'Chạy đua’ với các khoản đóng đầu năm học

0:00 / 0:00
0:00
TPO - Mặc dù mới khai giảng được một tuần nhưng nhiều phụ huynh đã phải chi những khoản không nhỏ cho sách giáo khoa, đồ dùng học tập, đồng phục và các khoản 'tự nguyện' cho năm học này.

Đến hẹn lại lên, sau dịp khai giảng là lúc phụ huynh có thêm hàng trăm mối lo ngoài tiền sách giáo khoa là tiền quỹ lớp, quỹ trường, tiền “xã hội hóa”.

Chị Nguyễn Hương (Cầu Giấy, Hà Nội) cho biết, năm học này, ngay từ cuối tháng 7, chị đã phải đóng tiền sách giáo khoa, đồng phục, tiền học phí, tiền bán trú, tiền ăn cho con. Phụ huynh có thể chọn hình thức đóng theo tháng, theo quý hoặc theo năm.

“Tiền sách giáo khoa, tiền đồng phục, tiền học hè của con tính ra cũng đã hơn 10 triệu đồng chưa kể các khoản chi khác đầu năm học. Nếu gia đình có 2, 3 con thì số tiền phải đóng đầu năm không hề nhỏ”- chị Hương chia sẻ.

Điều đáng nói, ngoài các khoản phải đóng, chị Hương ít nhất đóng thêm cho mỗi con 1 triệu tiền quỹ lớp mà con số này chưa phải là con số cuối cùng nếu cuối học kỳ chi còn thiếu lại “bổ đầu” thêm với phụ huynh.

Có con học tại một trường chất lượng cao ở khu vực Từ Liêm, chị Nguyễn Thị Linh (Từ Liêm, Hà Nội) cho biết, trong buổi họp đầu năm trước, chị đã đóng tiền quỹ lớp 1 triệu/kỳ cho con gái lớp 9 của chị. Tiền quỹ trường 300.000 nghìn đồng cho nhà trường để chi cho các hoạt động chung.

Chị Nguyễn Thị Dương, có con học ở một trường ngoại thành của Hà Nội vừa được thông báo đóng các khoản thu đầu năm học. Theo đó, tiền Công nghệ thông tin: 200 nghìn; tiền điều hòa 300 nghìn; tiền in bài: 200 nghìn; tiền quỹ vệ sinh: 80 nghìn và tiền quỹ lớp: 300 nghìn đồng.

Trong buổi họp phụ huynh đầu năm học diễn ra vào cuối tuần trước, chị Nguyễn Thị Ánh Tuyết (Đông Anh, Hà Nội) mới chỉ đóng tiền quỹ phụ huynh là quỹ tự nguyện do phụ huynh tự đưa ra là 300 nghìn đồng. Còn nhiều các khoản khác chưa thông báo tới phụ huynh.

Chị Đỗ Thị Hoài Thu (Thường Tín, Hà Nội) cho biết, chị đang hồi hộp, thấp thỏm đến ngày đi họp phụ huynh cho con. Bởi lẽ, năm nay khả năng chị phải đóng khoản lắp điều hòa vì năm ngoái đưa ra nhưng chưa thống nhất được các phụ huynh nên chưa thu.

“Việc lắp điều hòa trước sau gì các phụ huynh sẽ bảo lắp. Phụ huynh nào cũng lo con học không mát. Không ai nghĩ lắp thêm quạt trần ở lớp mà chỉ chăm chăm lắp điều hòa. Đúng thật giờ nhiều nhà có điều kiện nên họ chỉ lo con họ khổ thôi”- chị Thu nói.

Tuy nhiên, với người có thu nhập chỉ hơn 7 triệu/ tháng như chị phải làm thêm mới đủ tiền nuôi con ăn học thì các khoản thu đầu năm cũng là áp lực lớn với chị.

Cần minh bạch các khoản thu

Mấy hôm nay, không ít phụ huynh xôn xao bàn tán về một bảng dự kiến thu chi được cho là của Ban phụ huynh một lớp 1 thuộc Trường Tiểu học ở ngay trung tâm Hà Nội với bảng kê chi tiết, rõ ràng các khoản dự chi trong năm.

Theo đó, có hàng loạt đầu mục mà ban phụ huynh kê ra để kêu gọi đóng góp, như trung thu, tham quan dã ngoại, ngày 20/11, ngày Noel, Tết nguyên đán, hội chợ, ngày 8/3, chi thường xuyên, thăm hỏi ốm đau, hiếu hỉ...

'Chạy đua’ với các khoản đóng đầu năm học ảnh 1

Một bảng dự kiến thu chi được cho là của Ban phụ huynh một lớp 1 thuộc Trường Tiểu học ở ngay trung tâm Hà Nội

Đặc biệt, ở phần dự trù kinh phí khiến một số phụ huynh không khỏi bất ngờ, bởi tổng chi dự kiến của các khoản này là hơn 132 triệu đồng. Con số này là lớn vì lớp có 37 học sinh, tính trung bình mỗi gia đình có con học ở lớp này sẽ gánh 3,5 triệu đồng.

“Nếu dịp nào số tiền ban phụ huynh chi ra đều gần chục triệu đến hơn chục triệu thế này thì quá lớn. Chia theo học sinh mà mỗi em phải đóng tới 3,5 triệu thì không phải gia đình nào cũng chịu được. Tự nguyện thật nhưng ở mức đóng thế này sẽ thành không tự nguyện mất rồi”- Một phụ huynh chia sẻ.

Là người làm công tác chủ nhiệm nhiều năm, cô giáo Trần Thu Nhiêm (Hoài Đức, Hà Nội) cho biết, việc có cha mẹ đóng quỹ lớp là cần thiết. Còn ban đại diện cha mẹ học sinh có nhiệm vụ minh bạch tất cả các khoản chi đều dành cho hoạt động của học sinh trong lớp.

Mặt khác, theo cô Nhiêm, mức đóng quỹ lớp, quỹ trường mỗi nơi một khác. Và mức đóng quỹ lớp vài năm trở lại đây ở lớp cô thường được phụ huynh thu ở mức 300.000-500.000 đồng/ học sinh. Thậm chí, năm ngoái thống nhất thu ở mức 500.000 nhưng dịch bệnh COVID-19 nên không chi tiêu hết và còn trả lại cho mỗi học sinh hơn 100.000 đồng.

“Tôi nghĩ rằng nếu đóng quỹ lớp ở mức vài trăm đến tiền triệu thì đều có thể chấp nhận được vì đa số các khoản đều chi cho các hoạt động của con cái họ. Tuy nhiên, đừng có thừa giấy vẽ voi và đẩy lên cao quá mức thì đều có thể chấp nhận được. Các khoản thu đều được hỏi ý kiến của phụ huynh đồng ý mới thực hiện chứ có phải ban phụ huynh học sinh tự tác chi tiêu đâu”- cô Nhiêm nói.

Một hiệu trưởng trường THCS ở Hà Nội cho rằng, năm nào trường cũng đề nghị ban đại diện không ép buộc, phụ huynh đóng góp bao nhiêu thì tùy, kể cả không tham gia, nếu không muốn. Đừng biến cuộc họp đầu năm là nỗi ám ảnh của cha mẹ học sinh.

Bộ Giáo dục yêu cầu công khai các khoản thu, chi đầu năm học

Bộ GD&ĐT yêu cầu các nhà trường thực hiện đúng quy định về quản lý thu, chi và công khai các khoản thu, chi đầu năm học mới.

Trước chỉ đạo của Bộ, một số địa phương đã chủ động đưa ra những yêu cầu với các trường liên quan đến việc thu, chi đầu năm. Như tại Quảng Trị, Sở GD&ĐT yêu cầu các trường phổ thông không được giao Hội phụ huynh vận động, tiếp nhận và sử dụng các khoản tài trợ cho giáo dục. Sở GD&ĐT tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu cấm các trường bắt buộc học sinh may hoặc mua đồng phục mới.

MỚI - NÓNG
‘Giá vàng’ và ‘bão Yagi’ được tìm kiếm nhiều nhất năm 2024
‘Giá vàng’ và ‘bão Yagi’ được tìm kiếm nhiều nhất năm 2024
TPO - Cốc Cốc vừa phát hành Báo cáo xu hướng tìm kiếm và lướt web 2024, nhìn lại những mối quan tâm nổi bật của người dùng Việt Nam trên internet. Theo đó, “Anh trai vượt ngàn chông gai”, “Anh trai say hi” cùng từ lóng “đỉnh nóc kịch trần bay phấp phới” gây bão tìm kiếm. “Bão Yagi” và “giá vàng” dẫn đầu danh sách từ khóa nổi bật nhất.