Chi Lăng, ngỡ quen mà vẫn lạ (Kỳ III):

Bạt đá đề thơ

Núi Mặt Quỷ
Núi Mặt Quỷ
TP - Đến Ải Chi Lăng không thể không rờn rờn đối mặt với Quỷ Môn quan.

Lâu nay có một tồn nghi, thiết nghĩ các  nhà nghiên cứu sử cần làm cho rành rẽ. Rằng có hai địa danh Quỷ Môn Quan. Trong cuốn Vân đài loại ngữ nhà bác học Lê Quý Đôn (dẫn lại cuốn sử Trung Hoa có tên là Hoàn vũ ký (niên hiệu Thái Bình đời nhà Tống) cho rằng Quỷ Môn quan không ở Lạng Sơn (Chi Lăng). Đó là Quỷ Môn quan  nằm trên con đường bộ, ven biển, từ Trung Hoa vào nước Việt, thường được người phương bắc sử dụng từ thời Đường trở về trước. Con đường bộ ấy, từ sau thời Đường cho đến thế kỷ 18, đã bị hoang phế.

Năm Canh Thân (1020) đời Lý, vua Lý Thái Tổ cho mở “đại lộ thông quốc” làm con đường đi sứ, ngắn (gần) và tiện dụng, hai chiều ngược xuôi Lạng Sơn - Thăng Long. 

Vậy nên mới có việc chuyển cái địa danh quen thuộc và  nổi tiếng là Quỷ Môn Quan ở vùng biên giới Quảng Đông - Quảng Ninh, về nơi có ngọn núi trấn ải Chi Lăng - Lạng Sơn, nơi mà cũng có chữ “Quỷ” làm từ tố của địa danh (Hàm Quỷ hoặc Mặt Quỷ).

Sách Đại Nam nhất thống chí viết “Cửa quan Quỷ Môn - ở phía Nam châu Ôn (Lạng Sơn), thuộc địa phận xã Chi Lăng. Đường ải nhỏ hẹp, đá núi hiểm cao, phía tây gần khe sâu, nước độc không thể uống, hình thế hiểm ác, có đá như đầu ma đầu quỷ, nên đặt tên như vậy. Sách ấy lại dẫn ra câu ngạn ngữ: “Quỷ Môn Quan, Quỷ Môn quan/ thập nhân khứ, nhất nhân hoàn”. 

Quỷ Môn quan, tên gọi của một nơi quan ải đã được chuyển từ Đông (Quảng Ninh) sang Tây (Lạng Sơn) có lẽ bắt đầu từ thế kỷ thứ X sau thời điểm mở đường mới của vua Lý Thái Tổ như trên đã nói. 

Người viết bài này xin được nghiêng về  nhận định của nhà nghiên cứu  PGS.TS sử học Lê Đình Sỹ, nguyên Viện trưởng Viện Lịch sử Quân sự rằng: 20 cuộc xâm lăng Đại Việt, có đến 16 cuộc giặc xâm lăng phương Bắc tràn sang nước ta bằng đường bộ. (trước thế kỷ X các cuộc xâm chiếm Đại Việt đều bằng đường bể có lẽ đường bộ qua ngả Quảng Ninh không tiện nhiều bề?) Và hầu hết qua ngả Lạng Sơn theo “đại lộ thông quốc” dứt khoát phải qua Ải Chi Lăng được mở từ  thời Lý! Con đường hòa bình ngả ngoại giao hữu hảo vua Lý Thái Tổ cho mở mang, bọn xâm lược đã lợi dụng biến thành con đường máu xâm lược. Thật thú vị hiểm địa Quỷ Môn Quan thuở nào của xứ Quảng Yên, Quảng Ninh đã chuyển sang Lạng Sơn. Thời điểm địa thế hiểm yếu của Ải Chi Lăng mang tên Quỷ Môn Quan có lẽ khởi đầu bằng trận phục binh khiến quân Tống kinh hồn bạt vía của phò mã Thân cảnh Phúc, người con quê ở Động Giáp, Chi Lăng năm 1077. Rồi kế sau đó Chi Lăng vang mãi chiến công của Lý Thường Kiệt, Trần Hưng Đạo, Lê Lợi, Quang Trung… Trận nào cũng mang âm hưởng rùng rợn về Quỷ Môn Quan đối với bọn xâm lược là thập nhân khứ nhất nhân hoàn (mười người đi, về chỉ được một).

Bạt đá đề thơ ảnh 1  
Bạt đá đề thơ ảnh 2

Thập nhân khứ… và bài Quỷ Môn đạo trung (Nguyễn Du). Thủ bút của Xuân Ba

Cũng mở ngoặc tý ti. Cái câu thập nhân khứ nhất nhân hoàn nhiều người cho rằng câu than ấy của người Việt chỉ độ kém an toàn khi phải (hay đến làm ăn hoặc có việc) bởi địa thế hiểm, lam sơn chướng khí của Quỷ Môn quan? Không phải! Mà là lời than có từ thời Mã Viện mang binh đi chinh phục nước Nam. Binh lính từ đời Tấn (265-420) khi qua đây bị phục binh chết rất nhiều, nên xuất xứ, không phải lời than thở nữa mà là một sự cảnh báo, cảnh cáo có từ thuở ấy! Nên nhớ từ ĐI (khứ) và VỀ (hoàn) và cái hướng mà nó (đi - về). Độc đáo lời- thông điệp cảnh báo - cảnh cáo ấy có tuổi thọ khá bền. Bởi xuất xứ liên quan đến những sự kiện lịch sử thuộc thời Hán và đời Tấn - những thế kỷ đầu Công Nguyên, chứ không phải xuất hiện mãi về sau này thuộc đời Nguyên Mông và Minh.

Năm 1804 thời nhà Nguyễn, Nguyễn Du trên đường đi sứ sang nhà Thanh, khi qua Chi Lăng đã làm bài thơ Quỷ môn đạo trung (Đường qua Ải Quỷ Môn) 

Quỷ môn thạch kính xuất vân côn (căn),
Chinh khách nam quy dục 
đoạn hồn.
Thụ thụ đông phong xuy tống mã,
Sơn sơn lạc nguyệt dạ đề viên.
Trung tuần lão thái phùng 
nhân lãn,
Nhất lộ hàn uy trượng tửu ôn.
Sơn ổ hà gia đại tham thụy?
Nhật cao do tự yểm sài môn.
 
Dịch nghĩa

Đường đá ở núi Quỷ Môn từ    chân mây đi ra,
Lữ khách về Nam trông thấy mà kinh hồn.
Gió đông thổi qua hàng cây vào đám ngựa đi tiễn,
Trăng tà lặn sau dãy núi, ban đêm nghe tiếng vượn hú.
Ta đang độ tuổi trung niên mà đã có vẻ già, rất ngại chuyện thù tiếp,
Dọc đường trời lạnh, nhờ hơi rượu mà ấm lòng.
Trong xóm dưới núi kia, nhà ai ham ngủ thế?
Mặt trời lên cao rồi mà cửa tre còn đóng kín.

Bài thơ nhác trông tưởng như nhẩn nha tả cảnh Ải Chi Lăng. Nhưng toàn bộ điểm nhấn hay điểm nhãn cả bài là ở câu Lữ khách về Nam trông thấy mà kinh hồn. Câu ấy như lời răn sự nhắc nhớ ai đó vô tình hoặc kẻ (xâm lược) nào đó hãy nhớ một quá vãng bi thương liệt oanh! Qua Chi Lăng lại không thể không nhắc đến thi sĩ kiêm chiến lược gia nhà Trần, Tể tướng Phạm Sư Mạnh. Trong bài thơ hiếm hoi viết về Ải Chi Lăng, ông có câu hào sảng Lâu phong bạt mã cao hồi thủ/ Chi Lăng quan hiểm dữ thiên tề (trước giáo ghì cương ngựa trên cao ngoái đầu nhìn/Chi Lăng Ải hiểm tựa lên trời)

Biên ra như thế chả phải để làm cái việc liệt kê. Ngắm dãy Quỷ Môn Quan sừng sững trước mắt chạy dài dọc Ải Chi Lăng thấy cái biển bê tông đề ba chữ Núi mặt quỷ sơn trắng bên cạnh hình thù dữ tợn do thiên tạo thấy cứ thiêu thiếu lẫn chuê chuế thế nào?! Bởi chưa xứng, chưa ứng với nội dung và bề dày thời gian của lời cảnh báo Thập nhân khứ nhất nhân hoàn. Sẽ như thế nào nếu các nhà chức việc ngành văn hóa nghĩ thoáng và bạo hơn chút, cho bạt một khoảng đá núi Chi Lăng khắc lời cảnh cáo thập nhân khứ... Lại một khoảng đá khác thoáng hơn, chĩnh chiện bài thơ chữ Hán Quỷ môn đạo trung của Nguyễn Du (theo lối chân hay thảo thì tùy?) Và nữa, chả thể thiếu câu thơ của tể tướng Phạm Sư Mạnh. Tất thảy bằng hai kiểu chữ Hán Việt với cỡ chữ to, viền hoặc điểm xuyết chút sơn đỏ. Từ tầm vài trăm mét du khách vẫn nhìn rõ. 

Chỉ mạo muội bấy nhiêu thôi, nghĩ việc ấy cùng thứ chứ tượng hình kiêm thư pháp Việt sẽ mang lại bao hiệu ứng với những sắc thái thẩm mỹ mới, cùng thông điệp này khác cho khu Di tích Chi Lăng!

Bạt đá đề thơ tiền nhân, tại sao không?   
   

(Còn nữa)

Sẽ như thế nào nếu các nhà chức việc ngành văn hóa nghĩ thoáng và bạo hơn chút, cho bạt một khoảng đá núi Chi Lăng khắc lời cảnh cáo thập nhân khứ... Lại một khoảng đá khác thoáng hơn,  chĩnh chiện bài thơ chữ Hán Quỷ môn đạo trung của Nguyễn Du (theo lối chân hay thảo thì tùy?)

MỚI - NÓNG