Chất cấm hoành hành trong chăn nuôi: Lỗi của cơ quan quản lý

Cơ sở sản xuất chất tạo nạc bị phát hiện ngày 19/8. Ảnh: Ngô Bình
Cơ sở sản xuất chất tạo nạc bị phát hiện ngày 19/8. Ảnh: Ngô Bình
TP - Theo ông Đào Văn Lừng - Vụ trưởng, trưởng cơ quan thường trực Ban Tuyên giáo T.Ư tại TPHCM, việc để chất cấm hoành hành trên thị trường chăn nuôi là lỗi của cơ quan quản lý nhà nước.

Người nuôi heo “buộc phải dùng chất cấm”

Trao đổi với PV, ông Nguyễn Kim Đoán, Phó chủ tịch Hiệp hội chăn nuôi Đồng Nai cho rằng việc sử dụng chất cấm là do thương lái giao cho người chăn nuôi sử dụng trước khi xuất chuồng. Heo ăn chất cấm, khi giết thịt, tỷ lệ móc hàm (trừ ra đầu, lòng) sẽ đạt 74- 75% (tăng 2%). Tính ra thương lái sẽ lời thêm được 140.000 đồng/con heo loại 100kg. Trong khi đó người chăn nuôi cho heo ăn chất cấm tưởng có lợi nhưng thực ra là không bởi thương lái mua lợn sử dụng chất cấm cao hơn được 2 giá, nhưng thực chất trong thời gian sử dụng thuốc tạo nạc lợn sẽ dừng tăng trọng, người nuôi sẽ tốn thêm chi phí thức ăn, chi phí mua thuốc.

Ông Trần Văn Quang, Chi cục trưởng Chi cục Thú y Đồng Nai cho rằng, có điều rất bất cập là chất cấm trong chăn nuôi sabultamol được ngành y tế cho phép nhập khẩu nhưng không được quản lý chặt, khiến chất này dễ bị tuồn ra thị trường. Tình trạng thương lái ép giá, ép người dân sử dụng chất cấm còn khá phổ biến. Theo ông Quang, để ngăn ngừa việc sử dụng chất cấm, các ngành chức năng đã quản lý từ người chăn nuôi, công ty sản xuất thức ăn gia súc, cơ sở thuốc thú y và cơ sở giết mổ, nhưng lại bỏ ngỏ khâu quan trọng không kiểm soát chính là thương lái.

 Ông Lã Văn Kính, Viện phó Viện Chăn nuôi, Giám đốc Phân viện Chăn nuôi Đông Nam bộ cho rằng, ở Việt Nam lại cho phép sử dụng kháng sinh trong thức ăn chăn nuôi nhằm kích thích tăng trưởng và phòng bệnh ở vật nuôi. Kháng sinh bị lạm dụng trong khẩu phần ăn của vật nuôi chủ yếu ở các hộ chăn nuôi và trang trại nhỏ lẻ. Trong khi theo ông Kính, hoàn toàn có thể sử dụng axit hữu cơ để thay thế kháng sinh (sabultamol) trong chăn nuôi hoặc bổ sung các chế phẩm thảo dược cũng có thể cải tiến tăng trọng và hệ số chuyển hóa thức ăn, tăng trọng cho lợn.

Đề nghị xử lý hình sự

Tại buổi giao ban báo chí trung ương khu vực phía nam ngày 26/8, ông Phạm Đức Bình, Phó chủ tịch Hiệp hội Thức ăn chăn nuôi Việt Nam cho rằng, hiện có nhiều trang trại nuôi heo sử dụng các loại chất tạo nạc bị cấm. “Điều bất cập là cơ quan chức năng không thể xử lý mạnh như buộc tiêu hủy mà chỉ lập biên bản xử phạt hành chính 15 triệu đồng/trang trại. Cấm giết mổ những con heo trong 7 ngày, khi hết 7 ngày và thuốc không còn tồn dư trong heo nữa lại được giết mổ bình thường”, ông Bình nói.

Theo ông Đào Văn Lừng - Vụ trưởng, trưởng cơ quan thường trực Ban Tuyên giáo T.Ư tại TPHCM, việc để chất cấm hoành hành trên thị trường chăn nuôi là lỗi của cơ quan quản lý nhà nước. “Cần phạt thật nặng các cơ sở sử dụng chất cấm để chăn nuôi, họ lời một thì phạt gấp hai, gấp ba. Hành vi mua bán chất cấm, chất giết người mà không xử lý được là vô lý”, ông Lừng nói. Theo ông, cần xử lý hình sự người lưu hành chất cấm trong chăn nuôi.

Ông Bình cho rằng, hiện nay, các loại thịt nhập ngoại có chất lượng tốt mà giá thành lại rẻ đang thâm nhập thị trường Việt Nam, nếu không xử lý được tình trạng này thì ngành chăn nuôi của Việt Nam có thể sẽ bị triệt tiêu.

MỚI - NÓNG
Mưa lớn gây ngập ở Hà Tĩnh
Mưa lớn gây ngập ở Hà Tĩnh
TPO - Mưa lớn kéo dài cùng nước từ thượng nguồn đổ về đã gây ngập úng, chia cắt giao thông một số khu vực ở Hà Tĩnh. Ngành chức năng địa phương đã xả tràn các hồ chứa để ứng phó mưa lũ có thể xảy ra.