Chiếc máy bay không người lái trục trặc giúp Mỹ không bị kéo sâu vào Trung Đông

0:00 / 0:00
0:00
TPO - Một chiếc máy bay không người lái của lực lượng dân quân thân Iran lao vào căn cứ không quân Erbil trước bình minh ngày 26/10, đã xuyên thủng hệ thống phòng không của Mỹ và đâm vào tầng hai của doanh trại nơi binh lính Mỹ đồn trú.
Chiếc máy bay không người lái trục trặc giúp Mỹ không bị kéo sâu vào Trung Đông ảnh 1

Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken gặp đại diện lực lượng Mỹ ở Iraq ngày 5/11. (Ảnh: Reuters)

Tuy nhiên, thiết bị chứa đầy chất nổ không phát nổ và chỉ có một quân nhân bị chấn động do va chạm, các quan chức giấu tên cho biết. Lực lượng Mỹ gặp may vì chiếc máy bay không người lái đó có thể gây hậu quả nghiêm trọng nếu phát nổ.

Đây là một trong ít nhất 40 vụ tấn công bằng máy bay không người lái và tên lửa mà lực lượng dân quân được Iran hậu thuẫn ở Iraq và Syria triển khai nhằm vào căn cứ Mỹ trong 3 tuần qua, để đáp trả sự hỗ trợ mà Mỹ dành cho Israel trong cuộc xung đột ở Dải Gaza.

Theo thông tin từ Lầu Năm Góc và hai quan chức Mỹ, các vụ tấn công đó chỉ khiến binh lính Mỹ bị thương nhẹ, trong khi nhiều tên lửa và máy bay không người lái bị lực lượng phòng không Mỹ ở Iraq và Syria chặn lại. Mỹ có tổng cộng 3.400 lính đóng quân ở hai quốc gia này.

David Schenker, cựu trợ lý ngoại trưởng Mỹ tại Viện nghiên cứu chính sách Cận Đông của Washington, cảnh báo rằng dù cả Iran và các nhóm đồng minh cũng như Mỹ đều không muốn đối đầu trực tiếp, nhưng rủi ro đang gia tăng. Ông cho rằng khả năng xảy ra một cuộc tấn công lớn khiến Mỹ bị kéo vào là “mối lo ngại rất thực tế”.

“Tôi nghĩ họ đang điều chỉnh các cuộc tấn công để quấy rối hơn là gây sát thương hàng loạt quân Mỹ. Nhưng còn rất nhiều điều họ có thể làm”, Schenker nói về lực lượng dân quân Iraq và Syria.

Chưa biết Tổng thống Joe Biden sẽ phản ứng như thế nào nếu xảy ra một cuộc tấn công lớn giết chết nhiều người Mỹ. Đang bị dẫn trước trong các cuộc thăm dò ý kiến trước kỳ bầu cử tổng thống vào năm tới, ông Biden đến nay vẫn cố gắng hạn chế vai trò của Mỹ trong cuộc xung đột ở Dải Gaza, chủ yếu là đảm bảo viện trợ quân sự cho Israel.

Ngày 5/11, Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken đến Iraq, nơi xảy ra hầu hết các vụ tấn công vào lực lượng Mỹ, để thúc giục Thủ tướng Iraq Mohammed Shia Al-Sudani ngăn chặn hoạt động của phiến quân và đẩy lùi nguy cơ leo thang.

Tuy nhiên, ông Sudani không may mắn trong nỗ lực thuyết phục các nhóm dân quân ngừng tấn công hoặc thuyết phục Iran kiềm chế họ, 5 nghị sĩ cấp cao trong liên minh cầm quyền của ông Sudani và một chỉ huy dân quân cho biết.

Thủ tướng Iraq và khoảng 10 thành viên cấp cao trong chính phủ của ông đã gặp chỉ huy của khoảng chục nhóm dân quân ở Baghdad hôm 23/10 để thuyết phục các nhóm này ngừng tấn công vào lực lượng Mỹ. Tuy nhiên, lời đề nghị đó bị bỏ qua, khi hầu hết các tướng lĩnh thề sẽ tiếp tục tấn công cho đến khi Israel chấm dứt cuộc bao vây và bắn phá Dải Gaza.

Ali Turki, một nhà lập pháp người Shi'ite trong liên minh cầm quyền đồng thời là chỉ huy của lực lượng dân quân Asaib Ahl al-Haq được Iran hậu thuẫn, tuyên bố: “Không ai, không phải thủ tướng hay bất kỳ ai khác, có thể chống lại sứ mệnh tôn giáo của chúng tôi”.

Arif al-Hamami, một nhà lập pháp người Shi'ite khác, cho biết triển vọng ngoại giao có vẻ ảm đạm. "Tôi không nghĩ thủ tướng có thể ngăn chặn các cuộc tấn công chừng nào Israel còn hành động như vậy ở Dải Gaza với sự giúp đỡ của Mỹ", ông nói.

Thủ tướng Iraq có quyền hạn chế đối với các nhóm phiến quân, khi ông cần sự ủng hộ của họ để lên nắm quyền cách đây 1 năm và họ tạo thành một khối quyền lực trong liên minh cầm quyền của ông hiện nay.

Phát triển mạnh ở Iraq sau cuộc xâm lược do Mỹ dẫn đầu năm 2003 để lật đổ Tổng thống Saddam Hussein, các nhóm dân quân được huấn luyện và tài trợ bởi Iran.

Vài giờ sau khi gặp ông Blinken hôm 5/11, Thủ tướng Sudani bay tới Tehran để trực tiếp thuyết phục Lãnh đạo tối cao Ayatollah Ali Khamenei và các quan chức Iran khác giúp đỡ, một chính trị gia cấp cao của Iraq cho biết.

Ông Sudani đề nghị các quan chức Iran gây áp lực với các lực lượng dân quân để họ dừng tấn công vào lực lượng Mỹ ở Iraq, vì lo ngại đất nước bất ổn về chính trị và kinh tế của ông sẽ không thể chống chọi nếu chiến sự leo thang và Mỹ đáp trả.

Tuy nhiên, câu trả lời mà Thủ tướng Iraq nhận được là Iran để lực lượng dân quân ở Iraq tự quyết định và Tehran sẽ không can thiệp.

“Cười vào mặt”

Tổng thống Biden đối mặt với những tình huống khó xử khi nhận hàng loạt báo cáo về tình trạng thù địch trong khu vực. Bên cạnh các cuộc tấn công vào lực lượng Mỹ ở Iraq và Syria trong những tuần gần đây, phiến quân Houthi thân thiết với Iran đã phóng 15 máy bay không người lái và 4 tên lửa hành trình ngoài khơi Yemen và bị tàu khu trục của Hải quân Mỹ phá hủy.

Cuộc khủng hoảng hiện nay nổ ra sau nhiều năm Mỹ liên tục rút khí tài quân sự khỏi Trung Đông, bao gồm cả hệ thống phòng không, khi Washington chuyển sang tập trung vào cuộc xung đột ở Ukraine và căng thẳng gia tăng với Trung Quốc.

Phản ứng của ông Biden cho đến nay vẫn được đánh giá là thận trọng.

Mỹ hy vọng việc phô trương lực lượng sẽ ngăn cản bất kỳ cuộc tấn công nghiêm trọng nào, vì thế đã triển khai hai nhóm tấn công tàu sân bay và điều cả một tàu ngầm lớp Ohio đến khu vực.

Theo các quan chức, ngoài việc đưa các hệ thống phòng không như hệ thống Patriot và hệ thống tầm cao, quân đội Mỹ cũng triển khai các bước bổ sung để bảo vệ hàng chục nghìn binh lính của họ ở khu vực, như tăng cường tuần tra, hạn chế tiếp cận và tăng cường thu thập thông tin tình báo.

Tuy nhiên, những người chỉ trích ông Biden cho rằng làm như vậy chưa đủ. Thượng nghị sĩ đảng Cộng hòa Tom Cotton, thành viên Ủy ban Quân vụ Thượng viện, phát biểu: “Họ đang cười nhạo chúng ta ở Tehran. Iran sẽ tiếp tục nhắm vào người Mỹ cho đến khi Tổng thống Biden nghiêm túc với việc áp đặt những cái giá đắt đối với Iran”.

Theo Reuters
MỚI - NÓNG