“Chặt chém” du khách ở Điện Biên

Nhà nghỉ Thu Dịu tại địa chỉ 77 Trần Đăng Ninh -phường Thanh Bình - Điện Biên
Nhà nghỉ Thu Dịu tại địa chỉ 77 Trần Đăng Ninh -phường Thanh Bình - Điện Biên
TP - Càng sát đến ngày kỷ niệm 60 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ, lượng du khách đổ về thăm lại chiến trường xưa ngày một đông. Cùng đó, tình trạng chặt chém du khách xuất hiện tại nhiều điểm nóng du lịch của TP Điện Biên Phủ.

Giá tăng chóng mặt

Giá nhà nghỉ, nhà trọ, khách sạn trên địa bàn TP Điện Biên Phủ cũng được dịp “té nước theo mưa” khi lượng khách du lịch đổ về TP Điện Biên ngày một tăng. Nhiều chủ nhà trọ không ngại ngần khẳng định, mới chỉ tạm tăng giá gấp 3 lần so với bình thường.

Theo khảo sát của PV Tiền Phong, hầu hết các nhà nghỉ trong địa bàn phường Him Lam, Thanh Bình, Mường Thanh… đều được đặt kín phòng đến hết ngày 7/5. Các khách sạn mới xây thuộc khu phố thương mại cũng kín lịch. Những phòng trống thường chỉ được dành cho khách lẻ với mức giá từ 600.000 đồng -1 triệu đồng/phòng.

Các nhà nghỉ trên các trục đường Nguyễn Chí Thanh, Trường Chinh, Hoàng Công Chất và xung quanh khu vực bến xe khách tỉnh, dù niêm yết giá 350.000 đồng/phòng/ngày đêm. Song thực tế, khách muốn ở, đều phải trả bình quân từ 600.000 - 700.000 đồng/ngày.

Dù giá thuê phòng cao, không ít khách, khi kiểm tra phòng nghỉ, đều phải lắc đầu chấp nhận bỏ tiền đặt cọc (bình quân 500.000 đồng) để đi tìm chỗ nghỉ khác do phòng quá bẩn và không đúng như quảng cáo qua điện thoại trước đó.

Theo thông tin từ Quản lý thị trường Điện Biên, tình trạng tăng giá là có, chủ yếu là ở các cơ sở tư nhân. Những trường hợp kinh doanh dịch vụ nhỏ, lẻ tự do tăng giá hoặc không thực hiện niêm yết giá đã làm ảnh hưởng đến hình ảnh du lịch của Điện Biên. Trích lời...

“Vừa xong một đôi vào đây thuê phòng cũng phải chấp nhận mất tiền cọc 500 nghìn đồng. Đôi này vừa ra, đoàn khác vào, tôi thu luôn 800 nghìn đồng/phòng.

Phòng của tôi còn rẻ, như Nhà nghỉ Việt Hoàng 1 gần đây, trước giá phòng họ chỉ có 150 nghìn đồng nay thu 1,2 triệu đồng/phòng/ngày. Phòng nhỏ và to đều như nhau.

Còn phòng nghỉ của Việt Hoàng 2 (trước là 300 nghìn đồng), nay lên 1,5 triệu đồng. Còn nhà tôi chỉ tăng hơn gấp đôi một chút, từ 200 nghìn lên 500 nghìn - 600 nghìn đồng”, chủ nhà nghỉ Thu Dịu trên phường Thanh Bình (TP Điện Biên Phủ) nói.

Anh S., lái taxi tại TP Điện Biên Phủ cho biết, nhiều nhà nghỉ tư nhân dùng chiêu từ chối khách đoàn với lý do hết phòng (thực tế phòng vẫn còn). Các nhà nghỉ, khách sạn này chỉ nhận các nhóm khách lẻ để chặt chém. Trước phòng nghỉ cho khách du lịch đắt nhất cũng chỉ 400.000 đồng/ngày. Giờ mức giá 800.000 đồng/ngày khá phổ biến.

“Khách gọi qua điện thoại thì nhà nghỉ báo còn phòng. Khi đến, các nhà nghỉ này, dù có phòng, nhưng cho thuê theo giờ (100.000 đồng/giờ). Hôm qua tôi chở khách đi khắp thành phố mới kiếm được một phòng nhỏ giá 600.000 đồng/phòng.

Cộng tiền taxi 300.000 đồng, khách mất tổng cộng 900.000 đồng cho một phòng nghỉ chỉ đáng ở mức 150.000 đồng - 200.000 đồng/ngày thường”, anh S. cho biết.

Tuy nhiên, nhiều khách sạn như Nậm Rốm, A1, Mường Thanh, Him Lam đều khẳng định sẽ giữ nguyên giá phòng trong dịp kỷ niệm 60 năm chiến thắng Điện Biên Phủ.

Xe dù lộng hành

Gần ngày lễ, tình trạng taxi “dù” không đèn mào, không số điện thoại hãng và không thấy luôn cả đồng hồ tính cước hoạt động liên tục trên nhiều con phố tại TP Điện Biên Phủ.

Để đón được khách, các tài xế taxi “dù” này, thường trấn an: Đang đợt Cty thay xe mới, đông khách nên chưa kịp treo biển, dán logo của hãng. Để lấy lòng tin của khách, lái xe gọi bộ đàm về tổng đài và đọc đúng số điện thoại của khách vừa gọi. Nhưng khi khách lên xe, đi được một đoạn, tài xế mới thông báo, xe không tính cước theo kilômét mà tính đổ đồng 80.000 đồng/điểm đến trong thành phố.

Đủ chiêu chặt chém

Anh Tr., thợ ảnh dạo tại Điện Biên cho biết, khách du lịch đông nên cánh thợ ảnh kiếm rất tốt. Nắm được tâm lý, ai lên Điện Biên cũng đều muốn có hình ảnh lưu niệm tại các địa điểm “nóng” như tượng đài chiến thắng, khu hầm tướng Đờ Cát, hầm Đại tướng Võ Nguyên Giáp (xã Mường Phăng), nhiều thợ ảnh “bắt tay” với hướng dẫn viên chụp ảnh đoàn với giá 20 nghìn đồng/ảnh.

“Như buổi chiều nay, theo đoàn 60 người đi chụp tại tượng đài, tôi kiếm được 1,2 triệu đồng. Trừ tiền chia lại cho hướng dẫn viên, cũng kiếm được 1 triệu đồng”, anh kể.

Nhân viên tại nhiều nhà hàng trên Phố 10 (phường Mường Thanh) cho biết, số lượng khách đặt hàng ăn trong những ngày gần đây tăng đột biến. Toàn bộ các phòng ăn đều chật kín người vào giờ cao điểm. Khách đông, giá cũng leo thang.

“Tôi đi công tác tại Điện Biên ba ngày nhưng thấy cái gì cũng đắt đỏ. Từ ăn uống đến vận chuyển. Tại nhà hàng 123 Tây Bắc trên Phố 10 (phường Mường Thanh), bữa đầu họ tính 10 nghìn đồng/bát cơm. Bữa sau tăng lên 30 nghìn đồng/bát. Đĩa thịt gà hôm đầu chỉ có 80 nghìn đồng. Bữa sau lên giá 150 nghìn đồng. Lạ nước lạ cái nên cũng không biết kêu ai”, anh N.V.Dũng (quận Hai Bà Trưng, Hà Nội) cho biết.

Tại nhiều điểm du lịch khác ở Điện Biên như Tượng đài Chiến thắng Điện Biên Phủ, Quảng trường Trung tâm, chân Đồi A1, Hầm Đờ Cát… nhiều hàng quán cũng có hiện tượng “chặt, chém” khách du lịch. Các loại nước giải khát cũng tăng giá gấp đôi ngày thường. Nước dừa phổ biến 40.000 đồng - 50.000đồng/cốc, nước mía 20.000 đồng/cốc…

MỚI - NÓNG
Đại sứ Pháp mặc áo dài, nói về Tết cổ truyền Việt Nam
Đại sứ Pháp mặc áo dài, nói về Tết cổ truyền Việt Nam
TPO - Đại sứ Pháp tại Việt Nam Olivier Brochet chia sẻ về những dấu ấn ngoại giao giữa hai nước trong năm 2024, những lĩnh vực hợp tác tiềm năng, những cảm nhận của cá nhân ông về văn hóa Việt Nam. Ông bày tỏ sự ấn tượng khi thấy nhiều người Việt Nam có thể vận chuyển những cây đào, cây quất rất to bằng xe máy mỗi dịp Tết cổ truyền về.