Chi tiêu quân sự toàn cầu tăng 2,6% lên 1.981 tỷ trong năm 2020, dù kinh tế toàn cầu giảm 4,4%, theo báo cáo của Viện Nghiên cứu hoà bình quốc tế Stockholm.
Diego Lopes da Silva, một trong những tác giả của báo cáo, nói rằng điều này nằm ngoài dự kiến. “Vì đại dịch, nhiều người sẽ nghĩ chi tiêu quân sự sẽ giảm. Nhưng có thể kết luận rằng COVID-19 không gây tác động đáng kể lên chi tiêu quân sự toàn cầu, ít nhất trong năm 2020”, ông Lopes da Silva nói.
Tuy nhiên, ông cho rằng do bản chất của chi tiêu quân sự nên cần thời gian để các nước “thích nghi với cú sốc”.
Chi tiêu quân sự tăng trong năm suy thoái kinh tế vì đại dịch đồng nghĩa với gánh nặng quân sự, khi tức là chi tiêu quân sự chiếm phần lớn hơn trong tổng số GDP.
Tỷ trọng chi tiêu quân sự so với GDP tăng từ 2,2% trong năm 2019 lên 2,4% trong năm 2020, mức tăng lớn nhất kể từ cuộc khủng hoảng tài chính năm 2009.
Kết quả là thêm nhiều thành viên NATO đạt mục tiêu theo hướng dẫn của khối về việc chi ít nhất 2% GDP cho quốc phòng. Trong năm ngoái, 12 quốc gia NATO làm điều này, tăng so với 9 quốc gia trong năm 2019.
Có một số dấu hiệu cho thấy đại dịch ảnh hưởng đến chi tiêu quân sự của một số quốc gia.
Những quốc gia như Chile và Hàn Quốc công khai việc tái phân bổ chi tiêu quốc phòng cho nỗ lực phản ứng với đại dịch.
“Những nước khác như Brazil và Nga không nói hẳn ra việc họ phân bổ lại ngân sách vì đại dịch, nhưng trong năm 2020 họ đã chi ít hơn đáng kể so với dự kiến ngân sách ban đầu”, ông Lopes da Silva nói.
Ông Lopes da Silva nhấn mạnh rằng nhiều nước ứng phó với cuộc khủng hoảng kinh tế năm 2008-2009 bằng cách thực hiện nhiều biện pháp tiết kiệm khắc khổ, nhưng lần này không phải vậy.
Hai quốc gia chi nhiều nhất cho quốc phòng là Mỹ và Trung Quốc. Washington chiếm tới 39% tổng chi tiêu, và Bắc Kinh chiếm 13%.
Chi tiêu quân sự của Trung Quốc tăng song song với phát triển kinh tế, và duy trì đà tăng liên tục trong 26 năm liên tiếp để đạt khoảng 252 tỷ USD trong năm 2020.
Mỹ cũng tăng ngân sách quốc phòng trong năm thứ ba liên tiếp, sau 7 năm giảm.
“Điều này cho thấy Mỹ lo ngại hơn về mối đe doạ từ những đối thủ chiến lược như Trung Quốc và Nga, cũng như động lực của chính quyền Trump để củng cố điều họ coi là sức mạnh suy giảm”, ông Alexandra Marksteiner, một tác giả khác của báo cáo, viết.
Ông Lopes da Silva nhấn mạnh rằng không có dấu hiệu gì cho thấy chính quyền Biden sẽ giảm chi tiêu quân sự.