Chỉ tiêu thu 500 tỷ đồng tiền phạt vi phạm giao thông

Chỉ tiêu thu 500 tỷ đồng tiền phạt vi phạm giao thông
TP - Trong buổi làm việc với Sở GTVT, Công an TP và nhiều quận, huyện vào sáng qua, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Văn Khôi nói, vi phạm trong quản lý, sử dụng lòng đường, vỉa hè đang hết sức nhức nhối, năm 2012 phải tập trung xử lý nghiêm tình trạng này.

> Bãi đỗ xe biến thành trung tâm thương mại
> Tiêu hủy, đấu giá hay lưu kho?

Một nhà hàng ở ngã tư Huỳnh Thúc Kháng - Nguyên Hồng thường xuyên lấn chiếm vỉa hè. Ảnh: Minh Tuấn
Một nhà hàng ở ngã tư Huỳnh Thúc Kháng - Nguyên Hồng thường xuyên lấn chiếm vỉa hè. Ảnh: Minh Tuấn.

Vi phạm tràn lan, phường né trách nhiệm

Phó giám đốc Công an Hà Nội - ông Trần Thuỳ cho biết, tình trạng vi phạm các quy định về trật tự giao thông tại Hà Nội là rất phức tạp trong đó có nguyên nhân từ tình trạng lấn chiếm lòng đường, vỉa hè. UBND quận, UBND các phường phải chịu trách nhiệm kiểm tra, xử lý.

Qua kiểm tra mấy trăm trường hợp vừa qua thì có tới 50% trường hợp lấn chiếm sử dụng lòng đường, vỉa hè không phép. Vỉa hè rất nhiều tuyến phố đồng loạt biến thành nhà hàng, quán bia.

“Đáng chú ý, một số phường không hợp tác với đoàn kiểm tra của thành phố khi xử lý các trường hợp vi phạm. Phải chăng có sự nể nang nào đó?”-ông Thuỳ đặt câu hỏi. Cũng theo ông Thuỳ, trong năm 2012, T.Ư giao Hà Nội phải giảm 20% tình trạng ùn tắc giao thông, do vậy các giải pháp đưa ra phải hết sức cụ thể mới có thể thực hiện được mục tiêu này. Tổng tiền phạt vi phạm giao thông chỉ tiêu cũng tăng lên trên 500 tỷ đồng, gấp 2 lần so với năm 2011.

Nhiều quận huyện cho hay, mặc dù vi phạm lòng đường vỉa hè rất phổ biến nhưng việc xử lý vi phạm lại rất yếu. Ông Khôi cho rằng, văn bản quy định thẩm quyền xử phạt vi phạm đã rất rõ nhưng hiệu quả hạn chế, thanh tra xây dựng chưa tham gia xử lý vi phạm hạ tầng, vỉa hè.

Ông Khôi yêu cầu quận Hoàn Kiếm phải kiên quyết trong xử lý vi phạm. Phố cổ, phố cũ phải làm gương và dứt khoát không cấp phép cho bất cứ trường hợp nào lấn ra vỉa hè.

Ông Đặng Văn Tường - Phó Chủ tịch UBND quận Ba Đình thừa nhận trách nhiệm của chính quyền trong việc để xảy ra tình trạng lấn chiếm lòng đường vỉa hè thời gian qua.

“Tại phố Trúc Bạch, các hộ kinh doanh rất lộn xộn vào buổi tối, lãnh đạo phường xin cắm biển một chiều với tuyến phố này song tôi cho rằng trách nhiệm của phường là phải xử lý việc lấn chiếm của các hộ dân, phải chăng không cương quyết xử lý?”-ông Tường nói.

Siết chặt cấp phép đỗ xe

Nhiều quận, huyện cho rằng trong khi chưa làm nhanh được các giải pháp dài hạn thì cần làm tốt các biện pháp trước mắt, nhất là quản lý cấp phép các điểm trông giữ xe dưới lòng đường, vỉa hè.

“Hà Nội đặt ra tháng 12-2011 phải phê duyệt triển khai được 3 bến xe tĩnh trong nội đô. Vậy đến năm 2012 chúng ta có làm được không? Chúng ta cấm, hạn chế để xe trên nhiều tuyến phố mà lại không xây bến xe tĩnh thì người dân biết để xe ở đâu? Trong khi nhiều dự án thì cứ kéo dài”-Phó giám đốc Công an Hà Nội Trần Thuỳ nói.

UBND quận Hoàn Kiếm phản ánh: Hầu hết các cơ quan, trường học, doanh nghiệp đều để xe ra ngoài đường phố, vỉa hè trong khi khuôn viên của trường học, cơ quan còn rộng.

Cần có quy định buộc các cơ quan khi xây dựng nhà phải tự đảm bảo yêu cầu về chỗ đỗ xe cho mình. Ví dụ toà nhà văn phòng Tập đoàn điện lực vừa xây cao tới 33 tầng và 29 tầng nhưng chỉ có 2 tầng hầm thì chắc chắn không lo đủ chỗ đỗ xe cho toà nhà. Chính quyền không thể lo đủ nơi đỗ xe khi có quá nhiều trường hợp như vậy.

Phó Chủ tịch UBND TP Nguyễn Văn Khôi khẳng định, thời gian tới tất cả các điểm đỗ xe dưới lòng đường gây cản trở giao thông phải xoá bỏ. Những tuyến chính ra vào thành phố không được cho đỗ, chỉ cho đỗ các tuyến đường ngang. Đường phải có mặt cắt từ 7,5 m trở lên mới cho đỗ xe một bên.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG
Cải tạo chung cư cũ: 'Hời hợt, vô cảm thì 5-10-15 năm sau vẫn thế thôi'
Cải tạo chung cư cũ: 'Hời hợt, vô cảm thì 5-10-15 năm sau vẫn thế thôi'
TPO - “Nếu cán bộ quan tâm đến công việc, hay như tôi nói ở hội nghị Ban Chấp hành là có tình yêu với Hà Nội thì tự khắc đứng dậy, khắc có trách nhiệm với nhân dân, khắc giải quyết các vướng mắc, tồn tại. Nếu cứ chung chung, hời hợt, vô cảm thì 5-10-15 năm sau vẫn thế thôi, không làm được” - Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng nói.