinh lập tức có những thông tin ban đầu như tình hình sức khỏe, nhóm máu… (liên quan ngành Y tế).

Sau này, khi đi học, sẽ liên quan đến nhà trường, học bạ điện tử, rồi chứng minh thư nhân dân, mã số thuế, hồ sơ công chức, hồ sơ phạm tội (nếu vi phạm pháp luật), đăng ký kết hôn… Cuối cùng, lúc mất, là thủ tục khai tử của Bộ Tư Pháp...

Trong vòng đời của một người có rất nhiều mã số. Ảnh minh họa.
Trong vòng đời của một người có rất nhiều mã số. Ảnh minh họa.

Hệ thống chung

Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ cho rằng, điều quan trọng là tiến tới xây dựng một hệ thống mã chung, mỗi người sinh ra có một mã số. Nó không chỉ liên qua đến người dân, mà nếu xử lý tốt sẽ còn liên quan đến một loạt hệ thống mã số khác tầm quốc gia, phục vụ tốt cho việc quản lý bằng điện tử.

Như vậy đây là hệ thống phải dùng chung. Tất cả bộ ngành, cơ quan chức năng phải cùng làm, cùng sử dụng, không thể cát cứ được - ông Đam nói.

Bộ trưởng Vũ Đức Đam khẳng định: Có thể một số việc cụ thể hay một số phát ngôn dẫn đến hiểu nhầm Bộ Công an và Bộ Tư pháp làm hệ thống riêng. Chính phủ không chỉ đạo như vậy, và hiện nay các Bộ cũng không làm như vậy.

Đánh giá việc thực hiện dữ liệu mã số định danh, Bộ trưởng Vũ Đức Đam cho rằng, đây là việc rất khó khăn, không đơn thuần là đưa ra hệ thống đánh số bình thường.

Nếu chúng ta tiến hành đồng bộ và dùng chung cho tất cả các cơ quan quản lý nhà nước, cả các doanh nghiệp nữa, thì tiến tới, khi thanh toán hóa đơn điện, nước, ký các hợp đồng với công ty..., cũng dựa trên hệ thống này... Chúng ta phải rất kiên trì, tiến hành một cách khoa học - ông Vũ Đức Đam nói.

Trước đó, chiều 26/3, tại Hà Nội, Bộ Tư pháp tổ chức Hội thảo Đề án tổng thể đơn giản hóa thủ tục hành chính, giấy tờ công dân và các cơ sở dữ liệu quốc gia liên quan đến quản lý dân cư.

Đề án này vấp phải nhiều ý kiến phản đối khi Bộ Công an cho rằng, nó trùng lặp với Đề án xây dựng dữ liệu cơ sở dân cư quốc gia và việc cấp chứng minh nhân dân theo mẫu mới mà Bộ Công an đang thực hiện.

Theo Viết
MỚI - NÓNG