Chi Lăng, ngỡ quen mà lạ: Kỳ II:

Nghĩ thêm từ cây na Tổ

Na vườn ở Chi Lăng. ảnh: XB
Na vườn ở Chi Lăng. ảnh: XB
TP - Để bảo tồn tính nguyên vẹn của di tích lịch sử Chi Lăng, một phương án đặt ra là có thể phải bốc hơn trăm hộ dân của 3 thôn trong khu di tích. Đó là bài toán hóc búa, là thử thách đối với một địa phương nghèo như Chi Lăng. 

Ngồi chuyện với Chủ tịch huyện Chi Lăng Đinh Hữu Học thấy bề nào cũng chẳng yên bề nào? Bởi chưa rõ sẽ chọn phương án di dời dân ra khỏi vùng lõi di tích hay là phải ráo riết giải bài toán cứ để dân cư nguyên trạng và tổ chức sao đó để dân vừa yên ổn sinh sống vừa tham gia việc bảo tồn di tích lịch sử Chi Lăng?

Thật thú vị khi Chủ tịch Học kể cho nghe chuyện cây na tổ Chi Lăng. Cũng cần nói thêm Đinh Hữu Học mới điều chuyển về Chi Lăng đảm nhận chức chủ tịch hơn một năm nay. Chi Lăng trong con mắt của vị nguyên Chánh thanh tra tỉnh Lạng Sơn cũng chỉ là di tích lịch sử linh thiêng mà anh mới hai lần ghé. Còn thì mọi sự mới mẻ cả. Đến như cây na đặc sản Chi Lăng cũng mới. Lần ấy tân chủ tịch Học được anh em dẫn đi tham quan vườn na của một hộ trong xóm núi. Ngắm ngó những tầng quả lúc lỉu sắp đến kỳ mở mắt (chín rộ), Học nhận thấy trái na bở na dai vườn chủ nhà như to như căng mọng bắt mắt hơn? Và dư vị của thứ quả chín như đậm như dịu hơn chứ không ngọt sắc như giống na bở thường thấy? Tò mò hỏi thêm, ông chủ bộc bạch rằng, chơi cái anh na ấy mà, đừng có tiếc. Tiếc nghĩa là trong trăm cái hoa phải can đảm dứt đi vài chục cái thậm chí một nửa để dinh dưỡng tập trung cho những quả đậu lại. Và những cây đã vài năm tuổi phải biết bonsai, nghĩa là phải cắt gọt tỉa cành sao đó cho chồi lộc và nhánh đâm nhanh để tăng tuổi thọ, năng suất của cây. Và một số thứ khác mà Học cho là bí quyết để duy trì phát triển nâng cao chất lượng quả.

Cũng tình cờ trong câu chuyện với ông chủ nhà mặn chuyện, ông kể vùng Chi Lăng này trước đây làm gì có cây na đại trà thế này? Người mà chủ nhà gọi là ông nội vốn quê ở vùng Hoài Đức, Xứ Đoài phiêu bạt lên Chi Lăng của Xứ Lạng làm ăn. Trong mớ hành lý tha phương, cụ tòn ten mấy cây na cây táo giống. Những năm sau hòa bình 1954, gia đình cụ sâu rễ bền gốc ở đất Chi Lăng, ngoài con cháu ra còn để lại giống na bây giờ là đặc sản. Giống na bở, na dai thấm chất núi đá, gió núi Chi Lăng hợp thung thổ nên tự bao giờ đã hình thành thứ thuần chủng về cây quả chất lượng ít nơi nào sánh được. Ông chủ nhà dẫn Học ra cuối vườn chỉ vào một cây na đã cao niên nổi sùi mấu từ gốc. Ngó như một thứ cội lão nhưng cành lá thì vẫn tráng kiện. Ông chủ nhà cho hay đây là cây na cụ nội ông đã trồng hồi mới đến Chi Lăng làm ăn!

Sau bữa ấy, Học kéo anh em ở Phòng Văn hóa, phòng nông nghiệp về gặp chủ nhân mảnh vườn ấy. Để học hỏi kinh nghiệm nhân rộng điển hình. Và gì nữa, Học khuyến khích thêm anh em ở Phòng Văn hóa rằng, đã có đặc sản na Chi Lăng Xứ Lạng tại sao không xây dựng và bảo tồn quảng bá cho du khách về thăm di tích lịch sử này tìm đến Cây na Tổ Chi Lăng?

Nhận thấy cây na Chi Lăng là cứu cánh để bà con thoát đói giảm nghèo, Chủ tịch Học và bộ sậu của huyện đã bươn bả tìm đến những nơi cần đến. Sở nông nghiệp tỉnh, Bộ NN&PTNT. Riêng Học tìm gặp bằng được Bộ trưởng Cường… Toàn huyện thành lập 25 tổ hợp tác sản xuất na. Bên cạnh đó, lãnh đạo huyện đã trực tiếp tổ chức gặp gỡ, mời doanh nghiệp xuống tận vườn na. Huyện cũng hỗ trợ các hộ trồng na 5.000 hộp bẫy bắt ruồi chống đục quả.

Nghĩ thêm từ cây na Tổ ảnh 1 Một góc khu di tích Chi Lăng
Quả na dai Chi Lăng được Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ KH&CN) công bố quyết định và trao nhãn hiệu chứng nhận: “Na Chi Lăng”. Bộ NN&PTNT xếp Na Chi Lăng vào danh sách 1 trong 50 loại trái cây thơm ngon nhất Việt Nam. Đã hai lần Chi Lăng tổ chức thành công Ngày hội na Chi Lăng và năm rồi là tuần lễ quảng bá na Chi Lăng tại Khu hội chợ triển lãm, giao dịch kinh tế và thương mại (số 489 Hoàng Quốc Việt, Cầu Giấy, Hà Nội), với khoảng 20 gian hàng giới thiệu sản phẩm na và các đặc sản khác của Lạng Sơn.

Độc đáo là UBND huyện còn phối hợp với Sở KH - CN Lạng Sơn, Viện Nghiên cứu rau quả Trung ương triển khai nhiều đề tài nghiên cứu  trong đó có dự án kéo dài thời vụ giống na. Kết quả, đến nay đã có 1/4 diện tích cây na ra quả trái vụ, với giá bán bình quân từ 60.000 - 80.000 đồng/kg, cao gấp đôi na chính vụ. Cây na được bà con các dân tộc thuộc 5 xã và thị trấn dọc theo quốc lộ 1A nằm trong vùng lịch sử di tích Chi Lăng. Thị trấn Đồng Mỏ, thị trấn Chi Lăng, xã Chi Lăng, Quang Lang và Mai Sao của huyện Chi Lăng. Tổng diện tích trồng na đến nay đã hơn 1.200 ha, với sản lượng hằng năm đạt hơn 8.000 tấn quả, trở thành vùng sản xuất hàng hóa tập trung.

Bên cạnh na, Chi Lăng còn phát triển giống bưởi Diễn lai tạo với giống da xanh. Sắc màu na ngút xanh trước thời điểm vào vụ hòa nhập nối dài với giống bưởi da xanh mướt mát cữ tận xuân sơ hạ làm nên mảng màu ấn tượng của cảnh sắc vùng Di tích Chi Lăng. Vâng, sẽ như thế nào nếu du khách tìm về khu di tích được chính những người dân Chi Lăng (trong đó có 3 thôn đang thuộc diện di dời) dẫn đi thưởng ngoạn và được nghe giới thiệu về những hạng mục di tích lịch sử xuyên qua những vuông vắn, những xanh tươi cùng ngọt ngào lúc lỉu na, bưởi? Trong số cư dân không phải nhiêu khê của việc di dời giải phóng mặt bằng ấy sẽ được UBND huyện cùng Ban quản lý Di tích lịch sử Chi Lăng cử đi học các lớp đào tạo khi ngắn khi dài ngày về nghiệp vụ du lịch lịch sử- sinh thái, về những thứ đặc thù của khu bảo tàng ngoài trời độc đáo Chi Lăng?

Xin mạo muội góp thêm ý mọn ấy ngõ hầu để Chi Lăng đẩy nhanh việc bảo tồn, phát huy khu di lích lịch sử theo cái hướng vững bền?

Mong lắm thay!

(Còn nữa)

MỚI - NÓNG