Theo Luật Quân nhân chuyên nghiệp, công nhân và viên chức Quốc phòng vừa được Quốc hội thông qua sáng nay 26/11 (có hiệu lực từ 1/7/2016), trong thời bình, thời hạn phục vụ tại ngũ của quân nhân chuyên nghiệp ít nhất là 6 năm kể từ ngày quyết định chuyển thành quân nhân chuyên nghiệp và phục vụ cho đến hết hạn tuổi theo cấp bậc quân hàm: Cấp uý quân nhân chuyên nghiệp thì nam 52 tuổi, nữ 52 tuổi; Thiếu tá, Trung tá quân nhân chuyên nghiệp, nam 54 tuổi, nữ 54 tuổi; Thượng tá quân nhân chuyên nghiệp thì nam 56 tuổi và nữ 55 tuổi.
Bên cạnh đó, luật quy định quân nhân chuyên nghiệp có trình độ chuyên môn kỹ thuật, nghiệp vụ cao, có đủ phẩm chất chính trị, đạo đức, sức khoẻ và tự nguyện, nếu quân đội có nhu cầu thì được xem xét kéo dài tuổi phục vụ tại ngũ không quá 5 năm.
Chiến đấu viên thực hiện nhiệm vụ khi đủ 40 tuổi thì được ưu tiên đào tạo, bồi dưỡng và được bố trí đảm nhiệm chức danh khác phù hợp với yêu cầu của quân đội hoặc được chuyển ngành. Trường hợp quân đội không thể tiếp tục bố trí sử dụng và không thể chuyển ngành được nếu có đủ 20 năm đóng bảo hiểm xã hội, trong đó có đủ 15 năm là chiến đấu viên thì được nghỉ hưu. Danh mục chức danh chiến đấu viên do Bộ trưởng Bộ Quốc phòng quy định.
Theo điều 19, căn cứ yêu cầu nhiệm vụ quân sự, quốc phòng, quân nhân chuyên nghiệp tại ngũ được biệt phái đến công tác ở cơ quan, tổ chức ngoài quân đội nhân dân, do cấp có thẩm quyền quyết định.
Quân nhân chuyên nghiệp biệt phái được hưởng chế độ, chính sách như đối với quân nhân chuyên nghiệp phục vụ tại ngũ. Cơ quan, tổ chức nhận biệt phái có trách nhiệm giao nhiệm vụ và bảo đảm các chế độ cho quân nhân chuyên nghiệp biệt phái theo quy định của pháp luật.
Chấm dứt thí điểm chế định Thừa phát lại
Cũng trong sáng nay, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết về thực hiện chế định Thừa phát lại. Theo đó, ghi nhận kết quả đạt được trong việc thực hiện thí điểm chế định Thừa phát lại theo Nghị quyết số 24/2008/QH12 và Nghị quyết số 36/2012/QH12 của Quốc hội.
Chấm dứt việc thí điểm và cho thực hiện chế định Thừa phát lại trong phạm vi cả nước kể từ ngày 1/1/2016.
Nghị quyết cũng giao Chính phủ căn cứ tình hình thực tế ở địa phương, tổ chức thực hiện chế định Thừa phát lại trong phạm vi hành nghề theo quy định hiện hành, có sự sửa đổi, bổ sung cần thiết để khắc phục những tồn tại, hạn chế trong hoạt động Thừa phát lại và chịu trách nhiệm tổ chức đào tạo nghề Thừa phát lại.
Các tổ chức Thừa phát lại được thành lập theo Nghị quyết số 24/2008/QH12 và Nghị quyết số 36/2012/QH12 của Quốc hội tiếp tục hoạt động theo quy định của Nghị quyết này cho đến khi Quốc hội ban hành Luật Thừa phát lại.
Chính phủ phối hợp với TAND Tối cao, VKSND Tối cao triển khai thi hành nghị quyết này và chuẩn bị dự án Luật Thừa phát lại, báo cáo Quốc hội xem xét đưa vào chương trình xây dựng luật, pháp lệnh của Quốc hội khóa XIV.