Thu hoạch chè. Ảnh: Ngọc Hà. |
Phong trào làm chè bẩn ở một số tỉnh phía Bắc ảnh hưởng như thế nào đến thương hiệu Chè Việt Nam đã được dày công xây dựng trong hơn nửa thế kỉ qua?
Cả một chặng đường dài, những người làm chè Việt Nam đã cố gắng để sản xuất chè chất lượng cao hơn: ngon hơn và an toàn hơn. Chúng ta đã tổ chức rất nhiều các cuộc thi chất lượng chè,bỏ rất nhiều tiền tổ chức các festival chè…Chúng ta đang sống trong một thế giới văn minh, các yêu cầu rất cao về vệ sinh an toàn thực phẩm.
Bộ NN&PTNT cùng Hiệp hội chè (HHC) đã và đang không ngừng khuyến cáo nông dân và các nhà chế biến áp dụng các quy chuẩn chất lượng như VietGap, Global Gap, ISO, HACCP, UTZ… nhưng chỉ cần để phong trào sản xuất chè bẩn phát triển, chúng ta hoàn toàn có thể đánh mất tên tuổi của mình trên thị trường quốc tế.
Với việc làm chè bẩn, người dân trồng chè chạy theo lợi nhuận trước mắt mà vô tình quay lưng lại các nhà máy chè từng bao tiêu sản phẩm của họ. Hiệp hội Chè Việt Nam cần làm gì để họ trở lại với các nhà máy?
Tôi cho rằng, nông dân cũng phải chịu điều chỉnh bởi Luật An toàn thực phẩm, phải có trách nhiệm với người tiêu dùng (bất chấp trong hay ngoài nước), không thể nói: do tôi nghèo nên tôi có quyền kiếm tiền bằng mọi cách. Thay vào việc chế biến chè bẩn thì người nông dân cần đầu tư thâm canh tăng năng suất vườn chè, trồng những loại chè có chất lượng cao hơn,thu hái đúng quy cách… như vậy đời sống của nông dân làm chè mới được cải thiện.
Chỉ cần để phong trào sản xuất chè bẩn phát triển, chúng ta hoàn toàn có thể đánh mất tên tuổi của mình trên thị trường quốc tế. |
Chúng tôi khẳng định là giá búp tươi hiện nay các nhà máy mua của nông dân khoảng 4.000 đồng/kg với quy cách hái dài như hiện nay thì so với các nước khác trên thế giới hoàn toàn không phải là thấp. Cũng xin chia sẻ: với công suất chế biến của các nhà máy đang cao hơn khoảng 2,5 lần khả năng cung ứng búp tươi thì người bị ép chính lại là các nhà máy chế biến.
Sau hiện tượng này hơn lúc nào hết chúng tôi thấy chính quyền các tỉnh cần phải siết chặt hơn nữa việc cấp mới giấy phép sản xuất chè, phải rà soát lại tất cả các cơ sở chế biến để đảm bảo nhà máy phải đáp ứng đầy đủ tiêu chuẩn mới cho phép sản xuất.
Cũng như kinh nghiệm của các nước sản xuất khác như Ấn Độ, Sri Lanka, các nhà máy không được mua búp tươi dưới mức giá do nhà nước quy định, nếu doanh nghiệp nào ép dân, nhà nước có quyền đóng cửa nhà máy. Tất nhiên trong trường hợp này, người nông dân cũng phải đảm bảo hái đúng quy chuẩn, sử dụng phân bón và thuốc bảo vệ thực vật theo đúng hướng dẫn của doanh nghiệp.
Có ý kiến cho rằng, ai đó đang kích thích người dân làm chè bẩn bằng cách thu mua toàn bộ sản phẩm của họ nhằm làm mất uy tín thương hiệu Chè Việt Nam và các nhà máy sản xuất chè có nguy cơ sụp đổ. Ông bình luận gì về ý kiến này?
Hiện nay đó mới chỉ là phỏng đoán.Tuy nhiên qua đây tôi thấy nếu các ngành hàng của chúng ta tổ chức lỏng lẻo thì rất dễ bị tổn thương bởi âm mưu xấu xa của một nhóm người.
Với sự vào cuộc kịp thời của Bộ NN&PTNT cùng lãnh đạo các địa phương có chè, chúng tôi tin rằng “cơn khủng hoảng chè” này sớm qua đi nhưng chúng ta phải có chính sách kịp thời để không xảy ra các chuyện tương tự trong tương lai.
Ngọc Tình thực hiện