Chiếc mũi quyết định sự sống

Chiếc mũi quyết định sự sống
TPO - Bẩm sinh chúng ta phản ứng với mùi vị khó chịu nhanh hơn nhiều so với mùi thơm dễ chịu. Bằng cách này quá trình tiến hóa dạy chúng ta cảm nhận sự đe doạ của mối nguy hiểm.

Hãy tưởng tượng cuộc sống con người không có khứu giác, không có hương vị ngào ngạt bốc lên từ nồi cơm gia đình, không có hương vị đặc thù của cánh đòng quê hay mùi vị ngào ngạt phả ra từ ly cà phê nóng hổi. Chắc chắn bạn cho rằng, đó là những cảm nhận thú vị, song không có ý nghĩa quan trọng (như kết quả thăm dò, nếu bắt buộc phải hy sinh – mọi người dễ chấp nhận thà mất khứu giác, thay vì thị giác hoặc tính giác). Thế nhưng những nghiên cứu mới nhất lại rút ra kết luận: khứu giác có thể đóng vai trò quan trọng hơn nhiều so với chúng ta vẫn tưởng. Mùi vị đơn giản là khối lượng nhất định các nguyên tố bay lên trong không khí. Do hậu quả sự tiếp xúc các tế bào thụ cảm của vòm mũi với những hợp chất hóa học này, sẽ tạo ra cảm giác mùi vị sua khi những tín hiệu điện tử tiếp cận não bộ.

Hoa hồng cho trí nhớ

Người ta muốn nói đến tri giác nguyên thủy, cổ xưa tồn tại trên Trái Đất ở dạng đơn sơ nhất từ nhiều tỷ năm. Thậm chí vi khuẩn, những cơ thể đơn giản nhất trên hành tinh của chúng ta cũng được trang bị khả năng này.

Tuy nhiên đặc điểm hoạt động gây bất ngờ nhất của tri giác này lại là tác động của nó với não bộ. Đã biết, hương vị cung cấp cho chúng ta thông tin về môi trường, song các nhà khoa học đã xác định được rằng, chúng cũng có thể tác động đến trí tuệ, năng lực thể chất, và thậm chí những phản ứng sinh lý học cơ bản. – Khứu giác khác những tri giác còn lại bởi tác dụng mạnh mẽ của nó lên não bộ, không phụ thuộc vào ý thức của chúng ta – GS Tim Jacob (Đại học Cardiff) chuyên gia về khứu giác giải thích.

-Nếu đặt câu hỏi, khứu giác phục vụ cái gì, chúng ta sẽ nhận được câu trả lời không rõ ràng, thậm chí câu trả lời dạng, để phát hiện khả năng bếp ga bị rò rỉ - GS Jacob nói tiếp. Một phần não bộ điều chỉnh sự cảm nhận mùi vị - vùng vỏ não có hình quả lê – nằm bên cạnh khu vực đảm trách về trí nhớ và tình cảm, vì thế có mối liên hệ chặt chẽ giữa những ký ức và cảm nhận mùi vị của chúng ta. – Mùi vị gợi lên những tình cảm gắn liền với trải nghiệm nào đó. Nó có thể khơi gợi, thậm chí tái tạo sự kiện. Cứ mỗi lần bất ngờ xuất hiện mùi cỏ tươi, tôi lại nhớ lại quang cảnh bãi cỏ gần sân trường, nơi chúng tôi thường đá bóng, thời mới 8-9 tuổi. Đó là chức năng đặc biệt của khứu giác, mà những tri giác khác không có – GS Jacob nhấn mạnh.

Ngày càng nhiều nghiên cứu khoa học cho thấy, chính vì lý do đặc điểm này, có thể tận dụng khứu giác để cải thiện chất lượng quá trình ghi nhớ. Những sinh viên học tập trong căn phòng có mùi hoa hồng hoặc hoa oải hương, sau thời gian nhất định gặp lại những hương vị này có khả năng nhớ lại nhiều thông tin hơn hẳn đối tượng đối chứng. Nghiên cứu được thực hiện tại Đại học Harvard cho thấy: những tình nguyên viên được ngủ trong phòng có hoa hồng sau thời gian học tập có khả năng nhớ lại bài cũ tốt hơn hẳn đối tượng không được tiếp xúc với hoa hồng. Hương vị hoa hồng đã phát huy tác dụng tăng cường quá trình vận chuyển thông tin đến vùng hải mã, bộ phận não bộ đóng vai trò quan trọng trong quá trình ghi nhớ sự kiện.

Mỹ phẩm làm gì?

Như những trắc nghiệm khác cho thấy: đối tượng giải bài tập nhanh hơn trong phòng đầy hương vị hoa nhài; trái lại mùi bạc hà và quế cải thiện trí nhớ ngắn và năng lực tập trung.

Chiếc mũi quyết định sự sống ảnh 1

Hương vị cũng có thể phát huy tác dụng cải thiện năng lực thể chất. Trong thí nghiệm do các chuyên gia tâm lý học Mỹ (Đại học Wheeling Jesuit ở Tây Wirginia) thực hiện, các vận động viên cử tạ đã luyện tập trong gian phòng tràn ngập mùi bạc hà. Kết quả, số lần cử đẩy và cử giật tăng đáng kể, khả năng dẻo dai của VĐV cũng được cải thiện.

Như khẳng định của chủ nhiệm chương trình nghiên cứu, GS Bryan Raudenbush, những nghiên cứu khác cũng mang lại kết quả tương tự. – Một khi đánh giá năng lực thể chất dựa trên cơ sở những bài tập thể thao đặc biệt, các VĐV có sự trợ giúp của hương vị bạc hà có thành tích chạy cự ly 400 mét khá hơn, khả năng chống đẩy tay cải thiện trông thấy (GS Raudenbush dự kiến sẽ tung ra thị trường bình xịt hương bạc hà dành cho các VĐV thể thao).

Một bộ phận các nhà khoa học hoài nghi, liệu tác động của hương vị đối với cơ thể có thực sự là hiện tượng sinh lý học, hay có thể lý giải tác dụng của hương vị bằng những nhân tố mang tính tâm lý – khi mùi vị nào đó làm người ta liên tưởng đến thành công hoặc thất bại. Trong một thí nghiệm nổi tiếng do nữ chuyên gia tâm lý, GS Rachel Herz (Đại học Y Brown) tiến hành, nhóm học sinh tiểu học hôm trước nhận được bài tập không thể giải trong lớp học ngát hương thơm; hôm sau kết quả cũng rất kém – cho dù được giao bài dễ hơn và cũng trong phòng học ngát hương hôm trước.

TS Will Andrews, chuyên gia về mùi vị thuộc tập đoàn Proter and Gamble là nhân vật đặc biệt sành sỏi về tác dụng của mùi vị đối với cuộc sống chúng ta. - Nếu tôi đã có liên tưởng buồn với mùi hoa hồng dại, thí dụ tôi bị xước da khi lách qua bụi cây để vào trường học và hôm ấy tôi bị điểm xấu, mùi hoa hồng dại sẽ làm tôi chán nản. Vì thế các hương vị, đặc biệt là mỹ phẩm – có khả năng dẫn dắt chúng ta vào không gian vui vẻ thông qua năng lực tạo lập nền tảng tâm lý tích cực. Tuy nhiên các nghiên cứu cũng cho thấy: con người cũng dễ bị rơi vào trạng thái trầm cảm – một khi tiếp xúc với mùi vị “tiêu cực” – TS Andrew khẳng định.

Chiếc mũi quyết định sự sống ảnh 2

Đọc mồ hôi

Số lượng mùi vị, mà chúng ta cảm nhận được chỉ là con số rất nhỏ so với thực tế. Loài chó, thí dụ có tới 220 triệu thụ cảm để phân biệt mùi vị trong thiên nhiên, trong khi con người chỉ sở hữu 5-20 triệu thụ cảm. Mặc dù vậy, cá biệt cũng có người sở hữu khứu giác tuyệt vời – có thể phân biệt chính xác, thí dụ tuổi, thương hiệu và loại rượu vang. Trong thí nghiệm với sự tham gia của các tình nguyện viên đã bị bịt mắt, họ có thể nhận biết và đi qua rãnh nhỏ dưới đất được rải bụi sô cô la.

Những xác nhận mới nhất và rất đáng tranh cãi trong lĩnh vực này rút ra kết luận: con người có thể phát hiện những tín hiệu hóa học tiềm ẩn trong mồ hội người lạ, đặc biệt là tín hiệu cảm giác sợ hãi. Nhóm tình nguyện viên đã phân biệt được mồ hôi của những người lần đầu tiên tập nhảy dù và đối tượng đã nhảy dù thành thạo. Kết quả siêu âm não bộ những tình nguyện viên đó cho thấy: chính mồ hôi những người lần đầu nhảy dù đã kích họat trung tâm sợ hãi trong não bộ của họ. Những nghiên cứu tương tự đã chứng tỏ, mồ hôi những sinh viên sắp thi tốt nghiệp cũng kích họat các địa bàn não bộ gắn với trạng thái lo âu, sợ hãi và thấu cảm.

GS Tim Jacob đã xác định được rằng, con người cũng có khả năng nhận biết mùi vị đóng vai trò nhất định trong sự cám dỗ tình dục. – Chúng ta phản ứng với những thành phần đó một cách vô thức – GS Jacob giải thích. – Cùng lúc cơ thể chúng ta tiết ra những hợp chất hóa học thông báo rằng, bản thân cũng mẫn cảm với những hợp chất do cơ thể đối tượng tiết ra.

Hương vị kéo dài tuổi thọ

Mọi dấu hiệu đều cho thấy, mùi vị cũng có thể khởi động những thay đổi mang tính sinh lý học trong cơ thể con người. Trung tâm tái chế hương vị của não bộ liên kết với hệ limbic, địa bàn cổ xưa nhất của não bộ nhận biết cảm xúc và sản xuất hoóc-môn. Hệ quả hương vị có thể tăng tốc nhịp tim, thay đổi áp huyết, gây ra cảm giác đói bụng và tác động đến sự tiết xuất các hoóc-môn đóng vai trò quyết định trạng thái tâm lý.

Theo GS Jacob, những thay đổi này xảy ra gắn liền với hoạt động mang tính dược học của một số nguyên tố mùi vị nhất định và có thể chịu sự chi phối của trí nhớ - trong trường hợp phản ứng dựa vào trải nghiệm cuộc sống. – Mùi vị có thể tác động lên hệ nội tiết điều chỉnh quá trình tiết xuất hoóc-môn. Trong đa số các trường hợp chúng ta không ý thức được những quá trình đó. Trong khi chúng có thể đẩy cao nồng độ noradrenalin – được gọi là hoóc-môn phản ứng “chạy trốn hoặc đối đầu” trong máu. Tồn tại cơ chế đó, bởi trong quá khứ tiến hóa, những mùi vị khó chịu đã được “chuyển ngữ” thành lời cảnh báo về mối nguy hiểm. Thế nên theo bản năng, chúng ta phản ứng nhanh hơn với những mùi vị khó chịu.

Tuy nhiên bất ngờ nhất là giả thiết cho rằng, mùi vị có thể tác động đến tuổi thọ. Kết quả những nghiên cứu do các nhà khoa học Mỹ thuộc Đại học Michigan và Houston mới công bố khẳng định, đàn ruồi không phải ngửi mùi CO2 có tuổi thọ cao hơn hẳn đồng loại thường xuyên tiếp xúc với CO2. Ở những con ruồi thường xuyên tiếp xúc với CO2 có dấu hiệu stress rõ rệt. Các nhà khoa học đã đi đến kết luận: do hậu quả sống trong môi trường ô nhiễm, loài côn trùng này đã khổ sở vì quá trình lão hóa bị thúc đẩy nhanh hơn bình thường. Các nhà khoa học nghĩ rằng, quá trình tương tự cũng xảy ra với con người. – Trong trường hợp con người, có thể việc ngửi khí CO2 không tác động đến tuổi thọ, song năng lực cảm nhận thức ăn hoặc mối nguy hiểm có thể phát huy tác dụng – GS Scott Pletcher, nhà khoa học chỉ đạo công trình nghiên cứu phát biểu.

Không phụ thuộc vào mức độ chính xác của giả thiết, không có gì nghi ngờ, khi khẳng định: hương vị có tác động lên cuộc sống con người lớn hơn chúng ta vẫn nghĩ. Thực tế nhiều người làm việc và nghiên cứu mùi vị đều cho rằng, chúng có thể đóng vai trò cải thiện chất lượng cuộc sống. – Thế giới hiện đại đã đẩy khứu giác ra xa hơn vì lợi ích của những tri giác khác – GS Scott Pletcher nhấn mạnh. – Tuy nhiên mùi vị vẫn đóng vai trò đặc biệt quan trọng đối với cuộc sống nhân loại.

Tiến Đôn
Tri Thức Trẻ

Theo Đăng lại
MỚI - NÓNG
Thành lập TP. Huế trực thuộc Trung ương: Nhiều thách thức nhưng cơ hội rất lớn
Thành lập TP. Huế trực thuộc Trung ương: Nhiều thách thức nhưng cơ hội rất lớn
TPO - Dự ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc tại TP. Huế, ông Nguyễn Xuân Thắng - Ủy viên Bộ Chính trị, Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương - cho biết, sắp tới khi Trung ương cho chủ trương, Quốc hội ban hành nghị quyết thành lập thành phố trực thuộc Trung ương sẽ đặt ra nhiều thách thức nhưng cũng có cơ hội rất lớn cho Thừa Thiên - Huế.