Kiến nghị giảm thuế nhiên liệu và phí dịch vụ hàng không

Nhiều vướng mắc được các doanh nghiệp nêu ra trong cuộc làm việc với Thủ tướng sáng 12/3 (ảnh: Hải Anh)
Nhiều vướng mắc được các doanh nghiệp nêu ra trong cuộc làm việc với Thủ tướng sáng 12/3 (ảnh: Hải Anh)
Nhằm giúp cho hành khách có được mức vé rẻ nhất, Vietjet vừa kiến nghị Chính phủ xem xét miễn thuế nhập khẩu và thuế bảo vệ môi trường cho nhiên liệu bay, miễn giảm 50% - 70% phí dịch vụ hoạt động hàng không.

Kiến nghị này được bà Hồ Ngọc Yến Phương, Phó tổng giám đốc Vietjet, đưa ra tại cuộc làm việc ngày 12/3 của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc với các tập đoàn kinh tế tư nhân nhằm huy động hiến kế sáng tạo, chủ động và đóng góp đối với sự phát triển đất nước trong bối cảnh đại dịch Covid-19 lây lan trên toàn cầu.

Đánh giá cơ hội trong đại dịch

Bà Hồ Ngọc Yến Phương cho biết, ngay khi có dấu hiệu bùng phát dịch bệnh từ Vũ Hán, Vietjet đã khởi động Uỷ ban khẩn cấp phòng chống dịch vào ngày 21/1 để tổ chức chiến dịch giải toả khách quốc tế và đã giải toả được khoảng 142.000 khách trên 626 chuyến bay, đảm bảo không còn khách nào bị bỏ lại. Ngoài ra, Vietjet cũng đã phục vụ những chuyến bay miễn phí, những đoàn khách miễn phí.

Bà Yến Phương đề xuất Chính phủ cần có quyết sách quốc gia để đánh giá về các cơ hội trong đại dịch, tổ chức và xây dựng các chính sách để doanh nghiệp và toàn dân tham gia. “Có thể xây dựng Việt Nam thành một trung tâm sản xuất công nghệ cao của khu vực, một đất nước du lịch xinh đẹp4, an toàn và hiếu khách”, bà Yến Phương nói.

Cụ thể về những cơ chế, chính sách đề xuất tháo gỡ, theo bà Yến Phương, Chính phủ cần nới lỏng chính sách tiền tệ, giảm lãi suất, tăng cung tiền, giãn thời gian trả nợ do vòng quay vốn bị chậm lại; giảm thuế, phí, trong đó đối với hàng không, miễn thuế nhập khẩu và thuế bảo vệ môi trường cho nhiên liệu bay, miễn giảm từ 50% - 70% phí dịch vụ hoạt động hàng không như chi phí cất hạ cánh, các chi phí tại các cảng hàng không; giãn thời gian nộp các loại thuế, phí ít nhất 6 tháng.

Phó tổng giám đốc Vietjet cũng kiến nghị triển khai các gói giải pháp đồng bộ kích cầu tiêu dùng và du lịch; thúc đẩy thu hút đầu tư, bao gồm hạ tầng hàng không như nhà ga, sân đỗ, các công trình hàng không... “Chúng tôi đề xuất thúc đẩy đầu tư công; khuyến khích đầu tư tư nhân và đầu tư nước ngoài thông qua các biện pháp như hỗ trợ thủ tục, chính sách ưu đãi thuế tuỳ theo ngành nghề đầu tư”, bà Yến Phương nói.

Bà Yến Phương cũng cho rằng Việt Nam cần phối hợp cùng khu vực ASEAN để có hành động chung về tiền tệ, tài chính, thương mại, du lịch, thúc đẩy các phương thức thanh toán không dùng tiền mặt để hạn chế dịch bệnh lây lan.

Không để doanh nghiệp đình đốn

Giải đáp những kiến nghị của Vietjet cũng như của các doanh nghiệp tại cuộc làm việc, ông Lê Minh Hưng, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, cho biết: “Tất cả các khoản nợ của doanh nghiệp trong thời gian từ khi Thủ tướng tuyên bố có dịch đến khi tuyên bố hết dịch sẽ được xem xét cơ cấu lại nợ, thời gian cơ cấu lại nợ tối đa một năm. Nếu thời gian tới có diễn biến mới thì tiếp tục điều chỉnh”.

Theo đó, chiều 12/3, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam ban hành Thông tư quy định về việc tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi, giữ nguyên nhóm nợ nhằm hỗ trợ khách hàng chịu ảnh hưởng do dịch Covid-19.

Cũng theo ông Hưng, dự kiến trong tuần này hoặc tuần sau, Ngân hàng Nhà nước sẽ có chính sách liên quan tới lãi suất.

Về đề xuất miễn giảm phí dịch vụ hoạt động hàng không, bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng cho biết bộ sẽ làm việc với Bộ Giao thông – vận tải để xem xét.

Phát biểu kết luận, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định: “Chính phủ sẽ tiếp thu tối đa các ý kiến để làm sao có chính sách tốt hơn, phù hợp hơn, tạo thuận lợi cho phát triển, an sinh xã hội”. Thủ tướng đề nghị các doanh nghiệp nhân dịp này tái cơ cấu, quản trị tốt, ứng dụng công nghệ, tăng cường hợp tác, chia sẻ rủi ro, chia sẻ lợi nhuận.

Cùng với đó, Chính phủ sẽ cải cách mạnh mẽ hơn, tạo môi trường đầu tư kinh doanh tốt hơn, toàn diện hơn. “Chính phủ nêu cao tinh thần trách nhiệm trước nhân dân, trước doanh nghiệp, tiếp tục hoàn thiện thể chế và có kịch bản ứng phó tình hình mới một cách phù hợp, không để đất nước khó khăn, không để doanh nghiệp đình đốn”, Thủ tướng nhấn mạnh.

Theo Thủ tướng, Chính phủ sẽ có nguồn lực tổng thể hỗ trợ doanh nghiệp một cách toàn diện, giảm chi phí cho doanh nghiệp, bao gồm miễn giảm thuế, phí, lãi suất vay, giảm hoãn nợ…, đặc biệt là đối với những lĩnh vực, ngành nghề chịu tác động của dịch Covid-19. “Một số loại hình sản xuất phải có chính sách hỗ trợ phù hợp, nhất là hàng không, du lịch”, Thủ tướng nói.

Thủ tướng nhấn mạnh: “Dịch bệnh làm chúng ta khó khăn gấp đôi nhưng chúng ta phải cố gắng gấp ba. Đó là phương châm thúc đẩy phát triển của chúng ta. Chính những nhà đầu tư, những doanh nghiệp phải thúc đẩy quá trình ấy bằng trí tuệ, nghị lực của mình”.

MỚI - NÓNG
Nhiều chính sách mới có hiệu lực từ tháng 4/2024
Nhiều chính sách mới có hiệu lực từ tháng 4/2024
TPO - Từ tháng 4/2024, nhiều chính sách mới có hiệu lực như: sửa đổi, bổ sung một số điều của quy chế thi tốt nghiệp trung học phổ thông; không xét danh hiệu “Lao động tiên tiến” với người tuyển dụng dưới 6 tháng; quy định mới về xét danh hiệu "Thầy thuốc nhân dân", "Thầy thuốc ưu tú"...
Công an thông tin về vụ múc đất cao tốc mang đi bán
Công an thông tin về vụ múc đất cao tốc mang đi bán
TPO - Lãnh đạo Công an huyện Krông Pắc (Đắk Lắk) cho biết, việc khởi tố 2 bị can liên quan múc đất công trình cao tốc Khánh Hoà - Buôn Ma Thuột mang đi bán là hồi chuông cảnh báo. Công an huyện sẽ kiểm tra, xử lý các xe quá khổ, quá tải, nhất là việc múc đất của dự án đổ đi nơi khác không đúng quy định.