Chiến lược tài chính quốc gia: Mở cửa nhiều doanh nghiệp tham gia chuyển mạch

Thanh toán di động đang ngày càng lên ngôi.
Thanh toán di động đang ngày càng lên ngôi.
Một trong những điểm nổi bật của Chiến lược tài chính toàn diện quốc gia vừa được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt đầu năm 2020 là việc mở cửa, cho phép các DN tham gia thị trường chuyển mạch tài chính, bù trừ điện tử nhằm tạo sự cạnh tranh, giúp giảm chi phí, thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt.

Quyết định 149/QĐ-TTg về Chiến lược tài chính toàn diện quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt ngày 22/1/2020. Theo đó, sẽ hướng tới việc phổ cập các sản phẩm, dịch vụ tài chính cơ bản do các tổ chức được cấp phép cung ứng, bao gồm: thanh toán, chuyển tiền, tiết kiệm, tín dụng, bảo hiểm.

Chiến lược được các chuyên gia tài chính cho rằng có nhiều đổi mới, mang tính đột phá, thể hiện tầm nhìn mới của Chính phủ nhằm đem lại sự phát triển trong lĩnh vực dịch vụ tài chính của Việt Nam. Với mục tiêu là mọi người dân và doanh nghiệp đều được tiếp cận, sử dụng an toàn, thuận tiện các sản phẩm, dịch vụ tài chính phù hợp nhu cầu, với chi phí hợp lý, do các tổ chức được cấp phép cung ứng một cách có trách nhiệm và bền vững.

Trước đó, Đề án phát triển thanh toán không dùng tiền mặt giai đoạn 2016 – 2020, cũng đã đề ra Việt Nam phải tạo được sự chuyển biến rõ rệt về phương thức thanh toán không tiền mặt. Tuy nhiên, hiện nay Việt Nam vẫn được đánh giá là một trong những quốc gia có tỷ lệ thanh toán không dùng tiền mặt thấp trong khu vực bởi thanh toán tiền mặt vẫn chiếm hơn 90%.

Thực tế, ngoài việc người dân chưa chịu bỏ thói quen dùng tiền mặt thì có nguyên nhân từ sự kém đa dạng của các dịch vụ thanh toán cũng như độ phủ của các dịch vụ thanh toán tới nhiều khu vực có điều kiện chưa thuận lợi. Sự tham gia của nhiều doanh nghiệp tham gia cung cấp dịch vụ tài chính sẽ có thêm nhiều nguồn lực, sự sáng tạo để khắc phục hạn chế này.

Mục tiêu của chiến lược tài chính toàn diện quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 sẽ có ít nhất 80% người trưởng thành có tài khoản giao dịch tại ngân hàng hoặc các tổ chức được phép khác; tiến tới mục tiêu mỗi người trưởng thành có ít nhất một tài khoản giao dịch tại ngân hàng hoặc các tổ chức được phép khác vào năm 2030. Chiến lược cũng đặt mục tiêu, số lượng giao dịch thanh toán không dùng tiền mặt đạt tốc độ tăng 20% -25% hàng năm.

Chiến lược kỳ vọng không chỉ đạt được mục tiêu của Đề án trước đó mà còn tác động sâu rộng trong lĩnh vực tài chính, từ đó phát triển đuổi kịp thanh toán điện tử của các nước trong khu vực và trên thế giới. Thu hút doanh nghiệp, khuyến khích khách hàng tham gia thanh toán điện tử nhiều hơn.

Chuyển mạch tài chính, thanh toán bù trừ là lĩnh vực là một hạ tầng quan trọng của quốc gia. Hiện nay trong lĩnh vực chuyển mạch tài chính có bù trừ điện tử, mới chỉ có Công ty Cổ phần Thanh toán Quốc gia Việt Nam (NAPAS) là đơn vị duy nhất cung ứng hạ tầng thanh toán cho hàng chục ngân hàng nội địa và quốc tế tại Việt Nam.

Trong khi đó, xu hướng dịch chuyển sang thanh toán không dùng tiền mặt ngày càng tăng. Cơ cấu giao dịch đang có sự dịch chuyển từ giao dịch rút tiền mặt sang chuyển mạch giao dịch thanh toán và chuyển tiền liên ngân hàng. Nếu chỉ dựa vào hệ thống chuyển mạch hiện nay rất khó để giảm phí, tăng tốc độ xử lý giao dịch, đẩy nhanh phổ cập tài chính toàn diện trên cả nước.

Chiến lược tài chính quốc gia: Mở cửa nhiều doanh nghiệp tham gia chuyển mạch ảnh 1

Các ứng dụng ngân hàng hiện nay đang hỗ trợ đa dạng các tiện ích cho người dùng

Hiện nay, vào các dịp lễ, Tết là thời gian các doanh nghiệp, tiểu thương chốt công nợ, chốt thanh toán và chi trả tiền lương cho người lao động cả nước, nhu cầu về các giao dịch hàng hoá, tiêu dùng... tăng đột biến nên khi thực hiện các giao dịch người dùng rất dễ gặp tình trạng "nghẽn" mạng.

Vì vậy, chiến lược cũng đề ra nghiên cứu, xây dựng cơ chế cho hoạt động chuyển mạch tài chính, bù trừ điện tử theo hướng cho phép thêm các tổ chức, doanh nghiệp có đủ điều kiện theo quy định của pháp luật được cung ứng dịch vụ nhằm tăng tính cạnh tranh, đảm bảo an ninh, an toàn, tăng hiệu quả xử lý, giảm phí giao dịch thanh toán, chuyển tiền cho người dân…

Theo TS.Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia tài chính - ngân hàng, việc cho phép mở cửa, cho phép các doanh nghiệp tham gia chuyển mạch tài chính thanh toán bù trừ là điều rất phù hợp với Việt Nam hiện nay. Sự tham gia của tư nhân sẽ góp phần mở rộng hệ thanh toán quốc gia, tạo nền tảng đủ lớn cho phát triển dịch vụ không dùng tiền mặt hiện nay.

Việc có thêm doanh nghiệp tham gia thị trường, chắc chắn sẽ xóa bỏ sự độc quyền, tạo ra cạnh tranh mạnh mẽ, giúp giảm chi phí, tăng các tiện ích, thúc đẩy nhanh quá trình thanh toán không dùng tiền mặt.

MỚI - NÓNG