Vụ cháy ngày 16/7 xảy ra tại khu biệt thự liền kề thuộc khu đô thị Geleximco (xã An Khánh, huyện Hoài Đức, Hà Nội) đã để lộ ra khoảng trống lớn về PCCC tại những khu đô thị chưa có người ở trên địa bàn Hà Nội. Dọc khu vực này, cũng xuất hiện hàng trăm biệt thự "ma" nhưng vẫn cho thuê sử dụng tầng dưới.
Ông Nguyễn Huy Hoán, Chủ tịch UBND xã An Khánh (huyện Hoài Đức) cho biết, do thời điểm xảy ra cháy chỉ có nhân viên quán, chạy ra kịp thời nên không có thiệt hại về người. Tuy đang chờ cơ quan chức năng xác định nguyên nhân cháy nhưng lãnh đạo xã cũng khẳng định: “Do biệt thự thô chưa hoàn thiện nên chủ nhà hàng đã dùng tre nứa, lá cọ và nhiều vật liệu dễ cháy ốp quanh nhà hàng để trang trí. Những vật liệu này rất dễ cháy lan nếu bắt lửa”.
Được biết, 5 căn liền kề được nhà hàng thuê lại thuộc khu đô thị Geleximco. Những căn nhà này được xây xong phần thô và bán cho nhiều chủ. Chủ các ngôi nhà này do không ở nên đã cho thuê. Khu đô thị này cũng thương xuyên bị ngập úng khi có mưa lớn nên ít người dân về ở, bị bỏ hoang nhiều năm qua.
Về việc kiểm tra PCCC nhà hàng, đại diện địa phương nêu lý do: Đây chỉ là nhà hàng tạm nên chưa kiểm tra. Theo vị này, 5 căn nhà liền kề cũng nằm trong diện giải tỏa 11 căn để làm nút giao không đồng cấp giữa đường Lê Trọng Tấn và Đại lộ Thăng Long (nằm trên địa bàn quận Nam Từ Liêm và huyện Hoài Đức).
Trong khi đó, đại diện Ban quản lý KĐT Geleximco cho biết, những biệt thự liền kề chưa hoàn thiện đa số đã được bán cho nhà đầu tư thứ cấp, cụ thể trong vụ cháy vừa rồi là thuộc KĐT mới Bảo Sơn. Tuy nhiên, việc hoàn thiện hay không cũng rất khó nói bởi biệt thự đã bán cho người dân thì người dân hoàn toàn quyết định việc bao giờ hoàn thiện, bao giờ về ở. Về phía chủ đầu tư cố gắng để hoàn thiện mới giao nhà cho người mua để đảm bảo vẻ đẹp tổng thể cho cả khu đô thị.
Có thể thấy rằng thời gian qua, ngày càng xuất hiện nhiều những vụ cháy liên quan đến các loại hình nhà ở kết hợp sản xuất kinh doanh dịch vụ (một phần nhà để ở hoặc cho thuê để ở, một phần xưởng sản xuất kinh doanh dịch vụ), nhà trọ, xưởng sản xuất kinh doanh dịch vụ nằm trong khu dân cư, khu đô thị (nhà liền kề, shophouse, biệt thự chưa hoàn thiện cho thuê).
Điển hình như vụ cháy tại ngách tập thể cơ khí C70, ngõ 879 Đê La Thành, phường Ngọc Khánh, quận Ba Đình xảy ra ngày 17/9/2018 làm 2 người chết, thiêu rụi 21 ngôi nhà; vụ cháy tại Nhà liền kề số 30, 31 BT4-1, Khu đô thị Trung Văn, phường Trung Văn, quận Nam Từ Liêm ngày 14/10/2018 làm 1 người chết, 4 người bị thương…
Đại diện Công an quận Bắc Từ Liêm cho biết, việc cho thuê biệt thự thành nhà hàng, kho xưởng làm biến đổi công năng vốn có của biệt thự, tiềm ẩn nguy cơ cháy nổ. Về nguyên tắc sản xuất, kinh doanh phải tách biệt nơi ở. Việc sử dụng sai mục đích khiến việc tiếp cận cứu hộ, chữa cháy gặp nhiều khó khăn.
Trao đổi với PV Tiền Phong, Thượng tá Phạm Trung Hiếu, Trưởng Phòng Cảnh sát PCCC và CNCH, Công an thành phố Hà Nội cho biết, sau vụ cháy nhà xưởng ở khiến 8 người chết tại quận Nam Từ Liêm, Công an Hà Nội đã rà soát, kiểm tra toàn bộ loại hình kho xưởng, kể cả loại hình nhà liền kề, shophouse chuyển đổi công năng sai mục đích ban đầu.
Đa số người dân kinh doanh dịch vụ này thường kinh doanh trong thời gian nhất định nên việc đầu tư cơ sở vật chất hạ tầng thường không đảm bảo. Việc đầu tư về trang thiết bị đảm bảo an toàn PCCC, an toàn về điện và các thiết bị khác không có tính lâu dài. Mặt khác, nhận thức về công tác PCCC của các hộ kinh doanh, cá nhân còn hạn chế. Đa số các hộ kinh doanh, sản xuất chưa được huấn luyện nghiệp vụ PCCC và chưa có kỹ năng thoát nạn khi có cháy xảy ra.
Bất cứ hoạt động kinh doanh nào cũng phải đóng thuế môn bài tại địa phương, do đó chính quyền địa phương là nơi nắm rõ nhất địa bàn đó. Vì vậy, chính quyền địa phương phải có trách nhiệm chính về việc kiểm tra an toàn PCCC trên địa bàn.
Trước đó, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội vừa ban hành Chỉ thị về công tác PCCC và CNCH tại các kho hàng hóa, xưởng sản xuất trong khu dân cư trên địa bàn thành phố Hà Nội. Theo đó, nguyên nhân của các vụ cháy được đưa ra là do ý thức chấp hành pháp luật về phòng cháy chữa cháy của người đứng đầu cơ sở, người lao động chưa cao; các cấp ủy, chính quyền địa phương chưa quan tâm đúng mức đến công tác PCCC, cơ quan quản lý nhà nước có dấu hiệu “buông lỏng” trong công tác quản lý; lực lượng dân phòng, phòng cháy chữa cháy cơ sở chưa đáp ứng được công tác phòng cháy chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ theo phương châm “bốn tại chỗ”.