Trong phiên chất vấn và trả lời chất vấn tại kỳ họp thứ 12, HĐND tỉnh Hà Tĩnh ngày 15/12, ông Nguyễn Trí Lạc, Giám đốc Sở Lao động Thương binh và Xã hội cho biết, Hà Tĩnh có hơn 67.000 người đang làm việc tại nước ngoài, tập trung ở Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan, Thái Lan, Angola và các nước châu Âu
Tuy nhiên trong số đó có hơn 35.000 người đang làm việc bất hợp pháp ở nước ngoài, bao gồm các trường hợp vi phạm hợp đồng cư trú, di cư tự do ra nước ngoài không có giấy phép lao động. Số ngoại tệ do người lao động gửi về nước là trên 4.500 tỷ đồng/năm. Bên cạnh những kết quả đạt được, việc vi phạm của các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân trong lĩnh vực xuất khẩu lao động trong thời gian qua tăng cả về quy mô và mức độ vi phạm.
GĐ Sở Lao động, Thương binh và Xã hội Hà Tĩnh thừa nhận, do công tác quản lý lao động chưa chặt chẽ dẫn đến việc lao động cư trú bất hợp pháp ở nước ngoài, nhưng xét về mặt pháp lý trước lúc xuất cảnh thì người lao động có sử dụng hộ chiếu, visa hợp pháp đi du lịch, thăm thân, khám sức khỏe, du học nên không vi phạm pháp luật Việt Nam.
Trước báo cáo của người đứng đầu Sở Lao động, Thương binh và Xã hội Hà Tĩnh, đại biểu Nguyễn Thị Nga (TX Hồng Lĩnh) cho hay, đại diện sở chỉ nêu những khía cạnh về tồn tại lao động bất hợp pháp nhưng không nói rõ vấn đề xử lý lao động vi phạm, thanh tra, kiểm tra các doanh nhiệp lợi dụng giấy phép. Có hay không việc các công ty tư vấn du học lợi dụng giấy phép của Sở GD&ĐT để tư vấn đưa lao động đi nước ngoài? Cơ quan chức năng đã xử lý được bao nhiêu trường hợp.
Trả lời câu hỏi của đại biểu, ông Nguyễn Trí Lạc cho biết, tỉnh chỉ có duy nhất một công ty xuất khẩu lao động đủ chức năng đưa người ra nước ngoài làm việc. Trong thời gian vừa qua, tỉnh đã có chỉ đạo kiểm tra toàn bộ công ty xuất khẩu lao động trên địa bàn, tuy nhiên cần phải có thời gian vì việc thanh tra và xử lý còn gặp nhiều khó khăn. Còn việc các công ty du học lợi dụng giấy phép để tư vấn, đưa lao động đi nước ngoài, Sở cũng đã phát hiện, xử phạt. Giám đốc Sở LĐ-TB&XH cũng thừa nhận việc xử lý các lao động bỏ trốn hết sức khó khăn.
“Chế tài xử phạt đối với lao động vi phạm hợp đồng, bỏ trốn từ 80-100 triệu đồng. Nhưng việc xử phạt rất khó khăn vì họ không về nước. Phía chính quyền cũng rất khó quản lý vì người dân đi đâu, làm gì cũng không báo cáo” ông Lạc nói.
Dù còn nhiều câu hỏi như việc điều tra, ngăn chặn các đường dây đưa người đi vượt biên trái phép chưa được trả lời nhưng do hết giờ chất vấn nên đại diện Sở Lao động, Thương binh và Xã hội Hà Tĩnh cho biết sẽ trả lời bằng văn bản đồng thời tham mưu UBND tỉnh có giải pháp để thực hiện hiệu quả trong quản lý lao động ra nước ngoài làm việc.
Cũng tại kỳ họp này, Bí thư Tỉnh ủy Hà Tĩnh Lê Đình Sơn nhấn mạnh, đối với công tác xuất khẩu lao động cần tuyên truyền sâu rộng cho chính người dân hiểu và chuẩn bị đầy đủ sức khỏe, kiến thức để lao động có thể đứng vững trên đất nước họ đi xuất khẩu.
“Đừng nghĩ rằng đi xuất khẩu lao động kiếm được nhiều tiền là thuận lợi, bởi nó không đơn giản như ta nghĩ. Việc tổ chức đưa người đi xuất khẩu lao động trên 90% là ngoài tỉnh, vậy cần phải xem lại vấn đề quản lý nhà nước như thế nào sau những vụ việc đau lòng vừa qua. Đây là vấn đề rất lớn, hậu quả chính là người dân đang phải gánh chịu, nhưng suy cho cùng một phần trách nhiệm của chúng ta trong công tác quản lý”, Bí thư tỉnh ủy Hà Tĩnh Lê Đình Sơn nói.