Chây ì bàn giao trụ sở cũ, bỏ hoang nhiều công trình xây mới

0:00 / 0:00
0:00
Trưởng ban Dân nguyện Dương Thanh Bình
Trưởng ban Dân nguyện Dương Thanh Bình
TPO - Cử tri tỉnh Tây Ninh, Quảng Trị phản ánh một số trụ sở của các cơ quan Trung ương đóng trên địa bàn tỉnh chưa được bàn giao về địa phương quản lý, trong khi những cơ quan này đã được bố trí đất xây dựng trụ sở mới.

Ngày 25/3, báo cáo kết quả giám sát việc giải quyết, trả lời kiến nghị của cử tri gửi đến Kỳ họp, Trưởng Ban Dân nguyện Dương Thanh Bình cho biết, thông qua 1.050 cuộc tiếp xúc cử tri của các đại biểu Quốc hội (ĐBQH), đã có 1.907 kiến nghị được tổng hợp chuyển đến các cơ quan có thẩm quyền giải quyết, đến nay có 1.870 kiến nghị được giải quyết, trả lời, đạt 98,1%.

Trong đó, một số vấn đề ảnh hưởng trực tiếp đến quyền lợi của người dân được đông đảo cử tri quan tâm như: việc đầu tư, xây dựng một số tuyến đường cao tốc; việc quản lý, sử dụng quỹ bảo hiểm y tế, quỹ bảo hiểm xã hội; thực hiện chính sách, pháp luật về điện lực… đã được Hội đồng Dân tộc, Ủy ban của Quốc hội lựa chọn giám sát.

Liên quan đến một số vấn đề cụ thể, cử tri tỉnh Tây Ninh, Quảng Trị phản ánh một số trụ sở của các cơ quan Trung ương đóng trên địa bàn tỉnh chưa được bàn giao về địa phương quản lý, trong khi những cơ quan này đã được bố trí đất xây dựng trụ sở mới.

Tại tỉnh Tây Ninh, các trụ sở của các ngành như: Tòa án thành phố Tây Ninh (cũ), Viện Kiểm sát nhân dân huyện Trảng Bàng (cũ), trụ sở Liên đoàn lao động tỉnh (cũ), Bảo hiểm xã hội tỉnh (cũ) đã được địa phương bố trí đất xây dựng trụ sở mới nhưng chưa có quyết định bàn giao đất về địa phương quản lý sử dụng.

Còn tại tỉnh Quảng Trị có một số công trình được xây dựng bằng ngân sách nhà nước nhưng không đưa vào sử dụng trong thời gian khá dài bao gồm: Nhà khách Biên phòng (đường Lý Thường Kiệt) của Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh, Phân hiệu đại học Huế tại Quảng Trị (cũ). Trụ sở Tòa án nhân dân thành phố Đông Hà (cũ). Trong đó, công trình nhà khách Biên phòng được xây mới, Phân hiệu đại học Huế tại Quảng Trị và Trụ sở Tòa án nhân dân thành phố Đông Hà chuyển đến Trụ sở mới nên các công trình này đang để không, xuống cấp, hư hỏng.

Trả lời cử tri, Bộ Tài chính khẳng định, sẽ tiếp tục phối hợp với các Bộ, cơ quan trung ương và địa phương để xử lý nhà, đất là trụ sở làm việc cũ sau khi đã được xây dựng trụ sở mới theo quy định của pháp luật. Bên cạnh đó, báo cáo cũng kiến nghị Chính phủ chỉ đạo Bộ Tài chính, các cơ quan trung ương và các địa phương khẩn trương phối hợp thực hiện sắp xếp lại, xử lý tài sản công, nhất là tài sản công là nhà, đất nhằm bảo đảm quản lý và khai thác, sử dụng có hiệu quả, tránh lãng phí.

Học sinh được dùng điện thoại trong lớp có phải chính sách chung?

Cùng với đó, cử tri cũng quan tâm đến việc sử dụng điện thoại di động trong lớp học. Thông tư số 32 của Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) quy định về các hành vi học sinh không được làm gồm: “Sử dụng điện thoại di động, các thiết bị khác khi đang học tập trên lớp không phục vụ cho việc học tập và không được giáo viên cho phép”.

Ngay sau khi Thông tư số 32 được ban hành, cử tri 8 địa phương đã kiến nghị cần xem xét, sửa đổi vì không phù hợp với thực tiễn. Trả lời cử tri, Bộ GD&ĐT cho rằng, về cơ bản, việc sử dụng điện thoại trong lớp học vẫn là hành vi bị cấm. Việc sử dụng điện thoại trong lớp học với mục đích học tập của học sinh là khai thác các lợi thế kết nối của các thiết bị thông minh góp phần nâng cao hiệu quả dạy và học.

Qua giám sát cho thấy, Bộ GD&ĐT giao cho giáo viên quyền quyết định việc cho phép hoặc không cho phép học sinh sử dụng điện thoại. Như vậy, sẽ xảy ra tình trạng cùng một môn học, cùng một trường có thể có giáo viên quyết định cho sử dụng điện thoại, có giáo viên không cho sử dụng, điều này sẽ không đảm bảo sự thống nhất về phương thức giảng dạy.

Từ đó, cử tri kiến nghị Bộ GD&ĐT cần làm rõ việc cho học sinh sử dụng điện thoại trong lớp học như là thiết bị hỗ trợ hoạt động học tập có được coi là chính sách chung không? Nếu là chính sách chung thì phải áp dụng thống nhất trong cả nước, không thể chỉ giao trách nhiệm quyết định cho giáo viên.

Đồng thời cần phải đánh giá một cách khách quan và toàn diện sự tác động của việc thực hiện quy định này trong điều kiện phát triển kinh tế - xã hội của đất nước hiện nay cũng như khả năng quản lý của nhà trường và giáo viên đối với việc sử dụng điện thoại của học sinh để ban hành quy định phù hợp.

MỚI - NÓNG
Vang mãi khúc quân hành
Vang mãi khúc quân hành
TPO - Ngày 14/12, Học viện Kỹ thuật Quân sự tổ chức Ngày hội văn hóa và chương trình nghệ thuật “Vang mãi khúc quân hành” thiết thực hướng tới chào mừng kỷ niệm 80 năm Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam và 35 năm Ngày hội Quốc phòng toàn dân.