Ngày 31/5, ông Trần Ngọc Tuấn - Giám đốc Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh Kon Tum (viết tắt BQL NNPTNT, chủ đầu tư) cho biết, đang chỉ đạo khắc phục các hư hỏng tại dự án Kè chống sạt lở bờ sông Pô Cô.
Dự án này có chiều dài hơn 1,9km, tổng mức đầu tư hơn 93 tỷ đồng, nguồn vốn từ ngân sách Trung ương (vốn hỗ trợ chống sạt lở đê, phòng chống lụt bão cấp bách).
Các tấm đan bờ kè tại dự án 93 tỷ đồng bị hư hỏng, sạt lở |
Dự án triển khai từ 2009 (đoạn đi qua thị trấn Đăk Glei, huyện Đăk Glei), đến năm 2013 thì tạm ngừng vì nguồn vốn bố trí gặp khó khăn. 6 năm sau, công trình tiếp tục được bổ sung thêm nhiều tỷ đồng để đầu tư các hạng mục cần thiết còn lại nhằm phát huy hiệu quả và đưa vào bàn giao, sử dụng.
Tại dự án này, theo ghi nhận, một đoạn kè dài khoảng 60m bị sạt lở phần mái, các tấm gạch lót bị đổ sập. Ở phần mái bị hỏng, nhiều tấm đan mất kết dính, nằm rời rạc; một số điểm nền đất rất yếu, bên trong toàn cát. Nhiều tấm gạch bằng bê tông bị sập tập kết thành bãi. Bờ kè hư hỏng, các tấm đan bị trôi sạt xuống.
Ông Trần Ngọc Tuấn - Giám đốc BQL NNPTNT tỉnh Kon Tum, cho biết: Mấy ngày nay, công nhân đang tháo các tấm đan bị hư hỏng để khắc phục, làm lại. Vào tháng 10/2022, có trận lũ lớn, nước từ trên cao chảy xuống, gây xói lở một vài điểm rồi khoét sâu ra, gây hư hỏng.
Gói thầu hư hỏng do liên danh Công ty TNHH Tuấn Dũng - Công ty Cổ phần Tân Hưng - Công ty TNHH MTV Tấn Vĩ (Kon Tum) thi công.
“Nhà thầu cứ nghĩ, nguyên nhân bão lũ là xin vốn bão lũ để làm nên họ không sửa. Khi UBND tỉnh trả lời, công trình chưa bàn giao không được lấy vốn Nhà nước để khắc phục nên nhà thầu phải tự bỏ vốn ra để sửa, khắc phục”, ông Tuấn nói.
Theo Giám đốc BQL NNPTNT tỉnh Kon Tum, công trình này hoàn thành vào năm 2021, đã nghiệm thu. Đầu năm 2022, BQL NNPTNT có tờ trình xin bàn giao dự án nhưng UBND tỉnh Kon Tum chưa phân cho đơn vị nào quản lý, do vậy công trình chưa bàn giao được.
“Công trình này đã nghiệm thu rồi nhưng chưa thể bàn giao. Lý do, các công trình về hạ tầng thủy lợi trên địa bàn, UBND tỉnh phải có quyết định giao cho một đơn vị nào đó quản lý. Công trình lớn giao cho Ban quản lý - Khai thác các công trình thuỷ lợi tỉnh Kon Tum, còn công trình nhỏ giao cho UBND huyện khai thác, quản lý. Đây là công trình kè, không phải công trình thủy lợi, cho nên đến bây giờ vẫn chưa biết phân cho ai quản lý”, ông Tuấn trao đổi.