Chiếc vòng thần kỳ của người Êđê

0:00 / 0:00
0:00
Vòng đồng có ý nghĩa văn hóa tâm linh
Vòng đồng có ý nghĩa văn hóa tâm linh
TP - Chiếc vòng đồng không chỉ là vật trang sức mà còn có ý nghĩa văn hóa tâm linh. Khi xuất hiện ở các nghi lễ, nó trở thành vật quý được mọi người trao nhau như một phong tục đẹp. Nó gắn kết những người xa lạ với nhau.

Một sớm tinh sương, trong ngôi nhà sàn ở xã Ea Tul, huyện Cư M’gar (Đắk Lắk) vang lên âm thanh du dương. Ông Y Huynh Niê miệt mài bên bộ chiêng tre chia sẻ, chiếc vòng đồng là vật giao ước hôn thú của trai, gái khi đến tuổi lập gia đình. Vòng được đeo vào tay của hai người thì chàng trai, cô gái chính thức trở thành vợ chồng, phải ở bên nhau trọn đời. Sau khi kết hôn, nếu một trong hai không còn muốn sống với nhau nữa, phải trả vòng và phạt đền cho bên còn lại gấp đôi hoặc gấp ba lần sính lễ được trao trong ngày cưới.

Chiếc vòng thần kỳ của người Êđê ảnh 1

Thầy cúng đọc lời khấn cho chiếc vòng đồng trên tay người được làm lễ

Người Êđê có nhiều nghi lễ gắn với vòng đời người. Mỗi lễ cúng mang một ý nghĩa riêng. Đặc biệt, đối với mỗi người Êđê, những lần được cúng đeo vòng đồng là đánh dấu giai đoạn hay thời khắc quan trọng trong cuộc đời. Đó như một vật chứng để thần linh phù hộ, che chở cho chủ nhân của chiếc vòng.

Anh Y Yuin Niê ở xã Ea Ngai, (huyện Krông Búk) kể, sau một lần bị tai nạn giao thông rất nặng, anh được bố mẹ làm lễ trao vòng đồng với hy vọng tai qua nạn khỏi. Và như một phép màu, chiếc vòng đồng giúp anh dần ổn định sức khỏe, bình phục nhanh chóng. Mỗi lần có người trong nhà đau ốm, người Êđê lại đeo chiếc vòng đồng đã được làm phép cho người bệnh mau chóng khỏe mạnh.

Ngày nay, mặc dù các nghi lễ không còn nhiều như trước nhưng ở Đắk Lắk, chiếc vòng đồng vẫn được gìn giữ cẩn thận như báu vật. Khi xuất hiện ở các nghi lễ, nó trở thành vật quý được mọi người trao nhau như một phong tục đẹp.

Già Ma Hem (huyện Krông Búk) cho biết, lễ cúng vòng đồng của đồng bào Êđê phải diễn ra năm lần. Nhưng tùy vào điều kiện kinh tế, gia đình nào khá giả thì làm lễ cúng đầy đủ; còn nếu khó khăn thì cúng một, hai lần để dâng lễ vật và chiếc vòng đồng lên thần linh phù hộ cho chủ lễ sức khỏe, công việc thuận lợi,… Sau lễ cúng, chiếc vòng được khắc tên người đeo và gắn bó suốt cuộc đời với chủ nhân cho đến lúc chết.

Trong ngôi nhà cộng đồng buôn Tơng Ju (xã Ea Kao TP Buôn Ma Thuột, Đắk Lắk), tiếng chiêng được tấu lên tại buổi lễ kết nghĩa anh em của anh Y Dhiăm Êban (buôn Nui, huyện Cư Jút, Đắk Nông) với anh Y Tõ Bkrông (buôn Tơng Ju). Thầy cúng vừa đọc lời khấn, vừa cầm chiếc vòng đồng đeo vào cổ tay người được làm lễ.

Anh Y Tõ Bkrông cho biết, khi người Êđê thương mến ai đó ngoài dòng tộc và muốn trở thành anh em thì sẽ làm lễ kết nghĩa. Sau khi cúng, chiếc vòng đồng trao cho người anh em kết nghĩa. Hai bên được gắn kết như ruột thịt và cùng chia sẻ những chuyện vui buồn hay khó khăn, hoạn nạn. Theo phong tục hằng năm, người Êđê đều làm lễ cúng sức khỏe cho từng thành viên trong gia đình. Sau khi làm phép, cúng vái thần linh, đại diện gia đình sẽ cầm chiếc vòng đồng trao cho chủ lễ.

MỚI - NÓNG