Song song những con số lạc quan trên kia là vô số bài báo khuyết danh có, ký tên có của người nước ngoài viết về trải nghiệm du lịch hoặc sống ở Việt Nam. Có khen có chê, có bài toàn chê, không hiểu nguồn đáng tin cậy đến đâu nhưng nhiều chuyện buồn cười và có những chuyện bị nghi là do chính người Việt chế ra rồi đặt vào miệng người nước ngoài, bởi đọc thấy có vẻ đi guốc trong bụng nhau quá.
Có một cái tên phụ nữ Mỹ, là Jaqueline Kehoe (nguồn: Matadornetword) viết rằng nếu ở Mỹ nếu ai đó cứ nhìn bạn thì bạn phải nhìn ra chỗ khác để họ thôi nhìn. Còn ở Việt Nam, dù bạn làm gì ở đâu cũng có những ánh mắt nhìn chằm chằm “Nếu có môn nhìn chằm chằm trong danh sách thi Olympic, hẳn Việt Nam nhiều huy chương lắm”.
Rồi thì không bao giờ có được sự riêng tư, quen ai mọi người đều biết, luôn bị hỏi có gia đình chưa và nếu chưa thì tại sao, bao nhiêu tuổi. Luôn có người sẵn sàng chạm vào bạn không chỉ khi chào mời mua hàng rong mà cả khi xếp hàng mua vé hay đi lại trong quán xá. Đi thang máy cùng ai, bạn phải chờ cả tốp người quen của họ cùng vào một thể thì mới có cơ vận hành được thang máy. Hoặc đang giữa mùa hè nhưng những ca khúc mừng Noel và năm mới vang khắp phố phường “mà chẳng có cái bánh hay đồ để ăn mừng gì cả!”.
Bù lại, thức ăn rẻ và hệ miễn dịch được tăng cường, đôi khi gặp những lòng tốt bất ngờ - đó là cái được khi ở Việt Nam - là họ viết thế.
Nếu con số khảo sát trên kia bị nhiều người nghi ngờ, như từng nghi ngờ chỉ số hạnh phúc - cao ngất ngư, của người Việt, thì những chi tiết “chưa hài lòng” thường lại đáng tin dù nó được ai viết ra đi nữa, bị mạo danh đi nữa. Trái với cái thời “ta là ta mà ta lại cứ mê ta”, đa số mọi người bây giờ có tài ta thán, tổng sỉ vả thói tật Việt Nam. Mỗi tội tinh thần tự phê thì cao như thế nhưng sao tình hình gì cũng khó khả quan.