Chép tranh cũng không sao!

Đào Hải Phong tại triển lãm “Cân bằng”. Ảnh: N.M.Hà
Đào Hải Phong tại triển lãm “Cân bằng”. Ảnh: N.M.Hà
TP - Đào Hải Phong - một trong những họa sĩ có tiếng là tranh “được chép” nhiều nhất- có nhiều điều để nói sau triển lãm cùng nhà nhiếp ảnh Ngọc Thái. Trở lại với công chúng trong nước sau 10 năm chinh chiến ngoài nước, 15 bức tranh của Đào Hải Phong do họa sĩ Lê Thiết Cương chọn lựa trong bộ sưu tập riêng do tác giả chọn lọc và giữ lại trong gần 20 năm làm nghề.

> Tin vắn Văn hóa ngày 9-9

Đào Hải Phong tại triển lãm “Cân bằng”. Ảnh: N.M.Hà
Đào Hải Phong tại triển lãm “Cân bằng”. Ảnh: N.M.Hà .
 

Anh có nghĩ dân chép tranh sẽ kéo nhau đi xem triển lãm của anh để lấy cảm hứng?

Tôi còn tặng sách những người chép tranh tôi cơ mà. Có bạn trẻ bảo: “Cháu chép tranh của chú 5 năm nay nuôi em cháu đi học”. “Không sao, đừng có lừa đấy là tranh của tôi là được”. Với một đất nước có văn hóa, có chế tài, thì người chép tranh phải xin phép. Không ai khuyến khích chép tranh, nhưng có chép cũng không sao, vì những nơi công cộng không thể mua tranh gốc để treo.

Không ai mở hàng cơm mà lại treo tranh của Picasso. Chỉ có điều làm tôi chạnh lòng là cách đón nhận những sản phẩm này. Có người nói: “Tranh của anh treo ở phòng khách nhà em”. Tôi hỏi mua ở đâu lại bảo mua ở Nguyễn Thái Học (phố chuyên bán tranh chép ở Hà Nội- PV).

Thì đấy không phải tranh của tôi mà là một sự vớ vẩn. Nhưng nếu treo ở hàng bia thì cũng chả sao. Có khác gì việc có những chỗ mình không muốn đi, nhờ thằng em đi. Tôi cũng khuyên những người thích treo tranh của tôi nơi công cộng hãy chơi phiên bản: Vừa là của tôi nhưng không phạm luật bản quyền.

Công chúng đón nhận triển lãm “Cân bằng” khá tích cực. Anh có cho rằng đó là tín hiệu tốt từ thị trường trong nước?

Khá nhiều bạn bè hỏi mua tranh tôi dù tôi xác định không bán. Có thể họ hỏi mua vì thích thật, cũng có thể họ muốn úy lạo mình. Vì đối với họ một cái tranh dù đắt đến mấy cũng không bằng cái túi họ mua cho vợ. Tôi không bàn điều đó.

Tôi chỉ muốn hãy nhìn mỹ thuật Việt Nam như một thứ sang trọng. Tôi muốn thế hệ đàn em không vất vả bươn chải như tôi, muốn các doanh nhân hãy nhìn đến những họa sĩ trẻ yêu nghệ thuật. Tại sao doanh nhân nước mình lại không mua tranh của mình?

Tôi đến một số căn hộ rất sang trọng mà chủ nhà sang những tỉnh lẻ của Trung Quốc mua những thứ rởm rít về với số tiền lên cả đến 5-7 chục nghìn đô la. Tôi toát mồ hôi luôn. Giường tủ kiểu Ý, những con thiên nga, bình bằng pha lê đời Louis thứ bao nhiêu… Toàn đồ rởm ở Quảng Châu. Chả có cái tranh nào, và đi thuê thợ vẽ tháp Eiffel bằng băng dính lên tường.

Tôi cực kỳ tiếc tiền của họ, đau xót cho họ và buồn cho những thế hệ làm mỹ thuật như chúng tôi. Tại sao chúng tôi cứ phải mang tranh ra nước ngoài để bán. Người nông dân Việt Nam của ngon vật lạ cứ phải mang ra nước ngoài còn nhà chỉ ăn quả rụng quả héo.

Con người văn minh không khoe tiền bạc, mà khoe giá trị tinh thần. Người ta khoe có tranh Picasso đương nhiên bạn phải hiểu người ta là tỷ phú rồi. Coi vật chất, phương tiện là giá trị, cứu cánh là sai lầm hoàn toàn. Mọi giá trị phải trở về vị trí của nó. Một đôi giày giá có 1 triệu đô thì cũng chỉ để đi ở chân.

Hy vọng sau lần này anh có cảm hứng hơn để triển lãm trong nước?

Cảm hứng chắc chắn có. Qua triển lãm này thấy công chúng không thờ ơ với mỹ thuật. Nhưng đương nhiên làm triển lãm cho công chúng trong nước, sẽ khó hơn. Phải làm những gì họ thấy có sự chuyển động.

Ở nước ngoài mỗi năm triển lãm một nơi nên có thể cũng số tranh đó bày ở các nước khác nhau, nhưng Hà Nội như nhà của mình, ngần ấy con người. Vẫn phong cách đó mà người ta vẫn thích thì anh thành công.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG