Dấu hiệu trốn thuế
Mới đây, Tiền Phong có loạt bài phản ánh việc các doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ chèo đò tay, thuyền kayak, xuồng cao tốc trên vịnh Hạ Long nhưng không đủ hồ sơ pháp lý để hoạt động. Các doanh nghiệp “mạnh ai nấy làm” gây ảnh hưởng môi trường kinh doanh cũng như hình ảnh di sản thiên nhiên thế giới vịnh Hạ Long nhiều năm nay.
Mặc dù theo quy định của UBND tỉnh Quảng Ninh, để đồng bộ việc bán vé tham quan vịnh, du khách chỉ 1 lần mua vé tại bến cảng. Tiền vé đã bao gồm phí qua cảng và phí tham quan theo các tuyến điểm đã niêm yết giá công khai. Nhưng từ khi các dịch vụ kèm theo như đò chèo tay, thuyền kayak, xuồng cao tốc được các doanh nghiệp tự ý mở ra, du khách thăm vịnh phải mất thêm một lần tiền.
Điều đáng nói, lâu nay các doanh nghiệp này hoạt động chỉ dựa trên sự đồng ý của BQL vịnh Hạ Long. Các thủ tục pháp lý liên quan gần như bị bỏ ngõ. Ngay cả các cảng bến để thuyền cập vào cho du khách xuống sử dụng dịch vụ cũng không được cấp phép. BQL vịnh Hạ Long chỉ ký hợp đồng thuê mặt nước để các doanh nghiệp hoạt động. Trong hợp đồng này cũng không ghi giá tiền mà doanh nghiệp phải trả là bao nhiêu.
Ngày 8/5, Tiền Phong có buổi làm việc với đại diện Chi cục Thuế thành phố Hạ Long để làm rõ việc các doanh nghiệp hoạt động trên vịnh Hạ Long mỗi năm phải nộp bao nhiêu tiền thuế so với thu nhập “khủng” từ việc kinh doanh các hoạt động dịch vụ không phép nhiều năm qua.
“Vịnh Hạ Long có rất nhiều doanh nghiệp, cá nhân hoạt động kinh doanh dịch vụ du lịch. Lâu nay họ vẫn tự khai thuế và nộp thuế theo danh mục đã kê khai. Nhưng vừa qua chúng tôi đã phối hợp với UBND thành phố kiểm tra, ra soát lại thì hầu như các doanh nghiệp này đều khai không đủ các danh mục kinh doanh” – Vị đại diện Chi cục Thuế Hạ Long nói.
Trên vịnh có 2 hợp tác xã và 2 doanh nghiệp có hoạt động dịch vụ du lịch chèo đò tay, thuyền kayak, xuồng cao tốc. Trong đó cả 4 đơn vị này đều bị bắt buộc kê khai lại các danh mục phải nộp thuế. Mặc dù hoạt động từ nhiều năm trước nhưng việc kê khai, nộp thuế đới với các đơn vị này đến nay đều do tự giác, muốn nộp bao nhiêu thì kê khai bấy nhiêu.
“Sau khi chúng tôi kiểm tra và đều nghị kê khai bổ sung thuế vào đầu năm nay, chỉ riêng cty TNHH MTV Nam Tùng đã phải nộp thêm hơn 2 tỷ tiền thuế trong quý 1 của năm 2019 này” – Vị đại diện Chi cục Thuế thông tin.
Khi được hỏi cụa thể về số tiền thuế mà Cty Nam Tùng đã nộp trước đó hàng năm là bao nhiêu thì vị đại diện Chi cục Thuế Hạ Long xin phép không thông tin vì luật mới quy định không cung cấp thông tin của doanh nghiệp. Nhưng theo vị này, số tiền thuế trước đây không đáng bao nhiêu so với thu nhập thực tế của Cty này.
Với thu nhập hàng chục tỷ, thậm chí lên đến cả trăm tỷ mỗi năm nhờ các dịch vụ du lịch trên vịnh nhưng Cty TNHH MTV Nam Tùng đã cố tình “lận lưng” tiền thuế nhiều năm nay. Chưa kể đến việc Cty này có thể “lách luật” để nhận khách từ các tour mà không cần phải xuất vé.
Trao đổi với ông Nguyễn Xuân Huy, Giám đốc Công ty CP du lịch Việt Á – Victoria (Cty cũng hoạt động dịch vụ xuồng cao tốc trên vịnh) về tiền thuế mà Cty này phải nộp mỗi năm chỉ hơn 100 triệu. Số liệu và các thủ tục về thuế Cty này đều thuê lại một đơn vị khác đảm nhiệm.
Với chức năng quản lý, giám sát nhưng BQL vịnh Hạ Long, UBND TP Hạ Long, Chi cục Thuế lại để thất thoát tiền thuế và tạo cơ hội cho doanh nghiệp biển thủ tiền thuế. “Mặc dù đã được thông báo về việc kê khai bổ sung thuế nhưng cho đến nay chỉ mới có Cty TNHH MTV Nam Tùng thực hiện từ đầu năm 2019, còn các đơn vị khác đến nay vẫn chưa thực hiện kê khai bổ sung” – Vị đại diện Chi cục Thuế Hạ Long nói.
Theo nguồn tin riêng của Tiền Phong, trước sự nhốn nháo của các doanh nghiệp hoạt động kinh doanh du lịch trên vịnh Hạ Long. Mới đây, UBND TP. Hạ Long đã có quyết định cho đấu thầu 8 điểm có hoạt động du lịch trên vịnh. Riêng vị trí Hang Luồn do Cty TNHH Nam Tùng đang khai thác sẽ có giá đấu thầu khởi điểm là 25 tỷ mỗi năm. Nhưng đến nay, các thủ tục để tiến hành đấu thầu vẫn chưa hoàn thiện vì phải chờ quyết định một số ban ngành có liên quan.