Bộ Tài chính cho hay, tới ngày 24/11, tổng nhu cầu sử dụng ngân sách hỗ trợ người dân gặp khó khăn do dịch COVID-19 theo Nghị quyết 68 của Chính phủ (gói 26.000 tỷ đồng) khoảng 17.276 tỷ đồng, để hỗ trợ trên 11,7 triệu đối tượng. Trong đó, kinh phí do ngân sách địa phương bố trí khoảng 9.448 tỷ đồng, ngân sách trung ương hỗ trợ khoảng 3.582 tỷ đồng. Đến hết ngày 30/11, các địa phương đã rút 10.872 tỷ đồng từ kho bạc nhà nước để hỗ trợ người dân và doanh nghiệp.
Trong đó, chi hỗ trợ 774.700 người lao động tạm hoãn hợp đồng, nghỉ việc không lương, ngừng việc và chấm dứt hợp đồng; hỗ trợ hơn 240.100 người mang thai, nuôi con nhỏ, trẻ em trong vùng dịch; hỗ trợ 961.600 người cách ly, điều trị COVID-19; hỗ trợ hơn 11.000 người hoạt động nghệ thuật, hướng dẫn viên du lịch; gần 168.900 hộ kinh doanh phải đóng cửa do trong vùng dịch.
Với nhóm lao động tự do, tới nay đã xác định hỗ trợ trên 7,6 triệu người, với tổng số tiền trên 7.882 tỷ đồng.
Còn theo thống kê của Bộ LĐ-TB&XH về triển khai hỗ trợ theo Nghị quyết 68, tới giữa tháng 10/2021 là gần 21.000 tỷ đồng, để hỗ trợ hơn 24,4 triệu lượt đối tượng. Trong đó có 379.830 lượt đơn vị sử dụng lao động, trên 23 triệu lượt lao động và các đối tượng khác.
Trong đó, riêng 23 tỉnh thành phía Nam chiếm hơn 80% tổng số tiền hỗ trợ trên toàn quốc, và chiếm 68,8% tổng số đối tượng hỗ trợ, nhiều nhất là TPHCM, tiếp đến là Bình Dương, Hà Nội, Đồng Nai, Bà Rịa – Vũng Tàu…
Các địa phương khu vực miền núi phía Bắc có tổng kinh phí chi hỗ trợ thấp như Lai Châu, Hà Giang, Cao Bằng, Bắc Kạn, Đắk Nông, Điện Biên…
Trong đó, nhóm chính sách hỗ trợ bằng tiền đã chi gần 15.120 tỷ đồng, để hỗ trợ gần 11,3 triệu đối tượng.
Ngân hàng Chính sách xã hội đã giải quyết cho vay vốn trả lương ngừng việc và trả lương phục hồi sản xuất với hơn 1.000 đơn vị, tổng kinh phí cho vay 572 tỷ đồng (chỉ bằng 7% kinh phí dự kiến chính sách).
Với nhóm chính sách về bảo hiểm, với 3 chính sách theo Nghị quyết 68, tới nay, Bảo hiểm Xã hội Việt Nam đã xong giảm đóng bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, với tổng số tiền giảm khoảng 4.322 tỷ đồng; đã giải quyết tạm dừng đóng bảo hiểm cho 832 đơn vị, với số tiền hơn 1.104 tỷ đồng.
Với chính sách hỗ trợ bằng tiền từ Quỹ bảo hiểm thất nghiệp (theo Nghị quyết 116, gói 38.000 tỷ đồng), tới nay Bảo hiểm Xã hội Việt Nam đã giảm đóng về 0% vào Quỹ bảo hiểm thất nghiệp với 363.300 đơn vị, số tiền tạm tính giảm khoảng 7.594 tỷ đồng.
Tới hết ngày 6/12, đã có trên 12,4 triệu lao động được nhận hỗ trợ bằng tiền từ Quỹ bảo hiểm thất nghiệp, với tổng số tiền trên 29.400 nghìn tỷ đồng.
Thủ tướng đã ban hành các quyết định xuất cấp tổng cộng 137.090 tấn gạo hỗ trợ 31 tỉnh thành có người dân thiếu đói do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19.