Chiếu sáng 4 vùng quanh hồ
Tham dự Hội thảo có các chuyên gia: GS.TS.KTS Doãn Minh Khôi - Viện trưởng Viện UAI, đại học Xây dựng; Giáo sư sử học Dương Trung Quốc – Tổng thư ký Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam; Ông Hồ Hữu Thới - Phó chủ tịch Hội di sản văn hóa Việt Nam; Ths. KTS Đặng Khánh Ngọc – Quyền Viện trưởng Viện bảo tồn di tích; TS. KTS Emmanuel Cerise – Viện PRX vùng thủ đô Paris.
Về phía Hà Nội có đại diện các Sở Văn hóa & Thể thao; Sở Quy hoạch & Kiến trúc; Xây dựng; Ban Quản lý di tích danh thắng; Hội chiếu sáng Việt Nam; Công ty TNHH MTV Chiếu sáng và Thiết bị đô thị.
Theo thông tin tại hội thảo, Dự án Chiếu sáng trang trí xung quanh khu vực hồ Hoàn Kiếm sẽ sử dụng hệ thống đèn LED tiên tiến, tuổi thọ cao, có chuyển sáng theo mùa và được điều khiển bằng điện tử. Đây là 1 trong 5 dự án đầu tư công nhóm B vừa được HĐND thành phố Hà Nội phê duyệt chủ trương đầu tư.
Tại buổi hội thảo, đại diện tư vấn giám sát thông tin, hiện trạng hệ thống đèn chiếu sáng một số khu vực (tháp Rùa, kè hồ, đường dạo...) đã xuống cấp, hư hỏng, cường độ chiếu sáng giảm. Do vậy, việc đầu tư, cải tạo hệ thống chiếu sáng khu vực xung quanh hồ Hoàn Kiếm để đồng bộ hạ tầng kỹ thuật, nâng cao giá trị cảnh quan di tích là rất cần thiết.
Qua khảo sát và nghiên cứu, bên tư vấn giám sát đưa ra ý tưởng thiết kế cho 4 vùng xung quanh hồ. Cụ thể, vùng 1 là khu vực mặt nước hồ (bao gồm cả tháp Rùa); vùng 2 là từ kè hồ tới mép vỉa hè; vùng 3 là đường giao thông xung quanh hồ; vùng 4 là các công trình kiến trúc xung quanh hồ.
Theo thiết kế sơ bộ, đối với các di tích như tháp Rùa, cầu Thê Húc, đền Ngọc Sơn, các cây di sản đều được thiết kế riêng sao cho đảm bảo màu sắc tự nhiên cho các vật thể có màu sắc, kiến trúc…
GS.TS.KTS Doãn Minh Khôi, Viện trưởng Viện Quy hoạch Kiến trúc đô thị - Trường ĐH Xây dựng nêu ý kiến |
GS.TS.KTS Doãn Minh Khôi, Viện trưởng Viện Quy hoạch Kiến trúc đô thị - Trường ĐH Xây dựng đánh giá rất cao thiết kế sơ bộ này.
“Nghệ thuật chiếu sáng cần nhiều kỹ thuật nhưng không khó, tính mỹ thuật mới khó. Theo tôi có những công trình biểu tượng không nên thay đổi nhiều về tông màu như tháp Rùa, cầu Thê Húc…”, GS Khôi nói.
Có mặt tại hội thảo, TS. KTS người Pháp Emmanuel Cerise - Viện PRX vùng Thủ đô Paris đánh giá rất cao về ý tưởng thiết kế chiếu sáng cho các cây quanh hồ. Vị này cho rằng nên giấu nguồn sáng đi để không ảnh hưởng đến cảnh quan ban ngày.
KTS người Pháp phát biểu tại hội thảo. |
KTS người Pháp cho rằng bản thân hồ Hoàn Kiếm đã đẹp rồi nên cần ánh sáng vừa đủ. “Hồ Gươm giống như một người phụ nữ đẹp rồi nên chỉ cần make-up vừa đủ là có thể tôn lên mọi thứ”, vị này chia sẻ.
Nhà sử học Dương Trung Quốc phân tích ở Hồ Gươm, không gian có 3 giá trị để tôn vinh, thứ nhất là mặt hồ, thứ hai là cây xanh, thứ ba là những dấu tích kiến trúc cổ. Hơn nữa, xung quanh hồ có sự đô thị hóa rất mạnh mẽ, vừa tôn vinh, vừa đe dọa nên việc chiếu sáng hết sức cẩn thận.
“Các nhà thiết kế khi làm nên phân khu ra, không phá vỡ cảnh quan mặt nước hồ, lấy tháp Rùa làm điểm nhấn, tôn vinh những cây di sản, làm đèn xung quanh các đường đi dạo dẫn đường. Đặc biệt, làm sao để thể hiện sự trầm mặc của lịch sử những có lúc vẫn thể hiện được sự rực rỡ trong những ngày lễ hội”, ông Quốc nói.
Nhà sử học Dương Trung Quốc nêu ý kiến về dự án |
Sau khi lắng nghe các ý kiến tại cuộc Hội thảo, Chủ tịch UBND quận Hoàn Kiếm Phạm Tuấn Long cho biết, UBND quận Hoàn Kiếm sẽ tiếp thu đầy đủ các ý kiến góp ý của các chuyên gia, nhà khoa học, đại diện các sở ngành để hoàn thành hồ sơ thiết kế trình cấp có thẩm quyền phê duyệt. Ông Long khẳng định, việc thiết kế hệ thống chiếu sáng chắc chắn phải đảm bảo việc bảo tồn, phát huy các giá trị di sản của Hồ Gươm, hài hoà với hệ thống cây xanh, mặt nước, đáp ứng yêu cầu quy hoạch, chương trình cải tạo chỉnh trang đô thị của Thành phố.