Chi 23 tỷ đồng Hà Nội được gì?

Chi 23 tỷ đồng Hà Nội được gì?
TP - Hơn 23 tỷ đồng được đầu tư để tổ chức phân làn trên một số tuyến phố nhưng tình hình giao thông trên những tuyến phố được phân làn lại không như mong đợi. Dư luận đặt câu hỏi: Sau một năm phân làn Hà Nội được gì?

> Hà Nội sắp phân làn thêm hai tuyến phố

Liệu có đánh trống bỏ dùi

Với mục tiêu nhằm giảm TNGT, tăng khả năng thông xe, giảm ùn tắc, xung đột giữa các dòng phương tiện và tạo ý thức cho người dân, bắt đầu từ tháng 9-2011 Hà Nội rầm rộ thực hiện phân làn tách dòng phương tiện trên 5 tuyến phố là Bà Triệu, Phố Huế - Hàng Bài, Trần Khát Chân - Đại Cồ Việt, Xã Đàn, Giải Phóng.

Cùng với đó lên kế hoạch khảo sát, xây dựng phương án phân làn trên 8 tuyến phố tiếp theo là Kim Mã, Nguyễn Trãi - Trần Phú (Hà Đông); Yên Phụ - Trần Quang Khải – Trần Nhật Duật; Trần Duy Hưng - Nguyễn Chí Thanh - Liễu Giai; Lê Văn Lương; Nguyễn Văn Linh; Bắc Thăng Long - Nội Bài; Hoàng Quốc Việt.

Tổng kinh phí thực hiện cho việc này là 23,84 tỷ đồng; trong đó chi trực tiếp cho việc phân làn tách dòng phương tiện trên 5 tuyến phố đã thực hiện: Bà Triệu, Phố Huế - Hàng Bài, Giải Phóng... là 4,6 tỷ đồng.

Đến nay một năm trôi qua, khảo sát trên các tuyến phố phân làn, PV Tiền Phong ghi nhận, không những trật tự giao thông không được thiết lập mà bộ mặt phố phường trên những tuyến phố này còn trở nên nhếch nhác hơn.

Cụ thể, với 5 tuyến phố phân làn gồm Bà Triệu, Phố Huế - Hàng Bài, Trần Khát Chân - Đại Cồ Việt, Xã Đàn, Giải Phóng giao thông vẫn thường xuyên ùn tắc, lòng đường ngổn ngang cột biển báo, hàng rào bê tông bị húc đổ trên đường.

Trên đường Giải Phóng (đoạn từ nút giao thông Kim Liên đến bến xe Nước Ngầm) có hơn 10 cột biển báo tách dòng phương tiện (xe máy, ô tô) được dựng lên, sau mỗi cột biển báo thay vì vạch sơn theo quy định, Sở GTVT đã cho lát các phiến bê tông kèm theo tấm sắt mũi tên để làm dải phân cách chia làn đường.

“Sau một thời gian, các cột biển báo cũng như tấm sắt có mũi tên bị phương tiện húc gãy, nằm ngổn ngang. Đây là nguyên nhân gây ra các vụ tai nạn liên tiếp vào ban đêm thời gian qua trên đường Giải Phóng”, anh Nguyễn Trọng Ánh, một người dân sống trên đường Giải Phóng nói.

Cũng với lý do chống bị húc gãy, trên 4 tuyến phố phân làn còn lại là Bà Triệu, Phố Huế - Hàng Bài, Trần Khát Chân - Đại Cồ Việt, Xã Đàn dải phân cách ở đây cũng được làm bằng các phiến bê tông kiên cố.

Đại diện Thanh tra Sở GTVT lý giải, làm như vậy vừa bảo vệ được dải phân cách, vừa cưỡng bức các phương tiện phải đi theo làn.

Tuy nhiên, trên những tuyến phố phân làn vừa qua, giao thông vẫn lộn xộn, xe máy vẫn đi vào làn ô tô và ngược lại. “Trên các tuyến Bà Triệu, Phố Huế... phương tiện cứ thấy khoảng trống là lao vào, bất kể biển báo quy định cho loại phương tiện nào”, một tổ trưởng dân phố ở phường Ngô Thì Nhậm, quận Hai Bà Trưng cho biết.

Thất bại?

Theo tìm hiểu của PV, trong số hơn 23 tỷ đồng chi cho phân làn trên 5 tuyến phố và lên kế hoạch thực hiện 8 tuyến phố tiếp theo thì lực lượng CSGT và TTGT được trích 8 tỷ (CSGT 3 tỷ, TTGT 5 tỷ) để làm nhiệm vụ trên đường.

Ông Nguyễn Xuân Tân, Phó giám đốc Sở GTVT Hà Nội cho biết, tại 5 tuyến phố phân làn lực lượng làm nhiệm vụ luôn bố trí 56 vị trí chốt trực để phân làn tách dòng phương tiện. Thời gian làm nhiệm vụ của lực lượng này là từ 6 đến 20h hằng ngày.

Tuy nhiên giờ cao điểm sáng qua, trên cả 5 tuyến đều vắng bóng lực lượng làm nhiệm vụ. Riêng trên đường Giải Phóng, đoạn trước bến xe Giáp Bát có một chốt CSGT, nhưng họ chỉ xử lý xe khách vi phạm.

Với một số tuyến phố đã có kế hoạch phân làn như Nguyễn Trãi - Trần Phú (Hà Đông), Kim Mã, Trần Duy Hưng - Nguyễn Chí Thanh... sau khi biển báo, vạch kẻ sơn phân làn tách dòng phương tiện được thực hiện từ cuối năm 2011 nhưng nay vẫn để đấy, người tham gia giao thông chưa thấy dấu hiệu phân làn tại đây.

Trao đổi với PV Tiền Phong, ông Nguyễn Mạnh Cường, Phó chánh Thanh tra Sở GTVT Hà Nội cho biết, việc phân làn, tách dòng trên 8 tuyến phố tiếp theo Sở GTVT đã có phương án nhưng phải chờ chỉ đạo tiếp theo của UBND TP Hà Nội. Việc vắng lực lượng làm nhiệm vụ trên các tuyến phố phân làn, theo ông Cường “không phải lúc nào cũng căng ra đường mà chỉ làm vào các giờ cao điểm”.

Do trật tự giao thông trên 5 tuyến phố phân làn vẫn chưa được thiết lập và kế hoạch phân làn 8 tuyến phố vẫn chưa triển khai nên dư luận và nhiều chuyên gia cho rằng kế hoạch phân làn tách dòng phương tiện của Hà Nội đã thất bại, nhất là các mục tiêu đặt ra như giảm ùn tắc, TNGT và tạo ý thức đi lại của người dân chưa đạt được.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG
Vụ xe cẩu cắm đầu xuống mương tránh ô tô 16 chỗ vượt ẩu: Giây phút quyết định sự sống còn của lái xe
Vụ xe cẩu cắm đầu xuống mương tránh ô tô 16 chỗ vượt ẩu: Giây phút quyết định sự sống còn của lái xe
TPO - "Sau khi nghe tiếng nổ, chạy ra và thấy người lái xe bị mắc kẹt trong ca bin ô tô gặp nạn đang giơ tay lên như kêu cứu, tôi liền hô hào người dân xung quanh đến cậy cửa giải cứu tái xế,... rất may nạn nhân còn sống”, chị Hà Thị Chiên – nhân chứng vụ tai nạn kể lại.