Ché cổ - Rượu ngon và truyền thuyết rượu cần

0:00 / 0:00
0:00
 Già làng và bà con uống rượu cần trong lễ kết nghĩa anh em của dân tộc Ê Đê
Già làng và bà con uống rượu cần trong lễ kết nghĩa anh em của dân tộc Ê Đê
TP - Theo quan niệm của người Tây Nguyên, ché có vị thần trú ngụ nên gia chủ phải làm lễ cúng rước thần linh, nhập “hồn” cho ché mới được đưa vào nhà. Khi uống rượu, họ buộc ché vào cây nêu để tránh bị vỡ. Ché càng cổ rượu càng ngon.
Ché cổ - Rượu ngon và truyền thuyết rượu cần ảnh 1

Hoa văn trên ché của mỗi dân tộc khác nhau

Người Êđê có 2 câu thơ được lưu truyền từ xưa đến nay “Có rượu cần mới biết được việc. Có thuốc lá mới hỏi được câu”, muốn nói rượu cần là rượu quý và linh thiêng. Trong lễ cúng để Giàng (thần linh) chứng giám và lời cầu nguyện được linh nghiệm phải có rượu cần. Không có rượu cần các lễ tục sẽ không tiến hành được. Uống rượu cần là một nét văn hóa đặc sắc riêng của người đồng bào dân tộc Tây Nguyên”, già làng Y Lang Ayun (xã Ea Kuêh, huyện Cư M’gar, Đắk Lắk) cho biết.

Theo truyền thuyết, từ thuở xa xưa khi con người chưa có kinh nghiệm làm ăn, cuộc sống còn đói khổ, thương tình, Giàng phái một vị thần xuống trần giúp họ cách trồng trọt. Khi cuộc sống no đủ, không còn cảnh chạy ăn từng bữa, thần cùng trai tráng trong làng lên rừng tìm củ gừng dại về giã mịn trộn với bột gạo ngâm, nặn thành từng viên nhỏ phơi khô để làm men. Thần dạy thiếu nữ, A Mí (chị) cách lấy men trộn với cơm nếp hoặc gạo, mì, bắp, bo bo, kê... ủ khoảng 4-5 ngày sau đó đổ vào ché, bịt miệng kín chôn xuống đất khoảng 100 ngày sẽ thành rượu cần ngon.

“Men rượu cần tuy nhẹ nhưng tạo cảm giác say ngà ngà, lâng lâng, vì vậy ai đến Tây Nguyên và một lần được nếm rượu cần thì không thể quên hương vị. Theo quan niệm của đồng bào, rượu cần là thức uống của Giàng. Ngoài giá trị vật chất còn mang giá trị văn hóa, giao tiếp tinh thần sâu sắc. Hầu hết trong mỗi gia đình đều có ché rượu để trong góc nhà. Khi cưới hỏi, tự nấu rượu cần cho con cái làm của hồi môn”, Già Ma Quyết (55 tuổi,) xã Hòa Sơn, huyện Krông Bông, Đắk Lắk chia sẻ.

Ché cổ …rượu ngon

Đến với các buôn làng Tây Nguyên, mỗi góc nhà đều có những chiếc ché được xếp thành hàng theo thứ tự lớn, nhỏ.

Rượu cần hiện nay được xem là một trong những thức uống “đặc sản” của du lịch Tây Nguyên. Rượu cần ở mỗi gia đình có một mùi vị đặc trưng riêng.Vào dịp lễ hội, đồng bào bày ché rượu cần theo thứ tự từng vị: ngọt, chua, đắng, nhạt.

Theo ông Ma Quyết, quan niệm của người Tây Nguyên, ché có vị thần trú ngụ nên gia chủ phải làm lễ cúng rước thần linh, nhập “hồn” cho ché mới được đưa vào nhà. Khi uống rượu, họ buộc ché vào cây nêu để tránh bị vỡ. Theo kinh nghiệm của những người già, ché càng cổ rượu càng ngon vì ruột những chiếc ché cổ không tráng men, dễ dàng để cho men rượu bám và lên men. Giá trị của ché dựa vào màu sắc men và số tai trên thân ché.

Ngày nay, ché vẫn chiếm vị trí quan trọng trong từng gia đình và cộng đồng của các tộc người Tây Nguyên. Bất cứ lễ hội nào của họ đều phải có ché rượu cần…

MỚI - NÓNG