Theo kết quả thanh tra, trong tổng chi phí sản xuất, kinh doanh của 6 công ty liên doanh ôtô sản xuất, lắp ráp trong nước (gọi tắt là các liên doanh) thì linh kiện, vật tư nhập khẩu chiếm khoảng 49%; linh kiện, phụ tùng nội trung bình 5% (gọi là nội địa hóa), chi phí phân xưởng chiếm khoảng 6%, chi phí kinh doanh chiếm 10%. Thuế nhập khẩu linh kiện chiếm khoảng 7% và thuế tiêu thụ đặc biệt chiếm khoảng 27%.
Trong tất cả các loại chi phí ấy, có thể nói, khoản chi phí khó kiểm soát nhất, bị nghi ngờ có sự gian lận, có hành vi chuyển giá chính là giá mua linh kiện, máy móc nhập khẩu.
Theo khảo sát của Thanh tra Bộ Tài chính, tất cả các Công ty liên doanh đều nhập khẩu linh kiện từ các Công ty thành viên cùng tập đoàn cùng khu vực và trên thế giới, giá linh kiện nhập khẩu cao hay thấp lại tuỳ thuộc vào sự kê khai của các Công ty liên doanh này. Bởi các cơ quan nhà nước không quản lý, giám sát được giá linh kiện, phụ tùng đầu vào nhập khẩu của các Công ty sản xuất, lắp ráp ôtô trong nước.
Bên cạnh đó, các chi phí sản xuất khác của các liên doanh như tiền điện, nước, tiền vận chuyển, phí bốc xếp...lại luôn gia tăng mạnh hàng năm.
Thanh tra phát hiện cả 6 doanh nghiệp đều sử dụng dây chuyền lắp ráp, sản xuất rất lạc hậu (thủ công) dẫn đến chi phí sản xuất cao.
Thêm vào đó, chính sách thuế nhập khẩu, thuế tiêu thụ đặc biệt luôn duy trì ở mức cao, khiến giá bán của các hãng xe này đều bị đội lên rất cao so với mặt bằng giá chung trên thị trường thế giới.
Ưu đãi quá lớn vẫn không đạt mục tiêu
Suốt từ khi Chính phủ ban hành quyết định phê duyệt chiến lược phát triển ngành công nghiệp ôtô Việt Nam từ năm 2004 đến nay (QĐ 177/2004/QĐ-TTg) đến nay, các liên doanh sản xuất, lắp ráp ôtô được hưởng rất nhiều chính sách ưu đãi về thuế như: thuế thu nhập doanh nghiệp (tuỳ theo từng liên doanh, có mức miễn giảm thuế theo từng năm khác nhau), để các doanh nghiệp này tăng dần tỷ lệ nội địa hóa sản xuất linh kiện, phụ tùng xe.
Xe ô tô sản xuất ở Việt Nam tỷ lệ nội địa hóa chỉ 2-7% - Ảnh: Phạm Yên |
Các liên doanh cũng có nhiều lợi thế khác do chi phí giá nhân công tại Việt Nam rẻ, từ việc được bảo hộ do chính sách thuế rất cao đánh vào xe nhập khẩu nguyên chiếc.
Tuy nhiên, trên thực tế, tỷ lệ NĐH mà các doanh nghiệp thực hiện đều rất thấp.
Tính đến thời điểm tháng 11-2008, tại Công ty Toyota Việt Nam, tỷ lệ NĐH bình quân là 7% giá trị xe. Trong khi theo giấy phép đầu tư cấp lần đầu thì tỷ lệ NĐH của Công ty này phải đạt ít nhất 30% sau 10 năm, kể từ năm 1996.
Tại Công ty TNHH Việt Nam Suzuki, tỷ lệ NĐH còn thảm bại hơn, chỉ 3% vào thời điểm thanh tra trong khi yêu cầu trong giấy phép đầu tư là phải đạt tỷ lệ NĐH 38,2% vào năm 2006.
Công ty TNHH Ford Việt Nam còn đạt thấp hơn nữa: 2%. Một số công ty khác cũng chỉ đạt 4%...
Không những thế, cơ quan cấp phép thỉnh thoảng còn cho một số doanh nghiệp hưởng ưu đãi vượt quá quy định.
Thanh tra Tài chính đã làm rõ việc Công ty Honda Việt Nam được cả Bộ Kế hoạch & Đầu tư, UBND tỉnh Vĩnh Phúc cho áp dụng chính sách miễn thuế thu nhập doanh nghiệp vượt quá một năm so với quy định trong luật và vượt quá quy định về giảm thuế thu nhập doanh nghiệp một năm.
Công ty ôtô Toyota Việt Nam cũng được UBND tỉnh Vĩnh Phúc cho hưởng quy định miễn thuế thu nhập doanh nghiệp một năm và kéo dài thời gian được giảm thuế thu nhập doanh nghiệp (50%) thêm một năm.
Cuối năm 2008, UBND tỉnh Vĩnh Phúc đã phải điều chỉnh lại quy định miễn, giảm thuế cho Toyota Việt Nam theo đúng quy định hiện hành.
Sai phạm
Các doanh nghiệp liên doanh cũng không nghiêm túc trong thực hiện quy định về hạch toán, chế độ kế toán, thuế theo luật pháp Việt Nam.
Thanh tra Bộ Tài chính xác định, hầu hết các doanh nghiệp liên doanh sản xuất ôtô đều có vi phạm. Có 5/6 số Công ty đã hạch toán không đúng vào chi phí sản xuất kinh doanh với số tiền trên 27,2 tỷ đồng và trên 1,5 triệu USD.
Tại Công ty ôtô Việt Nam Daewoo, thanh tra phát hiện hạch toán sai chi phí số tiền 373.325 USD do tính chênh lệch tỷ giá sai, hạch toán chi phí quản lý không đúng…
Còn ở Công ty Honda Việt Nam, thanh tra làm rõ việc công ty này hạch toán sai chi phí sản xuất, kinh doanh số tiền 797.401 USD. Công ty này đã đưa vào chi phí các khoản rất vô lý như: tiền khám chữa bệnh cho vợ con chuyên gia Nhật Bản, tiền chi cho các hoạt động vui chơi, giải trí, cho việc tham gia các câu lạc bộ của chuyên gia Nhật Bản…
Tỷ lệ NĐH theo yêu cầu của chiến lược phát triển công nghiệp ôtô Việt Nam đến nay là quá thấp (theo yêu cầu, trung bình tỷ lệ NĐH các dòng xe đạt 40 - 45% vào năm 2005 và đạt khoảng 60% vào năm 2010).
Ngành công nghiệp ôtô trong nước rõ ràng vẫn chưa được hình thành và chủ yếu vẫn là sản phẩm lắp ráp bằng linh kiện, máy móc nhập từ bên ngoài (nên cũng không hạn chế được nhập siêu).
Trong khi đó, giá ôtô của các liên doanh luôn ở mức quá cao, chất lượng lại không thể bằng xe nhập khẩu. Điều đó cho thấy, chính sách ưu đãi để nội địa hóa sản xuất ôtô đã thực sự phá sản.
Mới đây, Bộ Công Thương đưa ra chiến lược phát triển dòng xe chiến lược quốc gia. Theo các chuyên gia thì đề xuất này vẫn đi theo xu hướng sai lầm của chiến lược NĐH.
Đã đến lúc Chính phủ, các bộ, ngành phải đánh giá lại toàn bộ chương trình phát triển công nghiệp ôtô, đưa ra chính sách khác để phát triển thị trường, đảm bảo hài hòa lợi ích với các doanh nghiệp sản xuất, lắp ráp ôtô khác trong nước và quyền lợi của người tiêu dùng.
Người tiêu dùng đắng chát Tính ở thời điểm tháng 11-2008, xe Toyota Camry 2.4 sản xuất trong nước lúc đó có giá 29.539 USD nhưng giá xe cùng loại bên ngoài bán thấp nhất là 20.195 USD, nơi bán cao nhất là 25.575 USD. Xe Camry 3.5, giá bán xe sản xuất trong nước là 38.510 USD thì bên ngoài nơi bán thấp nhất có giá 24.215 USD và cao nhất cũng chỉ 28.695 USD. Giá xe Toyota Corolla 1.8 Mt sản xuất trong nước có giá 19.523 USD nhưng xe cùng loại ở nước ngoài chỉ 15.350 USD. |