'Chạy chọt, vây cánh' làm thui chột cán bộ giỏi

Vụ Trịnh Xuân Thanh, bài học về quy hoạch cán bộ Ảnh: PV
Vụ Trịnh Xuân Thanh, bài học về quy hoạch cán bộ Ảnh: PV
TP - “Nếu công tác cán bộ không công khai, minh bạch, lại vây cánh, cục bộ, rồi chạy tuổi, chạy chức, chạy bằng cấp này kia…thì sẽ làm thui chột động lực phấn đấu của những cán bộ giỏi, trung thực và sẽ là điều kiện để những cán bộ cơ hội phát triển trong đội ngũ chúng ta”, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình lưu ý.

Tiêu cực thì cán bộ tốt cũng thành xấu

Sáng 27/12, phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị trực tuyến toàn quốc triển khai nhiệm vụ năm 2020 của ngành Nội vụ, Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình nhấn mạnh, 2020 là năm cuối thực hiện Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội, cũng là năm Đại hội Đảng các cấp, Đại hội thi đua yêu nước toàn quốc lần thứ X. Nhiệm vụ của ngành Nội vụ hết sức quan trọng và rất nặng nề, nên cần nhận thức sâu sắc vai trò và trách nhiệm của mình trong việc triển khai nhiệm vụ.

Trên cơ sở đó, Phó Thủ tướng đề nghị Bộ Nội vụ tập trung vào công tác xây dựng thể chế, sớm hoàn thiện dự án sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thanh niên, Luật Thi đua Khen thưởng và Luật Thực hiện dân chủ cơ sở. Tiếp tục hoàn thiện thể chế về công tác cán bộ, chú trọng các quy định về quy hoạch, bổ nhiệm, đánh giá, kỷ luật. Đồng thời rà soát những vướng mắc, bất cập trong công tác tuyển dụng, thi nâng ngạch công chức, nâng hạng chức danh nghề nghiệp viên chức, tránh tiêu cực, tránh hình thức trong quy định điều kiện về văn bằng, chứng chỉ tin học, ngoại ngữ.

“Cần phải làm thật tốt công tác cán bộ, tạo điều kiện để cùng nhau phấn đấu một cách trong sáng, tự thân phấn đấu bằng chính năng lực, trình độ của mình, để có được đội ngũ cán bộ, công chức vừa hồng vừa chuyên”,  Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình

Phó Thủ tướng lưu ý, việc xác định biên chế phải bảo đảm khoa học, sát thực tế, tránh áp đặt bình quân giữa các bộ, ngành, địa phương. Đặc biệt, phải tạo ra môi trường cạnh tranh lành mạnh, bình đẳng, công bằng để cán bộ rèn luyện, phấn đấu. Theo Phó Thủ tướng, công bằng, công minh trong công tác cán bộ cũng là động lực để xây dựng đội ngũ cán bộ giỏi, có phẩm chất, năng lực, trình độ và có động lực để cống hiến. Nếu cứ để mảnh đất tiêu cực phát triển thì cán bộ tốt cũng thành xấu, làm thui chột và dập tắt ngọn lửa cống hiến của cán bộ tốt.

“Nếu công tác cán bộ không công khai, minh bạch, lại vây cánh, cục bộ, rồi chạy tuổi, chạy chức, chạy bằng cấp này kia…thì sẽ làm thui chột động lực phấn đấu của những cán bộ giỏi, trung thực, sẽ là điều kiện để những cán bộ cơ hội phát triển trong đội ngũ chúng ta. Chính vì vậy cần phải làm thật tốt công tác cán bộ, tạo điều kiện để cùng nhau phấn đấu một cách trong sáng, tự thân phấn đấu bằng chính năng lực, trình độ của mình, để có được đội ngũ cán bộ, công chức vừa hồng vừa chuyên”, Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình nhấn mạnh, đồng thời đề nghị nghiên cứu, đề xuất mô hình nhất thể hóa các chức danh đồng cấp, đảm bảo cơ cấu cán bộ, công chức tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả, tinh giản biên chế.

Cán bộ dôi dư sau sáp nhập ra sao?

Phó Vụ trưởng Vụ Chính quyền địa phương Phan Trung Tuấn cho biết, có 45 tỉnh, thành phố trong diện sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, xã. Hiện đã có 42/45 địa phương gửi hồ sơ đề án chi tiết, 3 tỉnh, thành phố chưa gửi hồ sơ đề án về Bộ Nội vụ để thẩm định là Cần Thơ, TPHCM và Kiên Giang. Qua sắp xếp, cả nước giảm 6 huyện, trong đó tỉnh Cao Bằng giảm 3 huyện, Quảng Ngãi giảm 1 huyện, Hòa Bình giảm 1 huyện, Quảng Ninh giảm 1 huyện. Về cấp xã, cả nước có 1.054 đơn vị sắp xếp, trong đó có 546 đơn vị thuộc diện phải sắp xếp, 111 đơn vị thuộc diện khuyến khích và 397 đơn vị liền kề có liên quan đến sắp xếp. Sau sắp xếp sẽ giảm 560 xã, trong đó Hòa Bình giảm 59 xã, Cao Bằng giảm 38 xã, Phú Thọ giảm 52 xã, Hà Tĩnh giảm 46 xã, Thanh Hóa giảm 76 xã…

Việc xử lý cán bộ, công chức dôi dư sau sắp xếp huyện, xã được xem là một trong những vấn đề khó khăn nhất hiện nay. Theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh Cao Bằng Nguyễn Trung Thảo, sau khi sắp xếp đơn vị hành chính, Cao Bằng giảm 38 đơn vị cấp xã, trong đó dôi dư 720 cán bộ, công chức xã và 624 người hoạt động không chuyên trách.

Để giải quyết cán bộ công chức dôi dư, Cao Bằng tiến hành rà soát, đánh giá, giải quyết nghỉ việc cho các trường hợp không đáp ứng nhiệm vụ do thiếu năng lực, trình độ, thiếu tinh thần trách nhiệm. Đồng thời giải quyết chế độ đối với những người không đủ điều kiện về tuổi tái cử, tái bổ nhiệm. Về cán bộ dôi dư hoạt động không chuyên trách, Cao Bằng đã ban hành chính sách hỗ trợ một lần cho hơn 21.000 đối tượng, với tổng kinh phí 85 tỷ đồng.

Theo Phó Giám đốc Sở Nội vụ Thanh Hóa Nguyễn Lợi Đức, Thanh Hóa có tới 143 đơn vị trong diện phải sắp xếp, nên có tác động lớn đến tổ chức bộ máy và đội ngũ cán bộ công chức. Để sắp xếp đội ngũ cán bộ dôi dư, Thanh Hóa đã thực hiện hỗ trợ 3 tháng tiền lương cho mỗi năm nghỉ hưu trước tuổi; hỗ trợ một lần đối với người hoạt động không chuyên trách cấp xã bằng 3 tháng phụ cấp…

Theo đề án, Thanh Hóa dự kiến bố trí 555 người đến đơn vị cấp xã còn thiếu, nghỉ hưu theo quy định 332 người, tinh giản 264 người, và 1.199 người hoạt động không chuyên trách cấp xã dôi dư sẽ nghỉ việc và hưởng chính sách hỗ trợ theo quy định. Kinh nghiệm được Thanh Hóa đúc rút trong quá trình sáp nhập là phải có cách làm phù hợp, chặt chẽ, không gây xáo trộn và phải giải quyết chế độ chính sách hợp lý, đảm bảo tính nhân văn trong công tác cán bộ.

MỚI - NÓNG
Đại tướng Phan Văn Giang: Phải có cơ chế, chính sách thúc đẩy công nghiệp quốc phòng phát triển
Đại tướng Phan Văn Giang: Phải có cơ chế, chính sách thúc đẩy công nghiệp quốc phòng phát triển
TPO - Chiều 23/4, Đại tướng Phan Văn Giang - Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Bí thư Quân ủy Trung ương, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng cùng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Nguyên, đã tiếp xúc cử tri chuyên đề lấy ý kiến vào dự thảo Luật Công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên trước Kỳ họp thứ bảy, Quốc hội khóa XV.