Thanh tra Bộ Xây dựng và Thành phố Hà Nội vừa qua đưa ra nhiều quan điểm khác nhau về đường Lê Văn Lương bị "nhồi" nhà cao tầng gây ngột ngạt (Ảnh: Như Ý) |
Chất vấn đúng người, đúng việc
Một trong những điểm mới đáng chú ý tại phiên chất vấn Bộ trưởng Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị, Quốc hội mời và dành khoảng 10 phút để Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Trần Sỹ Thanh báo cáo thêm về trách nhiệm của thành phố trong thực hiện Quyết định 130 của Thủ tướng Chính phủ. Tuy nhiên, đến cuối giờ, ông Trần Sỹ Thanh lại vắng mặt vì “công tác đột xuất”. Cá nhân ông có ủng hộ phương án mở rộng đối tượng cùng tham gia tại mỗi dịp chất vấn như vậy?
PGS, TS. Bùi Hoài Sơn |
Chúng ta đều biết, mục đích của mỗi phiên chất vấn là phải đi đến tận cùng của sự việc. Muốn được như vậy thì những bên liên quan trực tiếp đến vấn đề đó phải cùng tham gia, có tiếng nói nhiều chiều, thể hiện chính kiến, đồng thời đưa ra những giải pháp cũng như cam kết của mình. Chính vì vậy, việc mời các bên liên quan trực tiếp, chẳng hạn trường hợp mời ông Trần Sỹ Thanh báo cáo giải trình làm rõ một số vấn đề tại phiên chất vấn Bộ trưởng Nguyễn Thanh Nghị là rất phù hợp.
Theo tôi, nếu cách làm này phát huy được hiệu quả, chúng ta nên tiếp tục duy trì, để có thể giải quyết và đi đến tận cùng của sự việc. Không nên để một sự việc lại không đến được người cần giải quyết, hay bị ách tắc ở một khâu nào đó. Chắc chắn đó cũng là nguyện vọng của tất cả cử tri và nhân dân. Vì xét cho cùng thì hiệu quả công việc vẫn là quan trọng nhất. Giải quyết được công việc một cách hiệu quả nhất, rõ ràng đó là mong muốn của Quốc hội, của cử tri. Do vậy, đây là cách để tham khảo, để duy trì thực hiện sau khi đánh giá hiệu quả của nó.
Nói về hiệu quả, ông có thấy tiếc không khi ông Trần Sỹ Thanh, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội - lãnh đạo địa phương lần đầu tiên được “mời” trong phiên chất vấn, nhưng lại không có mặt để báo cáo về những vấn đề liên quan đến di dời trụ sở khỏi nội đô?
Việc ông Trần Sỹ Thanh không trả lời, như chúng ta biết đó là lý do khách quan chứ không phải từ chủ quan. Lúc đó Hà Nội có phiên họp mà Chủ tịch Hà Nội Trần Sỹ Thanh chủ trì. Nếu không vướng bận như vậy, tôi tin ông Trần Sỹ Thanh sẽ đăng đàn trả lời về những vấn đề liên quan. Bản thân chúng ta cũng mong muốn có lần như vậy để từ đó duy trì và giúp tăng cường hiệu lực, hiệu quả trong hoạt động của Quốc hội.
Có ý kiến cho rằng, việc chất vấn Chủ tịch UBND các tỉnh, thành thuộc về HÐND cùng cấp, không thuộc đối tượng giải trình, chất vấn ở Quốc hội?
Chúng ta phải hiểu, mọi quy định đều do con người đặt ra cả. Ðiều quan trọng là chúng ta làm thế nào đó để giải quyết được công việc một cách hiệu quả nhất. Nếu chúng ta thấy cách làm đó hiệu quả, đáp ứng được yêu cầu, nguyện vọng của cử tri, thoả mãn được mong muốn của đại biểu Quốc hội, thì chúng ta có thể sửa quy định cho phù hợp hơn. Bởi thực tiễn bao giờ cũng là thước đo cao nhất của bất kỳ một quy định nào. Chúng ta phải có tư duy để đổi mới hoạt động của Quốc hội.
Lãnh đạo địa phương cũng muốn làm rõ
Tại phiên chất vấn Bộ trưởng Xây dựng, ngoài vấn đề di dời trụ sở, vấn nạn ùn tắc, ngập lụt đô thị cũng được rất nhiều đại biểu Quốc hội quan tâm. Nếu hai ông Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội và TP HCM cùng “chia lửa”, liệu nhiều vấn đề có được làm rõ thêm, thưa ông?
Đúng như vậy. Đó cũng là điều mà các địa phương, người đứng đầu địa phương chịu trách nhiệm chính họ cũng mong muốn, có cơ hội được báo cáo, giải trình thêm về lĩnh vực đó. Bản thân điều đó cũng xuất phát từ người trong cuộc, người trực tiếp làm việc, thì tại sao chúng ta không thay đổi?
Khi Quốc hội thảo luận tại tổ, như đoàn Hà Nội chúng tôi cũng đã có những ý kiến cho rằng, những vấn đề của Hà Nội thì phải được đưa ra thảo luận ở Quốc hội; để trên cơ sở đó có tổng kết, đánh giá, nếu lĩnh vực gì làm hiệu quả ở Hà Nội có thể xem xét, nhân rộng ra cả nước. Đây là một kinh nghiệm đáng để tham khảo, xem xét.
Không chỉ với chính quyền các địa phương, có đại biểu còn đề nghị nên sửa luật theo hướng mở rộng đối tượng chất vấn với các ngành? Ông thấy sao về đề xuất này?
Tôi ủng hộ quan điểm phải chất vấn đúng người, đúng việc. Có thể người đó là đại biểu Quốc hội, HĐND, hoặc không phải đại biểu. Vấn đề quan trọng là làm sao giải quyết được công việc một cách hiệu quả, mà hiệu quả luôn được coi là thước đo cao nhất của mọi chân lý. Chính vì thế, nếu có quy định cản trở việc này, còn vướng ở đâu thì chúng ta phải xem xét, sửa đổi cho phù hợp hơn với thực tiễn cuộc sống.
Tuy nhiên, chúng ta cần có sự thận trọng nhất định, cần có sự lắng nghe nhiều chiều, lắng nghe tất cả ý kiến các bên liên quan. Rồi chúng ta cũng phải xem kết quả đó có thực sự đạt được như mong muốn không? Tất cả mọi thứ, vì đang trong giai đoạn thử nghiệm nên phải làm thận trọng, từng bước. Nhưng điều quan trọng là chúng ta có quyết tâm đổi mới, hướng đến hiệu quả của hoạt động? Còn lại tất cả các khâu khác, vướng mắc khác chúng ta có thể giải quyết được. Quy định đều do con người tạo ra, nếu thấy còn vướng thì xem xét sửa đổi cho phù hợp.
Cảm ơn ông!