'Chìa khóa' mở ra sự phát triển nhiều vùng miền

0:00 / 0:00
0:00
TP - Lần đầu tiên tại một kỳ họp Quốc hội có tới 5 dự án quan trọng quốc gia được xem xét, quyết định, nâng tổng số dự án mà Quốc hội khóa XV quyết định chủ trương đầu tư trong năm đầu tiên của nhiệm kỳ lên 6 dự án, với tổng mức đầu tư 392.644 tỷ đồng.

“Cao tốc trong tư duy chính sách”

Với tổng chiều dài 112,8 km, tổng mức đầu tư sơ bộ 85.813 tỷ đồng, đường Vành đai 4 - vùng Thủ đô Hà Nội hứa hẹn sẽ kết nối Thủ đô Hà Nội với tỉnh Hưng Yên, Bắc Ninh và các địa phương khác trong vùng, giải quyết các vấn đề tồn tại, đồng thời khai thác tiềm năng sử dụng đất, xây dựng hệ thống đô thị bền vững, hiện đại.

Trong khi đó, dự án đường Vành đai 3 TP HCM với chiều dài 76,34 km sẽ hiện thực hoá mục tiêu kết nối với các tỉnh Đồng Nai, Bình Dương, Long An và các địa phương khác trong vùng, phát huy hiệu quả đầu tư đối với các dự án, tạo không gian phát triển mới…

Theo GS. Hoàng Văn Cường - Phó Hiệu trưởng Đại học Kinh tế Quốc dân, việc hình thành các tuyến đường này không chỉ mở rộng không gian phát triển đô thị mà sẽ tạo nên sự kết nối về không gian phát triển cho cả vùng Thủ đô và vùng kinh tế trọng điểm phía Nam. Ông cũng lưu ý, đây là cao tốc của vành đai cho nên khi tuyến đường hình thành, khu vực lân cận sẽ có các trung tâm đô thị, trung tâm thương mại, các trung tâm phân phối…

“Đây chính là một nguồn lực rất lớn cho quá trình phát triển các vùng này, nếu không có biện pháp khai thác thì nguồn lực này sẽ bị lãng phí. Chính vì vậy, việc áp dụng cơ chế đặc thù để khai thác nguồn lực này là điều vô cùng quan trọng”, GS Cường cho hay.

'Chìa khóa' mở ra sự phát triển nhiều vùng miền ảnh 1

5 dự án giao thông trọng điểm, cấp bách vừa được Quốc hội biểu quyết thông qua chủ trương đầu tưẢnh: Như Ý

Nói về các dự án giao thông trọng điểm này, TS. Vũ Tiến Lộc - Ủy viên Ủy ban Kinh tế của Quốc hội cho rằng, hai từ khóa “đường cao tốc” và “thể chế đặc thù” hứa hẹn sẽ tạo ra những đột phá trong cơ sở hạ tầng và trong cơ chế của nền kinh tế. Nhưng để đạt được mục tiêu này, rất cần có những cơ chế đột phá về tư duy.

“Chúng ta cần những con đường cao tốc trong giao thông vận tải, nhưng chúng ta cũng rất cần những con đường cao tốc trong tư duy chính sách và thủ tục hành chính, để có thể khơi thông những điểm nghẽn, không chỉ về cơ sở hạ tầng mà còn về thể chế, chính sách, thủ tục hành chính cho sự phát triển của nền kinh tế đất nước”, TS. Lộc bày tỏ.

Cùng với việc cho phép áp dụng nhiều cơ chế, chính sách đặc thù chưa có tiền lệ, sau khi thông qua chủ trương, Quốc hội giao Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ quyết liệt tổ chức triển khai thực hiện, đảm bảo tiến độ và chất lượng công trình, công khai, minh bạch, tuyệt đối không được để xảy ra tham nhũng, tiêu cực, trục lợi chính sách, làm lãng phí, thất thoát tiền và tài sản Nhà nước.

Theo đại biểu Quốc hội Nguyễn Đại Thắng (Hưng Yên), việc triển khai thực hiện các dự án giao thông trọng điểm này là một bước cụ thể hóa mục tiêu Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng và quy hoạch mạng lưới đường bộ thời kỳ 2021- 2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã được phê duyệt. Với dự án Vành đai 4, không chỉ góp phần cải thiện năng lực cạnh tranh của thành phố Hà Nội mà còn của các tỉnh, thành phố liên quan trong vùng Thủ đô và cả nước nói chung.

“Tuyến đường sẽ góp phần kết nối nhiều khu, cụm công nghiệp, khu đô thị ở các tỉnh, thành phố trong vùng, giao thương trong nội bộ vùng Thủ đô trở nên dễ dàng. Từ đây, một hành lang kinh tế rộng khắp sẽ mở ra, lấp đầy khoảng trống về địa lý, hình thành chuỗi liên kết kinh tế, gắn bó chặt chẽ từ vùng núi đến đồng bằng”, ông Thắng nhận định, đồng thời lưu ý lựa chọn cho được nhà thầu thực sự có năng lực, uy tín để thực hiện dự án.

'Chìa khóa' mở ra sự phát triển nhiều vùng miền ảnh 2

Các dự án giao thông sẽ là “chìa khoá” mở ra một hành lang kinh tế rộng khắp cả nước Ảnh: IT

Cần chính sách đặc thù bảo vệ cán bộ

Đối với các tuyến cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng; Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột và Biên Hòa - Vũng Tàu, Quốc hội cũng đánh giá, đây là 3 dự án rất quan trọng, đáp ứng nhu cầu vận tải ngày càng gia tăng, giải quyết điểm nghẽn về hạ tầng giao thông vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, phát huy tiềm năng, khai thác lợi thế của vùng Tây Nguyên, vùng Đồng bằng sông Cửu Long, cải thiện năng lực cạnh tranh quốc gia…

“Công trình đường bộ cao tốc chính là chìa khóa quan trọng trong chiến lược giao thông mở đường đi trước nhằm thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng, an ninh, nâng cao đời sống của nhân dân, mở ra nhiều cơ hội cho sự phát triển toàn diện không chỉ của các tỉnh, thành trong phạm vi dự án mà còn có ý nghĩa đối với sự phát triển của khu vực Đồng bằng sông Cửu Long”, đại biểu Triệu Thị Ngọc Diễm (đoàn Sóc Trăng) nhìn nhận.

Còn theo bà Nguyễn Thị Yến - Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Bà Rịa -Vũng Tàu, quốc lộ 51 từ thành phố Biên Hòa (tỉnh Đồng Nai) đến thành phố Vũng Tàu (Bà Rịa - Vũng Tàu) là tuyến đường bộ gần như độc đạo, đã quá tải nghiêm trọng, thường xuyên ùn tắc, ảnh hưởng đến sự phát triển cả vùng kinh tế trọng điểm phía Nam.

Chính vì vậy, việc đầu tư dự án này sẽ mang lại hiệu quả kinh tế rất lớn, vì giải quyết được tình trạng quá tải của lưu lượng xe, ùn ứ cục bộ tại các điểm giao thông kết nối và quốc lộ 51, rút ngắn 1 giờ đi lại từ 2 thành phố.

Không chỉ vậy, dự án còn góp phần kết nối với Cảng hàng không quốc tế Long Thành, kết nối và phát huy tối đa tiềm năng cụm cảng Cái Mép - Thị Vải, một cảng biển nước sâu đặc biệt của cả nước và là 1 trong 20 cảng lớn nhất thế giới.

Không chỉ thể hiện quyết tâm, lãnh đạo các tỉnh, thành liên quan còn khẳng định, đã chuẩn bị tốt cho công tác giải phóng mặt bằng, tái định cư, sẵn sàng thực hiện dự án theo tiến độ đề ra.

Tuy nhiên, điểm đáng lưu tâm được các chuyên gia khuyến cáo, khi triển khai các dự án giao thông trọng điểm, cấp bách, không chỉ đòi hỏi trách nhiệm của các địa phương cũng như tinh thần đổi mới, sáng tạo, mà còn phải có cơ chế để bảo vệ họ, bảo vệ những người dám nghĩ, dám làm.

“Tôi nghĩ, khi triển khai các dự án giao thông quan trọng, cấp bách, bên cạnh các quyết sách trong việc đưa ra thể chế đặc thù, cần có những chính sách đặc thù về bảo vệ cán bộ trong giai đoạn mới”, TS. Vũ Tiến Lộc cho hay.

5 dự án giao thông trọng điểm được Quốc hội thông qua Nghị quyết về chủ trương đầu tư tại kỳ họp thứ 3 gồm: Dự án đường Vành đai 3 TP HCM; Vành đai 4 - Vùng Thủ đô Hà Nội cùng các dự án đường bộ cao tốc giai đoạn 1 Biên Hòa -Vũng Tàu, Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột, Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng. Đây đều là những dự án giao thông trọng điểm, cấp bách, bảo đảm quốc phòng, an ninh, có tác động lan tỏa, tăng cường liên kết vùng, thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, các vùng và từng địa phương.

MỚI - NÓNG