Chất thải đô thị đe dọa sông Đồng Nai

Các khu đô thị hàng ngày thải ra hệ thống sông Đồng Nai khoảng 992.000m3 nước thải sinh hoạt chưa qua xử lý. Ảnh: Người lao động.
Các khu đô thị hàng ngày thải ra hệ thống sông Đồng Nai khoảng 992.000m3 nước thải sinh hoạt chưa qua xử lý. Ảnh: Người lao động.
TP - Ngày 6/11, Ủy ban Bảo vệ môi trường lưu vực sông Đồng Nai (UB sông Đồng Nai)  gồm  đại diện 11 tỉnh, thành phố và các bộ ngành họp tại tỉnh Đồng Nai để đánh giá tình hình triển khai đề án bảo vệ môi trường lưu vực hệ thống  sông Đồng Nai năm 2015 và kế hoạch triển khai đề án năm 2016.

Đại diện Văn phòng UB sông Đồng Nai cho biết, hiện còn bảy điểm nóng về ô nhiễm môi trường. Có hai điểm nóng vừa được cải thiện là sông Thị Vải và kênh Thầy Cai – An Hạ thì lại xuất hiện hai điểm nóng mới là sông Chà Và và sông Buông. UB sông Đồng Nai nhìn nhận chỉ tiêu quan trọng mà hầu hết các địa phương không đạt (trừ Ninh Thuận) là tỷ lệ khu đô thị có hệ thống xử lý nước thải.  Đây chính là nguyên nhân sông Đồng Nai ở các khu vực đô thị luôn có chỉ số ô nhiễm cao.

Theo Cục Cảnh sát Phòng chống tội phạm về môi trường (C49) - Bộ Công an, toàn lưu vực có 77 khu đô thị với khoảng 8,4 triệu người. Các khu đô thị hàng ngày thải ra hệ thống sông Đồng Nai khoảng 992.000m3 nước thải sinh hoạt chưa qua xử lý. Trong đó bao gồm nước thải của trên 200 bệnh viện tuyến tỉnh, thành phố, 550 cơ sở y tế, trên 100 bệnh viện tuyến quận, huyện, 50 bệnh viện tư nhân. Nhưng hiện nay chỉ có 119 bệnh viện có hệ thống xử lý nước thải. Lượng nước thải được thải trực tiếp vào hệ thống tiếp nhận nước thải sinh hoạt và đưa vào nguồn nước mặt lưu vực sông, tiềm ẩn nguy cơ lan truyền dịch bệnh qua môi trường nước.

Đại tá Dương Văn Linh, Phó cục trưởng C49 cho biết thêm, lưu vực sông Đồng Nai có  khoảng 4.500 điểm xả thải từ hơn 10.000 doanh nghiệp sản xuất công nghiệp, 400 làng nghề, các cơ sở nuôi trồng thủy sản, bệnh viện... Nhiều doanh nghiệp có nhà máy xử lý, nhưng đa phần hoạt động không hiệu quả, số liệu quan trắc thiếu khách quan.

MỚI - NÓNG