Chiếc tiêm kích lớn hơn cả oanh tạc cơ của Liên Xô

Với chiều dài 27 m và khối lượng cất cánh tối đa 40 tấn, Tu-128 được cho là tiêm kích đánh chặn lớn và nặng nhất từng được đưa vào biên chế trên thế giới.
Player Loading...

Tupolev Tu-128 (NATO định danh: Fiddler) là dòng tiêm kích đánh chặn tầm xa lớn và nặng nhất từng được đưa vào biên chế trên thế giới, có kích thước vượt cả những oanh tạc cơ lớn như B-17 của Mỹ, theo War History.

Trong thập niên 1950, Liên Xô muốn phát triển năng lực phòng thủ trước mối đe dọa từ máy bay trang bị vũ khí hạt nhân của Mỹ. Các tiêm kích đánh chặn khi đó chỉ có tầm hoạt động vài trăm km, trong khi hệ thống tên lửa phòng không mới phát triển có tầm ngắn hơn và không đủ số lượng để bảo vệ không phận.

Bởi vậy, vào năm 1955, lực lượng phòng không Liên Xô (PVO) quyết định phát triển một loại tiêm kích đủ sức bao quát khu vực rộng lớn từ các căn cứ không quân ít ỏi của nước này. Dựa trên oanh tạc cơ Tupolev Tu-98, phòng thiết kế (OKB) Tupolev bắt tay vào phát triển và cho ra đời tiêm kích Tu-128.

Tiêm kích Tu-128 dài 27 m, rộng 18 m, cao 7 m, khối lượng rỗng 25 tấn, khối lượng cất cánh tối đa 40 tấn. Đây là tiêm kích đánh chặn tầm cao hai chỗ ngồi, được thiết kế kiểu cánh xuôi cùng hai động cơ phản lực có chế độ tăng lực. Phần thân máy bay thuôn dài, cánh chính được bố trí thấp dọc hai bên thân, chỉ có một cánh đuôi đứng vát về phía sau để tăng hiệu suất khí động học khi hành trình tốc độ cao.

Giống các mẫu thiết kế của Liên Xô trước đó, Tu-128 có các tấm chắn dọc cánh chính để điều chỉnh dòng khí khi bay hành trình tốc độ cao. Khoang lái đặt ở phía trước với phần mũi nhô ra để trang bị radar.

Tu-128 sử dụng hai động cơ phản lực Lyulka AL-21F, đạt tốc độ tối đa 1.850 km/h, tầm hoạt động tối đa 5.000 km, trần bay 20 km.

Chiếc tiêm kích lớn hơn cả oanh tạc cơ của Liên Xô ảnh 1

Một chiếc Tu-128 trong biên chế PVO. Ảnh: Cuttys.

Máy bay được trang bị 4 tên lửa không đối không Molniya R-4 (NATO định danh: AA-5 Ash) được gắn dưới giá treo ở hai cánh. Do được thiết kế để diệt mục tiêu tầm trung đến tầm xa, chiến đấu cơ này không mang pháo để cận chiến. Các biến thể sau được bổ sung thêm tên lửa dẫn đường bằng laser và hồng ngoại. Tu-128 không cần sử dụng thùng nhiên liệu phụ để tăng thời gian bay.

Chuyến bay đầu tiên của Tu-128 diễn ra ngày 18/3/1961, sau đó dòng tiêm kích này được sản xuất hàng loạt và đưa vào biên chế năm 1964. Quá trình sản xuất Tu-128 tiếp tục đến năm 1970 với tổng số 198 chiếc.

Nhiệm vụ chủ yếu của Tu-128 là đánh chặn oanh tạc cơ hạng nặng tầm cao bay chậm của phương Tây trong trường hợp nổ ra một cuộc chiến tổng lực.

Biến thể đầu tiên của Tu-128 được NATO định danh là "Fiddler-A", trong khi  mẫu vận hành chủ yếu được gọi là " Fiddler-B". Biến thể Tu-128UT có 3 chỗ ngồi được dùng để huấn luyện, biến thể nâng cấp Tu-28M ra mắt năm 1979 được trang bị thêm hệ thống radar dò tìm trên không và các tên lửa có khả năng tiêu diệt mục tiêu tầm thấp.

Chiếc tiêm kích lớn hơn cả oanh tạc cơ của Liên Xô ảnh 2

Tu-128 trong bảo tàng không quân trung tâm Moscow. Ảnh: Flickr.

Ngoài ra, OKB Tupolev còn đề xuất chế tạo thêm các mẫu khác như Tu-28A, Tu-28-80, Tu-28-100, Tu-138 và Tu-148 nhưng tất cả đều bị hủy. Trong thời gian biên chế, Tu-128 chỉ triển khai tác chiến một lần duy nhất để phá hủy khinh khí cầu do thám của NATO.

Tiêm kích Tu-128 chưa từng được xuất khẩu ra nước ngoài, chỉ được biên chế trong PVO trước khi bị thay thế bằng các tiêm kích tốt hơn như MiG-31 hay Su-27 vào năm 1990.

Theo Theo VnExpress
MỚI - NÓNG