Thầy Trần Mạnh Tùng |
Chiến thuật làm bài trong 90 phút để đạt điểm cao môn Toán
Thầy Trần Mạnh Tùng- giáo viên dạy Toán ( Hà Nội) cho rằng, học sinh cần xác định câu dễ làm trước, các câu khó hơn làm sau. Học sinh có 5 phút để đọc đề. Khi đọc đề các em cần đọc kĩ để xác định được các câu hỏi thuộc 3 mức độ: Ở các câu dễ, có thể làm ngay mà không cần nháp hoặc chỉ nháp nhẹ nhàng thẳng vào đề để tiết kiệm thời gian.
Với các câu trung bình, cần phải nháp. Các câu này sẽ chiếm chủ yếu trong đề nên các bạn không được vội vàng, cần làm một cách tuần tự và chắc chắn.
Với các câu khó. Khi đọc đề vẫn có thể chưa tìm được phương pháp làm bài. Các em cứ đánh dấu vào để xử lí sau cùng.
“Sau khi đã đánh dấu các mức độ thì học sinh lên chiến lược làm bài theo thứ tự từ dễ đến khó. Cần tránh sa đà vào câu khó trước, vừa mất thời gian lại mất tinh thần”- thầy Tùng nhấn mạnh.
Thầy Tùng cũng cho rằng, ngay khi đọc đề bài, các em luôn cầm bút và đánh dấu vào các từ, các ý quan trọng, thậm chí có thể ghi các lưu ý vào bên cạnh (ví dụ như ghi điều kiện xác định, ghi các phương pháp, các ý tưởng,…).
“Một trong những lỗi phổ biến của học sinh lớp 9 là lỗi tính toán. Để khắc phục điều này, chúng ta sử dụng kĩ thuật kiểm tra, rà soát liên tục: Kiểm tra mỗi bước biến đổi (làm 2 lần: khai triển rồi thì khai triển lại, chuyển vế xong thì chuyển vế lại,…)”- thầy Tùng nói.
Vì thế theo thầy Tùng, làm xong một bài thi không nên vội vàng chuyển ngay sang bài khác mà nên dành 1, 2 phút để kiểm tra bài vừa làm: Kiểm tra tính phù hợp của đáp số với các điều kiện, với thực tế nếu có (chẳng hạn: học sinh giải ra vận tốc xe máy là 300km/h thì cũng vô lí). Với các bài tham số, có thể thay lại kết quả để kiểm tra xem có đáp ứng được yêu cầu của đề bài hay không.
Với các bài toán ở mức 2, 3, học sinh có thể chưa tìm được ngay phương pháp giải quyết. Khi đó, phương pháp phân tích, tư duy ngược rất có tác dụng.
“Một cách tổng quát, chúng ta thường xuất phát từ yêu cầu của bài toán rồi lập luận ngược lại để dẫn đến các yêu cầu quen hơn, dễ xử lí hơn, sau đó trình bài lời giải xuôi”- thầy Tùng chia sẻ.
Thầy Tùng nhấn mạnh, thời gian luôn là yếu tố quan trọng đối với mỗi bài thi. Vì thế, học sinh nhất định phải mang đồng hồ khi đi thi. Nên đeo loại đồng hồ có kim, các em sẽ dễ ước lượng thời gian hơn loại nhấp nháy.
Theo thầy Tùng, Chúng ta phân bổ 90 phút ứng với 10 điểm, như thế mỗi điểm sẽ tương ứng với khoảng 9 phút. Do thời gian cho mỗi điểm ít đi nên độ khó, đỗ dài của câu hỏi cũng giảm đi. Tuy nhiên, với 9 phút/ 1 điểm thì các em cần tiết kiệm thời gian, tránh các việc làm không cần thiết: Đã có phương pháp thì không cần nháp, tăng cường tính nhẩm, sử dụng máy tính hợp lí,…
“Học sinh cần trành tình trạng đầu tư quá mức vào một câu nào đó, như thế sẽ ảnh hưởng đến thời gian làm các câu khác. Học sinh cần tận dụng hết thời gian, hãy chiến đấu đến phút 89. Không nên ngồi chơi hay ra khỏi phòng thi trước khi hết giờ làm bài”- thầy Tùng nhấn mạnh.
Môn Tiêng Anh: Không nên dành quá nhiều thời gian cho một câu hỏi
Cô Nguyễn Thị Hoài Hương, tổ trưởng tổ Tiếng Anh trường THPT Chuyên Đại học Sư phạm đã đưa ra một số lời khuyên hữu ích giúp học sinh có phương pháp ôn thi môn Tiếng Anh hiệu quả trong giai đoạn nước rút trước kỳ thi vào lớp 10.
Bài thi môn tiếng Anh tốt nghiệp THCS với 30 câu trắc nghiệm chủ yếu ở mức độ cơ bản được làm trong 45 phút.
Về mặt kỹ thuật làm bài thì cô Hương chỉ ra, các em học sinh nên chú ý các điểm .
Theo cô Hương, các em nên đọc kỹ đề bài để có định hướng tốt cho phần làm bài, tránh được những lỗi sai bất cẩn, đáng tiếc.
Ngoài ra, theo cô Hương, dùng bút chì 2B để tô kín một đáp án lựa chọn cho mỗi câu hỏi tương ứng luôn vào Phiếu trả lời để tránh nhầm lẫn khi chuyển đáp án từ nháp sang Phiếu trả lời và tiết kiệm được thời gian. Học sinh có thể mắc một số lỗi do tô chưa đúng kỹ thuật như tô quá mờ, tô không kín ô, tô hơn một đáp án hoặc tẩy xóa không rõ ràng nên bị mất điểm do máy chấm không nhận dạng được câu trả lời.
“Hãy tự tin rằng dù đề khó hay dễ mình chắc chắn sẽ hoàn thành bài thi với tất cả các đáp án được tô kín đúng theo quy định. Tự tin bước vào phòng thi giúp thí sinh đạt được kết quả cao nhất có thể. Thời gian làm bài là 45 phút. Trung bình mỗi câu hỏi có 1,5 phút để hoàn thành. Học sinh không nên dành quá nhiều thời gian cho một câu hỏi”- cô Hương nhấn mạnh.
Cô Hương cho rằng, cũng như các môn thi khác, câu nào dễ các con nên làm trước, câu nào khó hoặc còn phân vân câu trả lời thì có thể ghi số câu hỏi vào nháp để quay lại làm sau, tránh để bị sót câu trả lời.
“Không nên hoang mang khi có một số câu hỏi liên tiếp có cùng đáp án hoặc A, hoặc B, hoặc C hay D. (Do tráo bài tự động nên những trường hợp như vậy có thể xảy ra). Nên dành khoảng 5 phút soát lại toàn bộ bài trước khi nộp bài”- cô Hương nói.
Cô Nguyễn Thị Huyền Thảo |
Môn Lịch sử: Đọc thật chậm, gạch chân từ khóa
Cô Nguyễn Thị Huyền Thảo, giáo viên dạy Sử của trường THPT Chuyên Trần Đại Nghĩa, TP.HCM chỉ ra chiến thuật cho học sinh khi làm bài thi lịch sử vào lớp 10.
Cô Thảo cho rằng, khi làm bài thi lịch sử, thông thường các bạn hay mắc một số lỗi.
Thứ nhất, đọc không kỹ các yêu cầu và nội dung câu hỏi, nên xác định từ khoá sai khi chọn các đáp án. Đề bài thường đưa ra ngữ liệu ( câu dẫn) làm thí sinh lúng túng, nên thí sinh đọc câu dẫn và đẫn đến chọn sai đáp án, nhất là những câu có hai ngữ liệu.
Thứ hai, khi làm bài, các bạn chịu khó, đọc thật chậm, gạch chân từ khoá để làm cơ sở chọn đáp án đúng và loại đáp án sai.
Thứ ba, trong quá trình làm bài, đừng chủ quan, khi làm nhưng câu khó, tốn thời gian suy nghĩ, nên khoanh lại để làm sau, tranh thủ làm những câu dễ trước.
Theo dõi các đề thi trong những năm qua, thông thường, có 20 đến 25 câu đầu tiên chỉ dừng ở mức biết và hiểu nên các bạn cố gắng làm chắc và lấy điểm. Các câu về sau khó hơn nhưng không lo, các bạn cứ bình tĩnh, đọc kỹ và loại dần các đáp. Vì những câu này đòi hỏi kỹ năng nhiều hơn là trí nhớ về kiến thức. Đây là những lỗi các bạn hay mắc phải, chúc các bạn cố gắng, bình tĩnh, tự tin để làm bài.
Môn Văn: Nên lập dàn ý trước
Thầy Nguyễn Phi Hùng, giáo viên môn Ngữ Văn tại Hệ thống Giáo dục HOCMAI chia sẻ kĩ năng làm bài nghị luận về tác phẩm truyện, các em cần chú ý để tránh những sai lầm thường mắc phải.
Cụ thể, thầy Hùng chỉ ra, học sinh thường xác định không đúng vấn đề nghị luận và thao tác lập luận chính mà đề bài yêu cầu.
Bài thiếu ý, thiếu các dẫn chứng từ tác phẩm khiến nội dung trong bài sơ sài.
Ngoài ra, học sinh còn mắc lỗi như chỉ tóm tắt hoặc kể lại cốt truyện mà không tập trug phân tích giá trị biểu hiện của các chi tiết để làm sáng tỏ vấn đề nghị luận mà đề bài yêu cầu.
Thầy Hùng cho rằng, để làm bài văn đạt điểm cao bên cạnh việc rèn luyện kỹ năng và lưu ý tránh mắc phải các lỗi sai thì các em nên dành ra 5-10 phút lập dàn ý trước khi viết bài hoàn chỉnh. Điều này sẽ giúp các em liệt kê đầy đủ các luận điểm cần triển khai trong bài viết của mình, tránh tình trạng bị thừa ý, thiếu ý hoặc bị lạc đề.
Đồ Hoạ: Kiều Tú |