Cụ thể, trước đây, Luật Đất đai quy định khung giá đất do Chính phủ ban hành định kỳ 05 năm 01 lần, căn cứ khung giá đất của Chính phủ, các tỉnh thành ban hành Bảng giá đất. Bảng giá đất này là căn cứ để tính tiền sử dụng đất khi làm sổ đỏ, tính các khoản phí và lệ phí khác khi làm sổ đỏ,...
Tuy nhiên, tại Dự thảo mới, khung giá đất sẽ bị bãi bỏ, các địa phương được tự xây dựng, ban hành, điều chỉnh bảng giá đất theo vị trí 01 năm một lần, thay vì 05 năm như trước. Điều này khiến nhiều chuyên gia dự báo rằng khả năng bảng giá đất sẽ tăng cao hơn rất nhiều so với hiện nay, tiệm cận hơn với giá đất thị trường. Do đó, các chi phí làm sổ đỏ sẽ dự kiến tăng lên rất nhiều.
Nếu Dự thảo Luật Đất đai sửa đổi được thông qua vào cuối năm nay, chi phí làm giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (sổ đỏ) có thể sẽ tăng lên. (Ảnh: Lộc Liên) |
Đồng thời, theo Dự thảo mới, các quy định về điều kiện cấp sổ sẽ khắt khe hơn. Cụ thể, khoản 2 Điều 137 Dự thảo này quy định đất không có giấy tờ phải là đất không thuộc trường hợp lấn, chiếm:
“2. Hộ gia đình, cá nhân đang sử dụng đất không có các giấy tờ quy định tại Điều 135 của Luật này mà không thuộc trường hợp quy định tại khoản 1 Điều này thì được công nhận quyền sử dụng đất nếu có các điều kiện như sau:
a) Thửa đất sử dụng vào mục đích nông nghiệp không thuộc trường hợp lấn, chiếm, tranh chấp đất đai;
b) Thửa đất sử dụng vào mục đích phi nông nghiệp không thuộc trường hợp lấn, chiếm, tranh chấp đất đai, phù hợp với quy hoạch sử dụng đất, quy hoạch chi tiết xây dựng đô thị, quy hoạch xây dựng điểm dân cư nông thôn đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt đối với nơi đã có quy hoạch và phải thực hiện nghĩa vụ tài chính theo quy định”.
Thực tế, hiện nay, các trường hợp “lấn, chiếm đất" do khai hoang, du canh, di cư...vô cùng phổ biến. Và nếu như trước đây, các trường hợp này vẫn có cơ hội được cấp sổ đỏ nếu đáp ứng được một số điều kiện. Thì sau khi Dự thảo Luật Đất đai mới được thông qua, việc cấp sổ đỏ với trường hợp này sẽ không còn nữa.
Ngoài ra, theo Dự thảo mới, nếu đang sử dụng đất có nguồn gốc từ đất lấn, chiếm sẽ không được công nhận quyền sử dụng đất mà chỉ được ghi nhận là người sử dụng đất tại thời điểm đăng ký, được tạm thời quản lý đất đai cho đến khi Nhà nước có quyết định xử lý theo quy định của pháp luật.
Do đó, không ít chuyên gia về luật cho rằng nếu như đang sử dụng đất không có giấy tờ, thuộc trường hợp lấn chiếm do quá trình khai hoang, di cư, du canh... và đáp ứng các điều kiện còn lại để được công nhận quyền sử dụng đất, thì người dân nên sớm đi làm sổ đỏ.