Hệ thống lọc nước nhiễm sắt của một hộ dân ở Hoàng Mai, Hà Nội. Ảnh: T.V. |
Theo nghiên cứu mới đây của Trung tâm Quy hoạch& Điều tra Tài nguyên nước, Bộ TN&MT, trong số các lĩnh vực sử dụng nước ngầm, nước ngầm dùng cho sinh hoạt chiếm tỷ lệ cực kỳ thấp (chỉ 2%), chất lượng không đảm bảo.
Tại vùng Cao Bằng - Quảng Ninh, một phần của vùng này tiếp xúc với biển nên nước đới ven biển thường bị mặn. Vùng Hà Giang - Tuyên Quang, nước ngầm thuộc loại nước nhạt, hàm lượng một số nguyên tố vi lượng quá nhỏ, không có lợi cho ăn uống. Vùng Lào Cai - Hoà Bình, nước ngầm thường có hàm lượng iod thấp, sử dụng dễ gây bệnh bướu cổ.
Ở Bắc Trung Bộ, đáng quan tâm nhất có lẽ là vùng đồng bằng và ven biển Thanh Hoá, chất lượng nước biến đổi phức tạp. Nước có hàm lượng sắt cao, hàm lượng các hợp chất có nguồn gốc hữu cơ cũng cao hơn ở miền trung du và miền núi.
Vùng ven biển Trung Bộ, phần lớn gặp nước có độ khoáng hoá cao nên khả năng cung cấp nước cho ăn uống sinh hoạt hạn chế. Vùng Đông Nam Bộ, độ pH của nước ở Đông Nam Bộ nhìn chung thấp, nước có phản ứng axit yếu; khó dùng cho ăn uống sinh hoạt nếu không có biện pháp xử lý để nâng cao độ pH của nước.
Vùng Đồng bằng sông Cửu Long, hàm lượng sắt trong nước cũng vượt quá giới hạn tiêu chuẩn quy định. Một số nơi có sự ảnh hưởng do xâm nhập của nước mặn vào các lỗ khoan khai thác nước.
Phức tạp hơn cả có lẽ là vùng đồng bằng Bắc Bộ: pH một số nơi thấp, hàm lượng sắt cao, một số nơi ở phía nam nhiễm mặn, các thành phần vi nguyên tố đều nhỏ hơn giới hạn cho phép, tổng độ khoáng hóa có nơi thiếu, có nơi lại quá thừa... Ở Hà Nội, Hải Phòng, Nam Định, Hà Nam... đã phát hiện dấu hiệu nhiễm bẩn các hợp chất rất độc hại như nitơ, thủy ngân và thạch tín.
Biến dạng đất mặt
Khai thác nước ngầm thiếu nhạc trưởng nhiều năm qua khiến cho mặt đất không ít khu đô thị biến dạng, sụt lún. Nguy cơ này được dự báo từ khá lâu. Việc nghiên cứu sụt lún mặt đất do khai thác nước ngầm được nghiên cứu từ những năm 1988-1989 do Đoàn Địa chất 64, thuộc Liên đoàn 2 Địa chất Thủy văn, thực hiện.
Trên cơ sở đánh giá hiện tượng sụt lún mặt đất do khai thác nước ngầm tại TP. Hà Nội, mới có việc xây dựng một số trạm đo lún thời gian gần đây.
Tuy nhiên, nguyên nhân của hiện tượng lún nền đất tại nhiều đô thị không đơn thuần do khai thác nước ngầm quá mức. Tình hình các hố tử thần liên tiếp xuất hiện tại TP Hồ Chí Minh mới đây cho thấy nguyên nhân sụt lún là do một loạt hệ quả, chứ không riêng gì nước ngầm.
Vấn đề lớn nhất chính là sự bố trí các bãi giếng không hợp lý, dẫn đến hạ thấp mực nước cục bộ, tạo nên những phễu hạ thấp mực nước lớn. Nói riêng tại Hà Nội, một chuyên gia nhận định: “Các nhà xây dựng chưa quan tâm đến bảo vệ tài nguyên nước ngầm bởi khai thác nước ngầm tốn quá ít tiền so với nước mặt ở Hà Nội”.
Hà Nội là đô thị có nhiều nhà máy cấp nước tập trung nhiều nhất trong số 64 tỉnh thành. Theo thống kê năm 2008 của Trung tâm Quy hoạch&Điều tra Tài nguyên nước, trong tổng số 108 nhà máy cấp nước nước ngầm tập trung quy mô lớn trên toàn quốc, TP Hồ Chí Minh chỉ có 3 (Hóc Môn, Trạm Lê, và Bình Chánh), trong khi Hà Nội có 22.
Theo Thứ trưởng Bộ TN&MT Nguyễn Thái Lai, một nửa dân số đô thị đang thiếu nước. So với chỉ tiêu của Hội Tài nguyên nước Quốc tế (IWRA), Việt Nam đang rơi vào nhóm các quốc gia thiếu nước.
Trong khi tổng công suất hiện có của các nhà máy cấp nước đô thị có thể cấp nước sinh hoạt trung bình 150 lít/ngày/người, thực tế dân đô thị chỉ được cấp 40-50 lít/người/ngày. Nước ta có hơn 300 nhà máy và đơn vị cấp nước nhỏ. Tổng công suất thiết kế hơn 2 triệu m3/ngày, song mới chỉ khai thác được 60 -70% công suất thiết kế. Lượng nước khai thác, đi vào sử dụng từ nước ngầm mới đạt 35 - 50% tổng lượng nước tiêu dùng. |