Chiến lược bứt phá của ngành công thương Gia Lai

0:00 / 0:00
0:00
TP - Sở Công Thương Gia Lai đã đề ra nhiều giải pháp trọng tâm về cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh cấp sở ngành, góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh. Bởi vậy, chỉ trong 9 tháng của năm 2023, tổng giá trị sản xuất công nghiệp tăng mạnh so với cùng kỳ, ước đạt hơn 21.825 tỷ đồng.
Chiến lược bứt phá của ngành công thương Gia Lai ảnh 1
Ông Phạm Văn Binh chủ trì hội nghị sơ kết 9 tháng

Đẩy mạnh thu hút đầu tư

Thống kê của Sở Công Thương tỉnh Gia Lai cho thấy, chỉ trong 9 tháng của năm 2023, tổng giá trị sản xuất công nghiệp (theo giá so sánh 2010) ước đạt hơn 21.825 tỷ đồng (tăng 9,5% so với cùng kỳ năm 2022). Trong đó, công nghiệp khai khoáng ước đạt hơn 164 tỷ đồng; công nghiệp chế biến, chế tạo ước đạt gần 13.420 tỷ đồng; công nghiệp sản xuất và phân phối điện, khí đốt ước đạt hơn 8.159 tỷ đồng; cung cấp nước, quản lý và xử lý rác thải, nước thải ước đạt hơn 82 tỷ đồng. Đặc biệt, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ trên địa bàn tỉnh ước đạt 66.642 tỷ đồng (tăng 12,27% so với cùng kỳ); kim ngạch xuất khẩu ước đạt 570 triệu USD (tăng 4,59% cùng kỳ)…

Cuối tháng 9 vừa qua, Sở Công Thương tỉnh Gia Lai tổ chức hội nghị sơ kết 9 tháng, đồng thời triển khai nhiệm vụ 3 tháng cuối năm 2023, dự kiến nhiệm vụ trọng tâm của năm 2024. Tại hội nghị lãnh đạo Sở và các phòng chuyên môn đã tập trung đánh giá tình hình, kết quả thực hiện và đưa ra nhiều giải pháp để phấn đấu đến hết năm 2023, tổng giá trị sản xuất ngành công nghiệp của tỉnh (theo giá so sánh 2010) đạt 31.620 tỷ đồng (đạt 100% kế hoạch); tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ đạt 108.000 tỷ đồng (đạt 100% kế hoạch) và kim ngạch xuất khẩu đạt 680 triệu USD (đạt 100% kế hoạch).

Ngoài ra, trên cơ sở dư địa tăng trưởng của các nhóm sản phẩm, các nhóm nhà máy chủ chốt dự tính ước đạt được trong năm 2023, ngành công thương tỉnh đã đặt ra các chỉ tiêu trong năm 2024. Cụ thể: dự kiến chỉ số sản xuất ngành công nghiệp tăng 9,1% so với cùng kỳ, tổng giá trị sản xuất công nghiệp (giá so sánh 2010) đạt 35.000 tỷ đồng, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ dự kiến đạt 123.000 tỷ đồng, tổng kim ngạch xuất khẩu 750 triệu USD và tổng kim ngạch nhập khẩu dự kiến đạt 115 triệu USD...

Ông Phạm Văn Binh- Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Gia Lai nhấn mạnh: “Để thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ, Sở đã đề ra nhiều giải pháp trọng tâm như tích cực cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh cấp sở ngành, góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh. Cùng với đó áp dụng công nghệ số, dữ liệu số, xây dựng cơ sở dữ liệu ngành Công Thương phục vụ công tác chỉ đạo, điều hành, phát triển kinh tế. Phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh, cùng các địa phương, doanh nghiệp triển khai đồng bộ các giải pháp tổ chức sản xuất nông sản hàng hoá quy mô lớn theo chuỗi giá trị gắn với chế biến, tiêu thụ và xuất khẩu”.

Đối với ngành công nghiệp, theo Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Gia Lai, cần phải tiếp tục thu hút các nguồn lực đầu tư hạ tầng các cụm công nghiệp, ưu tiên lựa chọn các nhà đầu tư có năng lực tài chính, kinh nghiệm. Không những vậy, Sở sẽ quan tâm phát triển ngành công nghiệp ưu tiên, công nghiệp mũi nhọn. Triển khai có hiệu quả chương trình khuyến công, tập trung vào việc hỗ trợ về đầu tư máy móc thiết bị, hỗ trợ về thiết kế sản phẩm, lựa chọn và chuyển giao công nghệ gắn với việc phát triển các sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu và chương trình OCOP. Đặc biệt Sở sẽ tiếp tục nghiên cứu, tham mưu triển khai quy hoạch phát triển điện lực quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 (quy hoạch điện VIII) được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 500/QĐ-TTg ngày 15/5/2023…

Tiềm năng dồi dào

Gia Lai có nguồn nguyên liệu dồi dào phục vụ ngành công nghiệp chế biến với hơn 98.700 ha cà phê, gần 88.000 ha cao su, hơn 29.000 ha cây ăn quả, hơn 23.300 ha điều, hơn 79.300 ha mì, hơn 76.000 ha lúa nước, gần 37.000 ha mía, 690 ha chè…Hầu hết các loại cây trồng chủ lực đều hình thành vùng nguyên liệu tập trung quy mô lớn gắn với các nhà máy chế biến phục vụ xuất khẩu. Hiện trên địa bàn tỉnh đã quy hoạch 23 cụm công nghiệp với tổng diện tích hơn 1.221 ha.

Chiến lược bứt phá của ngành công thương Gia Lai ảnh 2
Chế biến gỗ là một trong những ngành mũi nhọn của Gia Lai

Bên cạnh các mặt hàng truyền thống thì khoảng 3 năm gần đây, ngành công nghiệp chế biến và xuất khẩu rau quả của tỉnh có sự phát triển mạnh mẽ với nhiều nhà máy lớn như: Nhà máy chế biến rau quả DOVECO có công suất 520.000 tấn sản phẩm/năm; Nhà máy sơ chế, chế biến, đóng gói trái cây tươi và trái cây cấp đông IQF của Công ty cổ phần Hoàng Anh Gia Lai công suất 36.500 tấn sản phẩm/năm; Nhà máy chế biến trái cây Quicornac của Công ty DIVAFRUIT S.A công suất 15.000 tấn sản phẩm/năm...

Ông Phạm Văn Binh phân tích, ngành công nghiệp đang phát triển theo hướng giảm tỷ trọng khai khoáng, tăng tỷ trọng chế biến, chế tạo. Hiện giá trị sản xuất ngành công nghiệp chế biến, chế tạo chiếm hơn 66% tổng giá trị sản xuất công nghiệp toàn tỉnh. Ngành Công Thương cũng đang nỗ lực huy động nguồn lực đầu tư hạ tầng kỹ thuật các khu-cụm công nghiệp; thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu nội ngành công nghiệp theo hướng tăng nhanh tỷ trọng ngành công nghiệp chế biến, các ngành công nghiệp có công nghệ, giá trị gia tăng cao; hỗ trợ thực hiện các đề án từ nguồn vốn khuyến công cho doanh nghiệp, hộ sản xuất ở nông thôn để nâng cao năng lực cạnh tranh.

“Tính bình quân các sản phẩm nông nghiệp của tỉnh qua chế biến chiếm khoảng 66,72%. Tỷ lệ chế biến sâu một số mặt hàng còn thấp như cà phê mới đạt hơn 23%, hồ tiêu hơn 23,2%, tinh bột mì hơn 5,4%... Để thúc đẩy ngành công nghiệp chế biến phát triển cần đảm bảo vùng nguyên liệu đầu vào, tạo điều kiện cho doanh nghiệp thu mua và chế biến ra sản phẩm”, ông Binh thông tin thêm.

Chiến lược bứt phá của ngành công thương Gia Lai ảnh 3
Máy móc hiện đại giúp nâng cao sản xuất

Ông Phạm Văn Binh nhấn mạnh, thu hút được càng nhiều doanh nghiệp đến đầu tư thì nền kinh tế của tỉnh càng phát triển. Để có điều này, cơ sở hạ tầng phải đảm bảo. Đó là lý do mà thời gian qua, việc phát triển các cụm công nghiệp mang tính kết nối cao được chú trọng. Đến nay, toàn tỉnh có 12 cụm công nghiệp đã thành lập và quy hoạch chi tiết với diện tích 391,5 ha; 2 cụm công nghiệp đã quy hoạch chi tiết nhưng chưa thành lập; 4 cụm công nghiệp chưa thành lập và chưa quy hoạch chi tiết. Mới đây, Bộ Công thương đã đồng ý và tỉnh đã bổ sung vào quy hoạch 3 cụm công nghiệp gồm: Cụm Công nghiệp Đak Pơ, mở rộng Cụm Công nghiệp Mang Yang và Cụm Công nghiệp Đak Đoa 2.

MỚI - NÓNG