> Mèo của Nguyễn Nhật Ánh lên phim 3D
> Nguyễn Nhật Ánh đem mèo ra Hà Nội
40 năm ngày trở về
Năm 2004, trong một bữa cơm ở Sài Gòn, dịch giả Kato Sakae bất ngờ đề nghị một chuyến đi ra xứ Quảng để ngắm đồi sim. Thời điểm đó, bà đang dịch truyện dài Mắt biếc của nhà văn Nguyễn Nhật Ánh sang tiếng Nhật.
Trước đấy Kato Sakae đã dịch một loạt tác phẩm của các nhà văn Việt Nam: Ma Văn Kháng, Nguyễn Trí Huân, Nguyễn Huy Thiệp, Hồ Anh Thái, Nguyễn Thị Thu Huệ… Mắt biếc, thăm thẳm một mối tình học trò đẹp và buồn ở một phố huyện đìu hiu tiếp giáp với đồi sim.
Câu chuyện đầy mỹ cảm của nhà văn Nguyễn Nhật Ánh đã cuốn hút người dịch bằng một loài hoa. Chuyến “trở lại ngày xưa” giữa dịch giả và nhà văn sau đó không thực hiện được cho tới bây giờ... đầu xuân năm nay
Nguyễn Nhật Ánh, nhà văn best-seller của Việt Nam trải qua tuổi học trò ở thị trấn Hà Lam, một phố huyện nằm ven đường quốc lộ. Thời đại viễn mộng của những cậu học trò xứ Quảng để lại nhiều tác phẩm lãng mạn, buồn da diết. Đinh Trầm Ca, Vũ Đức Sao Biển bày tỏ mối u tình với một thiếu nữ Hà Lam qua những nhạc phẩm Ru con tình cũ và Thu hát cho người.
Nguyễn Nhật Ánh lúc đó còn đang học đệ nhị cấp, mở bút nhóm Mặt Trời Khuya với Huỳnh Văn Hoa, Nguyễn Tấn Lê, Phan Văn Minh… làm thơ, viết văn về những mối tình không tưởng.
Mô-típ tan học về “tình yêu” đạp xe đi trước, “người yêu” lẽo đẽo theo sau, vơ vẩn vẩn vơ ghé lại rừng sim đi tìm trái chín trong thực tế giờ không còn nữa.
Thời đại đã khác và con người cũng khác nên tất cả chỉ còn trong hoài niệm như câu hát “về đồi sim ta nhớ người vô bờ” của Vũ Đức Sao Biển. Lớn lên rồi ra đi, mỗi người một ngả, làng quê ở lại sau lưng mù mịt.
Một người bạn học và một bụi sim
Đúng bốn mươi năm sau, đầu xuân Quý Ty ngày rộng tháng dài, một nhóm bạn thuộc tầng lớp viễn mơ của thời đại viễn mộng mới có dịp gặp nhau tại quê xứ.
Anh Bảy Què – người bạn tàn tật ngồi chung bàn năm xưa với nhà văn Nguyễn Nhật Ánh. |
Kẻ ở lại quê, người vô Sài Gòn, người ở Tam Kỳ, Đà Nẵng… Nguyễn Nhật Ánh trở thành nhà văn, Huỳnh Văn Hoa, Nguyễn Tấn Lê nhà giáo, Phan Văn Minh nhạc sĩ Cả nhà thương nhau, thiếu Nguyễn Công Khế nhà báo nữa thì đủ bộ lệ. Hà Lam hiu hắt giờ đây trở thành phố thị, Hà Kiều cổ kính có thêm cây cầu mới bắc qua.
Bạn học cũ có đứa bị bắt lính chết trong ngày sơ tán, có người ra Huế tham gia phong trào sinh viên bị tù đày rồi bệnh tật chết. Chỉ có duy nhất một bạn học còn bám trụ ở quê hương đó là anh Bảy Què, người ngồi chung bàn học với Nguyễn Nhật Ánh. Người bạn tàn tật ngồi trên chiếc xe lăn bật khóc không ngờ khi gặp bạn cũ. Căn nhà cũ kỹ của Bảy Què nằm bên đồng lúa, trên đường đi tới Hà Lam Trong.
Hà Lam Trong – một địa danh đã thuộc về quá khứ. Người Quảng Nam hiện nay cũng sẽ lắc đầu khi ai hỏi Hà Lam Trong. Nó nằm cách thị trấn Hà Lam chỉ bốn cây số, nơi đó có rừng sim đã đi vào văn thơ nhạc họa của những người nghệ sĩ xứ Quảng.
Buổi trưa nắng gắt, nhóm bạn học và Nguyễn Nhật Ánh leo lên xe máy chạy vô rừng sim. Cứ đi một quãng ngắn thì đứng lại “chỗ ni hồi trước tau với mi đạp xe đi chơi”, “chỗ ni ngày xưa mấy đứa rủ chặn đường bắn nhau bằng ống thụt”… Cuối cùng thì cũng tới rừng sim.
Một khoảng đồi rộng thoai thoải chung quanh trồng keo lá tràm hắt nắng lên hừng hực. Một khoảng trống bao la bạt ngàn bia mộ. Nơi đó đã thành nghĩa trang. May mắn lắm, cuối cùng cũng tìm được một bụi sim duy nhất còn sót lại. Cả nhóm bạn học ngày xưa im lặng đứng cạnh bụi sim chụp một kiểu hình rồi ra về.
Trên đường, Nguyễn Nhật Ánh hỏi bâng quơ: “Mùa hè chắc ở đó cũng không còn tiếng ve nữa hỉ?”.
“Rừng sim nằm ở ven làng, cách giếng Cây Duối non bốn cây số. Bao giờ về ngang rừng sim, ba tôi cũng dừng lại, để xe bên vệ đường và dắt tôi và Hà Lan vào rừng hái sim. Rừng mênh mông, hoa sim và hoa mua nở tím khắp nơi. Trên những lối mòn nhấp nhô và đầy sỏi, ba tôi đi trước, tôi và Hà Lan đi sau, chúng tôi vừa dọ dẫm bước vừa dáo dác nghiêng ngó khắp các lùm cây để tìm những trái sim tím thẫm, căng mọng giấu mình sau những chiếc lá” - (Trích truyện dài Mắt biếc – Nguyễn Nhật Ánh). |