Xây nhà máy điện trên khu vực dự trữ khoáng sản quốc gia
Thông báo kết luận thanh tra của Thanh tra Chính phủ (TTCP) về quản lý và đầu tư xây dựng các dự án điện theo Quy hoạch điện VII và Quy hoạch điện VII điều chỉnh, đã chỉ ra một loạt các vi phạm trong phát triển điện mặt trời (ĐMT) tại tỉnh Bình Thuận.
Dự án điện mặt trời. Ảnh minh hoạ. |
Theo kết luận thanh tra, đối với việc sử dụng đất để xây dựng nhà máy, Bộ TN&MT đã không có văn bản hướng dẫn UBND tỉnh Bình Thuận về việc xây dựng các dự án Nhà máy điện gió Đại Phong và Nhà máy điện gió Hồng Phong 1 trên khu vực dự trữ khoáng sản quốc gia. Thời gian dự trữ khoáng sản cũng không được xác định.
Tại Bình Thuận, có 13 dự án ĐMT và điện gió đã được đầu tư xây dựng trên đất dự trữ khoáng sản quốc gia theo Quyết định số 645 của Thủ tướng Chính phủ. Trong số này, nhà máy ĐMT Hồng Liêm 3 được xây dựng trên đất hoạt động khoáng sản, trong khi Nhà máy điện gió Hòa Thắng 1.2 đang xây dựng trên 40,57 ha rừng, mà đến thời điểm thanh tra, việc chuyển đổi mục đích sử dụng rừng vẫn chưa được thực hiện.
TTCP xác định, Nhà máy điện gió Hòa Thắng 1.2, Nhà máy điện gió Thái Hòa, Nhà máy điện gió Đại Phong, Nhà máy điện gió Hồng Phong 1, Nhà máy ĐMT Hồng Phong 1A, Nhà máy ĐMT Hồng Phong 1B, Nhà máy ĐMT Hồng Phong 5.2, Nhà máy ĐMT Hàm Kiệm 1, Nhà máy ĐMT Mũi Né, Nhà máy ĐMT Hàm Kiệm, Nhà máy ĐMT Hồng Phong 4, Nhà máy điện gió Phú Lạc - Giai đoạn 2, Nhà máy điện gió Phong điện 1 đều đã khởi công xây dựng trên đất quy hoạch dự trữ khoáng sản quốc gia mà không có cơ sở pháp luật, vi phạm các quy định.
Theo giải trình của UBND tỉnh Bình Thuận, dự án Nhà máy điện gió Hòa Thắng 1.2 đã được Thủ tướng Chính phủ chấp thuận chủ trương chuyển mục đích sử dụng rừng để thực hiện dự án. Công ty cổ phần Năng lượng Hòa Thắng cũng đã nộp Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng tỉnh Bình Thuận một khoản tiền là 10,359 tỷ đồng theo phương án được phê duyệt.
Thanh tra cũng chỉ ra nhiều vi phạm trong quá trình chuyển đổi mục đích sử dụng đất tại Bình Thuận để xây dựng các dự án điện mặt trời (ĐMT). UBND tỉnh Bình Thuận đã cho phép các doanh nghiệp như Công ty CP Năng lượng Thiên Niên Kỷ, Công ty CP Đầu tư và Xây lắp điện số 8 Bình Thuận, Công ty CP Năng lượng Hồng Phong 1, Công ty CP Năng lượng Hồng Phong 2, Công ty CP Đức Thành Mũi Né, Công ty CP ĐMT Trường Thành - Bình Thuận thuê đất 50 năm với mục đích xây dựng công trình năng lượng mà không có cơ sở pháp luật.
Ngoài ra, UBND tỉnh Bình Thuận còn phê duyệt và cho thuê đất vượt hạn mức theo quy định để các doanh nghiệp xây dựng dự án ĐMT, trong khi một số doanh nghiệp chưa thực hiện nghĩa vụ tài chính đối với đất đai.
Xây dựng nhà máy điện khi chưa có giấy phép
Tổng Thanh tra Chính phủ đề nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo UBND tỉnh Bình Thuận chủ trì, chỉ đạo kiểm điểm và xử lý trách nhiệm theo quy định của pháp luật đối với tổ chức và cá nhân có liên quan đến các khuyết điểm và vi phạm nêu trên. |
Bên cạnh đó, TTCP cũng chỉ ra nhiều dự án đã khởi công mà chưa hoàn thiện các thủ tục thuê đất tại Bình Thuận. Ví dụ, Công ty cổ phần điện Mặt Trời đã khởi công Nhà máy ĐMT Phong Phú và đường dây điện trước khi được cơ quan nhà nước cho thuê đất và bàn giao đất. Điều này được xem là chiếm dụng đất và vi phạm quy định tại Luật Đất đai 2013.
Công ty cổ phần Năng lượng Thiên Niên Kỷ cũng đã khởi công xây dựng Nhà máy ĐMT Hồng Phong 5.2 mà không có ý kiến chính thức từ Thủ tướng Chính phủ, và đến thời điểm thanh tra, dự án vẫn chưa được chấp thuận. Tương tự, Công ty cổ phần Đức Thành Mũi Né và Công ty cổ phần Hà Đô Bình Thuận cũng xây dựng nhà máy trên đất dự trữ khoáng sản quốc gia mà chưa có sự chấp thuận của Thủ tướng Chính phủ.
Dựa trên kết quả thanh tra, Tổng Thanh tra Chính phủ đề nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo UBND tỉnh Bình Thuận chủ trì, chỉ đạo kiểm điểm và xử lý trách nhiệm theo quy định của pháp luật đối với tổ chức và cá nhân có liên quan đến các khuyết điểm và vi phạm nêu trên.
Đối với Bộ Công Thương và Bộ TN&MT, Tổng Thanh tra Chính phủ đề nghị Thủ tướng chỉ đạo, tổ chức kiểm điểm và xử lý trách nhiệm theo quy định của pháp luật đối với các tổ chức và cá nhân có liên quan đến các vấn đề tồn tại, khuyết điểm và vi phạm.
Mặt khác, TTCP cũng đã chuyển hồ sơ vi phạm quy định của pháp luật trong quản lý, sử dụng đất đai để thực hiện đầu tư xây dựng các dự án điện mặt trời và điện gió trên đất quy hoạch dự trữ khoáng sản quốc gia/quy hoạch phân vùng thăm dò, khai thác, chế biến và sử dụng quặng titan tại tỉnh Bình Thuận đến Cơ quan An ninh điều tra Bộ Công an.
Cơ quan An ninh điều tra Bộ Công an có công văn gửi UBND tỉnh Bình Thuận yêu cầu cung cấp chứng cứ, tài liệu liên quan việc lập, thẩm định và phê duyệt bổ sung các dự án điện mặt trời nối lưới tại tỉnh vào Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia và Quy hoạch phát triển điện lực tỉnh, thành phố trực thuộc Trung Ương giai đoạn 2016 - 2020.
Theo đó, Sở Công Thương tỉnh Bình Thuận đã có công văn hỏa tốc gởi các Sở: Tài nguyên Môi trường, Kế hoạch Đầu tư, Xây dựng, Cục Thuế tỉnh và UBND các huyện: Tuy Phong, Bắc Bình, Hàm Thuận Bắc, Hàm Thuận Nam, Hàm Tân, TP Phan Thiết, giải trình và cung cấp chứng cứ, tài liệu theo yêu cầu của Cơ quan An ninh điều tra (A09) Bộ Công an liên quan các dự án điện mặt trời trên địa bàn Bình Thuận.
Ngày 26/12, nguồn tin của Tiền Phong cho biết, ông Nguyễn Văn Toàn, Phó Giám đốc Công ty Điện lực Bình Thuận, được uỷ quyền điều hành trực tiếp mọi hoạt động sản xuất kinh doanh của công ty (trừ công tác cán bộ) từ ngày 19/12 cho đến khi ông Nguyễn Thành Ngôn, Giám đốc Công ty Điện lực Bình Thuận quay trở lại làm việc.