> Chung tay nhân rộng mô hình hay
Em Lê Thơ đề đạt nguyện vọng với lãnh đạo thành phố. |
Buổi đối thoại do Thành Đoàn Đà Nẵng phối hợp với Công an, Hội Cựu chiến binh TP tổ chức, nhằm tiếp tục thực hiện Chỉ thị 24 của Thành ủy về giúp đỡ các hộ đặc biệt nghèo, học sinh bỏ học trở lại trường và cảm hóa, giáo dục TTN chậm tiến. Đây là cuộc gặp gỡ đối thoại lần thứ hai của ông Thanh và các ban ngành với TTN chậm tiến, (lần trước vào tháng 9-2010).
“Răn” đến nơi
Theo anh Lương Nguyễn Minh Triết, Bí thư Thành Đoàn Đà Nẵng: 176 em có mặt hôm nay đều từ 12-18 tuổi, trong đó 95 em đã bỏ học. Hầu hết các em đã từng trộm cắp, cờ bạc, gây rối đánh nhau, sử dụng ma túy, nghiện game online…
"Không phải cứ phải là ông to bà lớn mới xây dựng thành phố giàu đẹp mà cả anh thợ hồ, chị quét rác cũng đã đóng góp phần mình xây dựng thành phố. Cố gắng học tập, làm việc chính đáng và tự nuôi được bản thân cũng là xây dựng rồi" - ông Thanh nói. Cuộc gặp gỡ TTN chậm tiến lần 1 (tháng 9-2010) có 287 em tham dự, đến nay đã có 141 em tiến bộ, nhiều em tiến bộ rõ rệt. Số còn lại được tham gia cuộc gặp gỡ lần này nhằm tiếp tục cảm hóa, giáo dục. |
Đi thực tế tại trại giam Hòa Sơn (Hòa Vang), tận mắt chứng kiến những ánh mắt khắc khoải của các tù nhân từ sau song sắt, nhiều em tỏ ra bối rối pha chút lo sợ và lảng tránh. Có em quay mặt đi khi bất ngờ có người bạn trong buồng giam gọi với ra.
Tại hội trường Công an TP, mở đầu câu chuyện, ông Nguyễn Bá Thanh trấn an: “Cuộc đời không ai không có khuyết điểm sai lầm nhưng quan trọng là biết nhận ra khi có người lớn chỉ bày, khắc phục, tiến bộ lên”.
Ông Thanh dần dần dẫn dắt các em vào câu chuyện làm người. Ngồi ở đây nhiều em từng vi phạm, đụng vào là dùng nắm đấm, dao nhọn.
Ông ví von: Con người gồm hai phần Người và Con. Phải làm sao đó cho phần Người lớn hơn phần Con, đừng để phần Con nó lấn át. Chỉ có những con hổ, con sói mới dùng đến luật rừng, cắn xé nhau vì tranh giành, ganh tỵ. Ở lứa tuổi này tính tự ái cao, nhiều khi vượt lên cả tự trọng để rồi chỉ vì một lời khích bác dẫn đến tội lỗi, lúc nhận ra thì muộn màng.
“Chuyện trước nay chưa gặp, chưa biết, chưa nghe, chưa thấy nhà tù là thế nào. Hôm nay được tận mắt chứng kiến rồi thì phải nhận ra điều gì đó chứ!”.
Ông Bí thư nêu chuyện của một thanh niên 6 lần vi phạm. Hai năm trước, sau khi nghe trò chuyện và đi thực tế trại giam, giờ anh đã là một người tốt, làm ăn chân chính.
“Đó mới là người đáng nể, bởi họ chiến thắng được bản thân mình, chứ không phải kẻ có nắm đấm lớn là đàn anh, đàn chị” - ông Thanh nói. Với các em chỉ cần rèn ba thói quen: gặp nhau biết chào, làm sai biết xin lỗi, ai cho gì phải biết cảm ơn.
Lắng nghe nguyện vọng
Tại buổi nói chuyện, nhiều bạn trẻ mạnh dạn đề đạt nguyện vọng được lãnh đạo thành phố giúp đỡ để trở thành người tốt.
Thanh thiếu niên chậm tiến đi thực tế tại trại giam Hòa Sơn. Ảnh H. Văn. |
Dương Văn Huy (tổ 12, phường Tân Chính, quận Thanh Khê), bộc bạch: “Hồi trước cháu có mơ ước được làm công an. Nhưng cháu bỏ học đã 5 năm, bạn bè hư hỏng rủ rê nên vi phạm đánh nhau, gây rối. Nay cháu muốn được giúp đỡ đi học tiếp”. Sau khi Huy cam đoan không tái phạm và cố gắng học tập tốt, ông Thanh hứa sẽ tạo điều kiện để Huy được học một nghề thích hợp.
Lê Thơ (tổ 12, phường Thọ Quang, Sơn Trà), thật thà: “Cháu xin chú một chiếc xe đạp để đi học nghề hớt tóc”. Thơ từng phạm tội ăn cắp vặt và đang bị công an phường theo dõi. Thơ cho biết do nhà nghèo, đông anh em không đủ tiền đi học nên chán nản thường xuyên lêu lổng, chơi cùng nhóm bạn xấu, rủ nhau đi ăn trộm sắt công trình cầu Rồng và bị bắt.
Phạm Hữu Công Anh (14 tuổi, tổ 79 phường Hòa Thuận Đông) đang học lớp 7, học giỏi môn tiếng Anh thì bị đuổi học vì trộm cắp xe đạp, chán nản lêu lổng, tụ tập chơi bời.
Hay như trường hợp em Nguyễn Thị Hòa (phường Bình Hiên, quận Hải Châu). Hòa từng là một học sinh khá của trường THCS Trần Hưng Đạo, nhưng do ba mẹ ly dị, chán nản nên bỏ học đi bụi.
Cả Hòa và Công Anh cùng đề đạt mong muốn được hỗ trợ để trở lại trường tiếp tục đi học, và được lãnh đạo thành phố ghi nhận, giải quyết.
Theo ông Thanh, đối với những trường hợp do hoàn cảnh hay bị bạn bè xấu lôi kéo thì nên cho các em một cơ hội làm lại. Song phải nắm và xử lý cho được những “đàn anh, đàn chị” cầm đầu chuyên dụ dỗ, lôi kéo.
Phân công nhau như một “cuộc đua”
“Đừng bao giờ nghĩ rằng tự nhiên những khuyết điểm lên mức tối đa, mà nó bắt đầu từ những cái nhỏ nhất, góp nhặt lại thành cái lớn. Sự hư hỏng của một con người là cả một quá trình vi phạm”, ông Thanh khẳng định.
Ông liên tục đề cập trách nhiệm của các tổ chức xã hội, mà trực tiếp là Thành Đoàn, Hội Cựu chiến binh, Công an cần phối hợp lại để răn đe, cảm hóa các em, đặc biệt đề cao phòng hơn chữa.
Đừng để các em vi phạm rồi mới tìm cách xử lý. Và phải tìm mọi cách để các em tiếp tục học, chí thú với việc học, không học văn hóa thì học nghề, học cách làm ăn chính đáng.
Bí thư Thành ủy giao nhiệm vụ trực tiếp cho 3 đơn vị Thành Đoàn, Hội Cựu chiến binh và Công an TP từ ngày 16-7 tới phải có kế hoạch rõ ràng, phân công nhau và như một “cuộc đua” trong việc cảm hóa các em.
Ủy ban thành phố treo giải thưởng cho những đơn vị hoàn thành tốt việc cảm hóa, đồng thời đây cũng là cơ hội thử thách để những Đoàn viên phấn đấu vào Đảng.
Công an cần nắm danh sách và quản lý chặt chẽ, đặc biệt phải tìm ra và xử lý những “đàn anh, đàn chị” chuyên lôi kéo người khác phạm tội.
Đại tá Nguyễn Đình Chính, Phó GĐ Công an TP, nhận định: “Nên duy trì thường xuyên những buổi tiếp xúc nói chuyện như thế này, bởi điều đó sẽ tác động trực tiếp đến nhận thức của các em. Đồng thời cần sự chung tay của các cấp, các ngành để triển khai đồng bộ và triệt để”.