Chi Lăng, ngỡ quen mà vẫn lạ: Nên xây chùa hay xây đền?

Ải Chi Lăng
Ải Chi Lăng
TP - Hiểm địa Chi Lăng vùi chôn bao nhiêu thế hệ quân thù cũng là nơi núi xương sông máu của cả hai bên chiến tuyến. Hơi bị hiếm hoặc không có trong chính sử  những dòng, những trang cận cảnh chiến trường sau trận đánh. 

Chả hạn như các hẻm núi  của Ải, của cánh đồng lầy thụt Chi Lăng là nơi hàng vạn binh mã của giặc Tống, giặc Nguyên Mông, giặc Minh bị dồn vào tử địa để lãnh lấy cái chết. Việc tảo thanh sau trận đánh, công tác vệ sinh là như thế nào?  Chôn cất ra làm sao? Mà thế nào cho xuể? Có lẽ đành nhờ cậy thời gian cùng tự nhiên. Chài chãi mưa nắng gió sương, quạ diều phân hủy cùng thời tiết thất thường xứ nhiệt đới… Sau nữa là ký ức vốn bấy bớt mong manh quên lãng của con người?

Đống Đa xưa bãi chiến trường/ Ngổn ngang xác giặc vùi xương thành gò. Câu ca trong sách học thuở nhỏ là một thực tế chiến trường. Tấm bia dựng năm thứ 8 niên hiệu Tự Đức (1856) chép: Quan tổng đốc Hà Nội  Đặng Văn Hòa sai thu táng những thi hài chết trong trận Đống Đa (1789) ở đầu đường, cuối ngòi thành 12 gò. Đến năm Tự Đức 4 (1851) quan kinh lược Nguyễn Đăng Giai khi mở đường, mở chợ mới ở vùng này lại thấy nhiều xương khô nên sai đắp thêm một gò mộ nữa. Nguyễn Đăng Giai kêu gọi các nhà hảo tâm dựng thêm ở tự đàn 4 gian nhà nữa tức là chùa Đồng Quang bây giờ.

Năm 1886 tri huyện Thọ Xương cải tạo lại chùa Đồng Quang, làm hai tòa tả hữu. Tới năm 1915 nhà sư trụ trì đã sửa chữa chùa, làm nhà hữu tu, xây cổng. Hiện nay, kiến trúc của chùa chia làm hai phần, chùa thờ Phật và tự đàn. Chùa quay về hướng nam, phía ngoài có cổng, chùa hình chữ công (I) gồm tiền đường 5 gian, thượng điện 3 gian. Tự đàn hình chữ nhị (=) thờ người chết trong trận Đống Đa. 

Các sư sãi, người nhà chùa đã làm cái việc cúng vong, làm đàn tràng giải oan cho cả hai bên chứ không chăm chắm lo vong hồn cho bên thắng trận mà bỏ bê những vong những linh hồn lũ quân Mãn Thanh thất trận. Đó là một điều độc đáo!

Tại chiến địa Chi Lăng, không biết tự thời nào? Thời của Lê Hoàn của Lý Thường Kiệt hay mãi sau thời Trần, hay Lê Lợi đã xuất hiện một ngôi Đền. Đền ấy thờ ông thần  coi sóc Quỷ Môn Quan. Ông thần coi sóc cửa ải. Ngài là nỗi ám ảnh của lũ bành trướng phương Bắc. Nhưng ngài lại là ông thần hộ mệnh coi sóc đời sống dân lành Chi Lăng.

Thời Lê Trịnh, cánh sứ bộ Tàu khi sang sách phong hay có việc phải sang Đại Việt, mỗi khi qua Núi Mặt Quỷ trong Ải Chi Lăng hiểm trở đều ghét cái tên Quỷ Môn Quan nên đã đổi thành cái tên đậm hơi hướng bành trướng là Úy Thiên Quan (cửa sợ thiên triều). Nhưng chính sử Đại Việt và dã sử cũng như dân Chi Lăng không bao giờ gọi cái tên Úy Thiên Quan mà chỉ giản dị là núi Mặt Quỷ hoặc Quỷ Môn Quan.

Tôi thư thả rời chân núi Mặt Quỷ sải những bước qua con đường bê tông tắt qua đập tràn sông Thương, sang Đền Quỷ Môn Quan. Gọi là sông nhưng chỉ là nhánh nhỏ thượng nguồn. Nhánh này quanh co xuôi xoải đến Lục Nam, Bắc Giang thì mới đủ đường bệ của một dòng Thương. Tiết thanh minh, trần giời xứ quan ải nhẹ thênh tầm nhìn. Nhánh sông Thương nước leo lẻo. May mà vùng thượng nguồn đây chưa bị ô nhiễm. Mong sao những uế tạp thời buổi công nghiệp hóa hãy chầm chậm tàn phá nơi linh địa này! Nhưng chả biết còn được mấy hột thời gian?

Đền thờ thần coi sóc Quỷ Môn Quan được nhà nước xếp hạng cùng  di tích Chi Lăng từ năm 1962. Mọi thứ cũng rệu rạo xuống cấp. Không biết bao lần tu tạo? Đôi lưỡng long chầu nguyệt rêu trên nóc Đền phong cách thời Nguyễn khá sinh khí, mang lại cho Đền vẻ oai nghiêm. Tôi ngồi với ông Tiến, phó trưởng thôn Quán Thanh của xã Chi Lăng.

Ông Tiến chưa già mấy, sinh năm 1957 nhưng là người lịch duyệt. Ông sang sảng đọc các đôi câu đối, bức hoành. Trước đó ông chỉ cho tôi cái hình mặt quỷ xa xa trên núi đá chất giọng tự hào, pha chút kính cẩn rằng, dễ đến hàng năm nay không có cái cây ngọn cỏ nào dám mọc trên khuôn mặt ngài cả! Trong khi ấy cây cối lại mọc um tùm ngay cạnh.

Ông Tiến nhắc tôi chốc nữa nên ghé qua cái Giếng Nước Mắt gần chân núi Mặt Quỷ quanh năm nước ăm ắp,  leo lẻo trong. Giếng là nơi ghi dấu chàng thư sinh Nguyễn Trãi tiễn cha đứng khóc dưới chân Ải Chi Lăng nên có cái tên ấy. Ông đọc to lần nữa vế đối trong Đền như minh họa Thắng cảnh uy linh hương vạn tải (tiếng lành nơi thắng tích truyền vạn năm).

Chi Lăng, ngỡ quen mà vẫn lạ: Nên xây chùa hay xây đền? ảnh 1 Đền thờ thần Mặt Quỷ và cây gạo sau Đền ảnh: Trường Phong)
Ngôi Đền trong bãi chiến trường Chi Lăng, trong khu vực di tích xuất hiện tự khi nào? Thần phả lẫn thần tích đều không thấy ghi. Nhưng có một điều dân Chi Lăng đều thông tỏ ngôi Đền ngoài phận sự thờ thần coi sóc nơi quan ải hiểm yếu hộ quốc an dân, cũng là nơi hương khói cho cả bên bại lẫn thắng cuộc. Hương khói ngôi Đền thiêng của khách thập phương, dân làng hay của cụ từ, bao đời nay mỗi độ nhật cứ dịu dàng lan tỏa làm nhẹ vong hàng vạn linh hồn phương Bắc vất vưởng bỏ mạng nơi hiểm địa Chi Lăng, cũng như anh linh của các anh hùng quân Nam vì nước bỏ mình tại chiến trường Chi Lăng xứ Lạng.

Lúc rời Đền, đứng dưới gốc cây gạo cổ thụ bung những chùm son đỏ ối, nghe ông Tiến nói đâu như có tuổi thọ cùng thời điểm Liễu Thăng bỏ mạng, tôi chăm chắm thêm hướng nhìn lên phía núi Mặt Quỷ. Nghe ông bạn già cùng đi tấm tắc rằng, ngôi Đền và cây gạo cứ như thứ tiền án đắc địa tạo nên thế phong thủy tốt lành cho dân Chi Lăng.

Lần này lên Chi Lăng dự hội thảo khoa học Khu di tích lịch sử Chi Lăng - giá trị lịch sử bảo tồn và phát huy mừng thấy trong tương lai gần để Chi Lăng mang danh hiệu di tích đặc biệt, sẽ được chỉnh trang đầu tư. Nhất là được nghe Di tích Chi Lăng nhìn từ góc độ tôn giáo học. Rằng tổ hợp các hạng mục của di tích Chi Lăng cùng môi trường cảnh quan và đa dạng sinh học khu di tích hoàn toàn có thể đáp ứng và cho phép loại hình du lịch tâm linh, du lịch sinh thái. Rồi những việc nâng cấp khác như có thể xây chùa, đền, xây Đài chiến thắng hoặc đài dâng hương cầu siêu cho các vong linh tử sĩ.

Mừng và mong lắm nhưng chả thấy ý kiến nào bàn đến việc nâng cấp tu tạo ngôi đền thiêng thờ thần Mặt Quỷ coi sóc ải đang hiện diện tại thôn Quán Thanh xã Chi Lăng? Cứ như ông Tiến, phó trưởng thôn Quán Thanh bộc bạch, ngôi Đền nếu được tu sửa nâng cấp thì chả tốn mấy hột tiền. Sẵn nong sẵn né đấy cả rồi.

Lần này lên Chi Lăng dự hội thảo khoa học Khu di tích lịch sử Chi Lăng - giá trị lịch sử bảo tồn và phát huy  mừng thấy trong tương lai gần để Chi Lăng mang danh hiệu di tích đặc biệt, sẽ được chỉnh trang đầu tư.

MỚI - NÓNG
Chu Thanh Huyền đeo vàng trĩu cổ
Chu Thanh Huyền đeo vàng trĩu cổ
TPO - Trong ngày trọng đại, Chu Thanh Huyền và Quang Hải được gia đình nhà gái và nhà trai trao tặng nhiều quà cưới. Theo ghi nhận, cặp đôi nhận được những món quà giá trị từ gia đình 2 bên gồm nhiều kiềng vàng và nhẫn.