Chia tay Anh Tú, người đẹp và tài

NSND Anh Tú vai Trần Cảnh và Lê Khanh vai Lý Chiêu Hoàng trong vở Rừng Trúc
NSND Anh Tú vai Trần Cảnh và Lê Khanh vai Lý Chiêu Hoàng trong vở Rừng Trúc
TP - Người đẹp và tài, kịp có sự nghiệp đồ sộ ở tuổi 56 nhưng đã vội ra đi, để lại tiếc thương cho đồng nghiệp và công chúng trong buổi tiễn đưa sáng qua 24/12 ở Nhà tang lễ Quốc gia phố Trần Thánh Tông.

1/Đạo diễn Trần Quốc Trọng đưa lên trang cá nhân của mình trích đoạn phim Giông tố (đạo diễn Nguyễn Mạnh Lân), cảnh Anh Tú và Trọng Khôi vào vai hai cha con Nghị Hách. Phim làm năm 1991, Anh Tú hồi đó trẻ măng, gầy nhom. Xem mới nhớ ra, Anh Tú đóng phim rất sớm chứ không chờ đến mấy phim truyền hình Của để dành, Đàn trời, Chiều ngang qua phố cũ…mới được coi là đầy đất dụng võ.

Và nhìn cha con Nghị Hách, cũng nhớ ra, họ chính là hai diễn viên có đài từ thuộc loại nhất hạng trong giới sân khấu: trầm ấm, vang, sáng. Chỉ mấp máy môi đã vang động cả khán phòng.

Diễn viên được đóng những vở như Vũ Như Tô (tác giả Nguyễn Huy Tưởng), Rừng trúc (tác giả Nguyễn Đình Thi) thì chỉ thoại không thôi đã đủ sướng miệng, còn khán giả tha hồ sướng tai vừa vì lời kịch văn hoa trau chuốt vừa vì đài từ đẹp sang trọng của Anh Tú, Lê Khanh… Rừng trúc (đạo diễn Nguyễn Đình Nghi và Phạm Thị Thành) bị một số người trong nghề nhận xét là ít hành động kịch quá, độc thoại nhiều quá,  nhưng khán giả như tôi xem Rừng trúc không cầu kịch tính, cao trào, thắt nút mở nút, mà thích chìm đắm trong sự hưởng thụ tài dụng chữ của nhà văn làm sân khấu, và tài nghệ của những diễn viên hạng nhất. Toàn độc thoại, hiếm tích trò mà hay được mới khó.

Đồng nghiệp nói Anh Tú đam mê nghệ thuật cháy bỏng. Đương nhiên rồi. Nhưng mê là một chuyện, thành công là chuyện khác. Sếp cũ của Anh Tú, nguyên Giám đốc Nhà hát Tuổi trẻ Trương Nhuận nhận xét “Anh Tú bứt lên, hơn hẳn những người cùng thế hệ khi chuyển sang đạo diễn. Nhiều người diễn rất hay nhưng làm đạo diễn thì chỉ èng èng”.

Gặp NSND Lan Hương ở đám tang Anh Tú, tôi hoàn toàn đồng tình khi chị nói: “Tú diễn nhiều nhưng từ vai Vũ Như Tô (năm 1995) mới  thực sự tìm được phong cách riêng, đài từ riêng cho mình. Vai đó chuẩn, đã chỉ đường cho Tú đóng thành công các vở sau như Rừng trúc, Bất hòa với số phận, Macbeth…”.  Lan Hương  đóng cặp Anh Tú trong các vở Một mối tình, Nhà có ba chị em gái, Macbeth…, còn Lê Khanh nói những vai quan trọng nhất của chị đều là đóng cặp Anh Tú.

“Tú đạo diễn mấy vở đầu tôi chưa thích lắm, càng về sau càng ổn”- Lan Hương thẳng thắn. Trong các vở Anh Tú dựng, tôi và NSƯT Thu Hà (Nhà hát Kịch Việt Nam) lại ấn tượng đặc biệt với Loa thành anh làm cho Nhà hát múa rối Thăng Long. Chả mê rối như du khách nước ngoài, chúng tôi thấy mình may mắn khi được thưởng thức câu chuyện Mỵ Châu Trọng Thủy phiên bản Anh Tú.

Và hồi  ấy tôi đi xem Macbeth (kịch bản Shakespeare, đạo diễn Lê Hùng) mà thấp thỏm, nghĩ vai phản diện dữ dội này chắc gì hợp Anh Tú. Màn hạ với ấn tượng đọng lại rằng Macbeth của Anh Tú có ngoại hình của người đàn ông đang độ chín, diễn xuất thì xuất sắc. Macbeth của Anh Tú nếu có thiếu chỉ là thiếu mấy phân chiều cao thôi.

2/Thập kỷ 80 thế kỷ trước, lứa học sinh kịch khóa 1 của Nhà hát Tuổi trẻ mới ra trường toàn gương mặt lung linh: Lê Khanh, Lan Hương, Minh Hằng, Anh Tú, Chí Trung, Đức Hải… Hồi đó phố Huế nhà tôi có hai diễn viên của nhà hát là Ngọc Huyền và Ái Thanh (em gái Ái Vân) nhà ở hai bên đường đối diện nhau, vậy là thỉnh thoảng tôi thấy cả bọn tíu tít ở đoạn phố nhà mình, ai trông cũng đáng nhìn - trẻ đẹp đầy sức sống, mới nổi tiếng. Cho nên đến thập kỷ 90 đi làm báo văn hóa thì đương nhiên có lần tìm đến họ để viết, Anh Tú là một. 

Anh Tú là người thế nào? Vẫn anh Trương Nhuận trên kia, người rất hiểu đàn em, tổng kết: “Tú không quan tâm mạng mẽo mà nâng tầm văn hóa bằng việc chuyên tâm đọc sách, đọc nhiều lắm. Làm gì cũng chỉn chu kỹ lưỡng đến cực đoan. Tính cương trực thẳng thắn chả hề ngán ngại ai kể cả cấp trên”.

Gặp Anh Tú thì thấy dễ chịu và đúng là rất thẳng, không hoa lá cành như nhiều nghệ sĩ. Hôm qua Lan Hương nói “không biết có phải vì vắn số mà Tú làm gì cũng vội vàng hốt hoảng”. Tôi nói “Chuyện vợ con thì chậm rề rề còn gì” “Là vì Tú đã dành tất cả đam mê cho sân khấu mất rồi”.

Hồi đó, khoảng năm 1992- 1993, không nhớ tôi đã gặp mấy lần và viết được bao chữ mà có lần chị Ánh Vân đồng nghiệp cùng nhà hát với Anh Tú khi cần tìm Tú lại hớt hải đến nhà tôi ở phố Huế để hỏi mới sợ chứ. Ánh Vân hai mấy năm trước khá quyến rũ, từng thổ lộ trong bài viết của tôi rằng nhân vật chị ao ước thể hiện nhất trong đời là Thị Nở (người yêu Chí Phèo). Lâu rồi không thấy người ao ước đóng vai Thị Nở đâu nữa.

3/Vài tháng trước, tin Anh Tú nhập viện trong tình trạng tiều tụy, mắt nhìn không rõ và đứng không vững khiến mọi người bàng hoàng. Quá trẻ, quá sớm, khó chấp nhận. Mọi thứ còn đang ngổn ngang bề bộn. Dù những gì anh đã làm được thì không ít: Diễn khoảng bốn chục vai kịch và phim. Đạo diễn độ hai chục vở kể cả kịch thiếu nhi và rối. Ngoài ra còn giảng dạy và làm quản lý. Lần lượt anh là đội trưởng đội diễn xuất 1, rồi đoàn trưởng đoàn 1 của Nhà hát Tuổi trẻ, trước khi chuyển sang Nhà hát Kịch Việt Nam làm phó giám đốc rồi quyền giám đốc. Còn ai xứng đáng hơn anh trong cương vị đứng đầu Nhà hát Kịch Việt Nam thời điểm khó khăn này.

Ban đầu chỉ là tiểu đường nhưng người thừa thông minh như Anh Tú không lo lòng chạy chữa mà tự làm ông lang, không kết nối với địa chỉ cần thiết để nghe lời khuyên chí lý. Nên là không kịp nữa. Nghe vừa lạ vừa không. Bởi đa số chúng ta chỉ thông minh sắc sảo trong khu vực nào đó thôi, sở trường của mình thôi, còn khu vực khác thì ngu ngơ lắm. 

Đến đám tang Anh Tú mới biết NSƯT Quốc Toàn  (Nhà hát Kịch Hà Nội) cũng vừa ra đi mấy hôm trước ở tuổi 73 vì chứng ung thư. Quốc Toàn của Cô gái đội mũ nồi xám, Âm mưu và tình yêu, Em đẹp dần lên trong mắt anh, Tôi và chúng ta…Mới ngày nào đóng vai chính, thứ trong tất cả các vở của nhà hát suốt 30 năm. Từng là giám đốc nhà hát. Đúng là “Thời gian sao mà xuẩn ngốc/Mới thôi đã một đời người” (thơ Hoàng Phủ Ngọc Tường).

Một đồng nghiệp cùng nhà hát với Quốc Toàn từng khiến mọi người bàng hoàng khi ra đi quá sớm: Trần Vân. Hồi đó tôi nghe các nghệ sĩ kể: Trần Vân có tật hay uống rượu, khi có người hỏi anh nhắm với cái gì mà uống suốt vậy thì anh bảo nhắm với lá gan của tôi. Thật quá đáng tiếc với một cái chết ở tuổi ngoài 40 của người cũng đẹp và tài, được công chúng vô cùng ái mộ.

Hơn ba năm trước, trong bài Chia tay NSƯT Anh Dũng và chuyện fan một thời (fan là tác giả bài báo) nhân đám tang Anh Dũng, tôi từng viết rằng: “Fan một thời, đó là người càng đi nhiều đám tang nghệ sĩ càng thấy tài năng, sắc đẹp là hiếm lắm. Người làm nghề đông đấy nhưng đọng lại trong khán giả, đọng mấy chục năm, không bao nhiêu”. Mặt khác, nhìn vào những cuộc tiễn đưa trong giới nghệ thuật, luôn thấy mất mát nếu có, không bao giờ chỉ là của riêng giới này. Càng đẹp và tài, và sớm, càng tiếc nhớ. Vĩnh biệt Anh Tú. Vĩnh biệt Vũ Như Tô, Trần Cảnh, Macbeth… 

Gặp NSND Lan Hương ở đám tang Anh Tú, tôi hoàn toàn đồng tình khi chị nói: “Tú diễn nhiều nhưng từ vai Vũ Như Tô (năm 1995) mới  thực sự tìm được phong cách riêng, đài từ riêng cho mình. Vai đó chuẩn, đã chỉ đường cho Tú đóng thành công các vở sau như Rừng trúc, Bất hòa với số phận, Macbeth… ”.  Lan Hương  đóng cặp Anh Tú trong các vở Một mối tình, Nhà có ba chị em gái, Macbeth…, còn Lê Khanh nói những vai quan trọng nhất của chị đều là đóng cặp Anh Tú.

MỚI - NÓNG