> Lại bàn thương hiệu
> Nước mắm Phú Quốc bị thách thức
Sản xuất nước mắm truyền thống tại cơ sở sản xuất nước mắm Thịnh Phát ở thị trấn Dương Đông, Phú Quốc. Ảnh: Đại Dương. |
“Các nhà sản xuất nước mắm Phú Quốc đang thiếu nguyên liệu cá cơm trầm trọng” - bà Nguyễn Thị Tịnh - Chủ tịch Hội Nước mắm Phú Quốc nói với phóng viên Tiền Phong. Bà Tịnh nói, dự tính trong năm 2013, sản lượng cá cơm nguyên liệu làm mắm giảm rất mạnh.
Cụ thể, trong hai năm 2011 và 2012, sản lượng nước mắm sản xuất tại Phú Quốc khoảng 20-25 triệu lít (bình quân 30 độ đạm)/năm, tương đương với khoảng trên dưới 40 nghìn tấn cá nguyên liệu. Bước sang năm 2013, sản lượng cá cơm nguyên liệu chỉ đáp ứng được 50 – 60% nhu cầu sản xuất.
Vừa rồi tôi đi Phú Quốc tìm hiểu và nhận thấy số lượng nguyên liệu ở Phú Quốc chỉ đủ sản xuất 4 triệu lít nước mắm là tối đa, nhưng trên thị trường ước tính có đến 6-7 triệu lít nước mắm mang tên Phú Quốc. Như vậy số 2- 3 triệu lít dôi ra kia ở đâu ra nếu không là nhái giả?. Ông Nguyễn Văn Minh |
Theo bà Tịnh, có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng khan hiếm kể trên. Thứ nhất là nguồn lợi cá ngày càng cạn kiệt do khai thác quá mức. Thứ đến, nhiều nhà chế biến sử dụng cá cơm vào việc hấp, sấy khô và sau đó chuyển đi các nơi bán.
“Giá cá cơm nguyên liệu dùng để hấp hoặc sấy khô cao gấp 2 đến 3 lần so với trước đây, nên mặc dù cá các nhà thùng sản xuất nước mắm đã tăng giá lên 50-60% so với năm ngoái nhưng vẫn không thể cạnh tranh nổi với giá thu mua của các nhà hấp, sấy”- bà Tịnh nói.
Những người am tường cho rằng, sở dĩ nguồn cá cơm hấp, sấy khô hút hàng trong thời gian gần đây là do các thương nhân nước ngoài, trong đó có thương nhân Trung Quốc thu gom thông qua các thương lái trong nước. Theo ông Nguyễn Văn Phố, công ty sản xuất nước mắm An Cường, phần lớn cá cơm hấp, sấy ở Phú Quốc được xuất khẩu qua Trung Quốc theo đường tiểu ngạch.
Ông Nguyễn Văn Vũ, người quản lý hãng sản xuất nước mắm Thịnh Phát trên đường 30/5, thị trấn Dương Đông, Phú Quốc cho biết trong các năm 2010, 2011, cá nguyên liệu loại ngon nhất giá mua vào là 6.000 đồng/kg, hiện nay 10.000 đồng/kg nhưng vẫn không có để mua. “Thương nhân Trung Quốc mua nhiều khiến nguồn cá khan hiếm”- ông Vũ nói, đồng thời cho biết các thương nhân Trung Quốc mua với giá rất cao, từ 15- 20 nghìn đồng/kg.
Chủ một hãng sản xuất nước mắm khác tại thị trấn Dương Đông (Phú Quốc) đồng thời là quan chức địa phương, đề nghị không nêu tên, cũng xác nhận tình trạng thu gom nguồn cá cơm nguyên liệu của các thương lái Trung Quốc ngày càng dữ dội hơn, góp phần làm cho tình trạng thiếu nguyên liệu ngày càng trở nên trầm trọng.
Do thiếu nguyên liệu nên phần lớn các nhà thùng tại Phú Quốc phải thu hẹp sản xuất hoặc bán cầm chừng.
Không vượt qua chính mình
Dù được Cục Sở hữu trí tuệ cấp chứng nhận quyền sử dụng chỉ dẫn địa lý từ tháng 6/2001, nhưng hơn mười năm qua chưa sản phẩm nước mắm nào được đóng nhãn “Nước mắm Phú Quốc”.
Theo bà Nguyễn Thị Tịnh, cản ngại lớn nhất là chỉ số histamine trong nước mắm không đạt tiêu chuẩn. Theo quy định, hàm lượng histamine trong nước mắm Phú Quốc phải dưới 200mg/lít. Theo một công bố của Ban kiểm soát nước mắm Phú Quốc gần đây, trong 43 mẫu của hơn 60 DN đăng ký cấp tem chỉ dẫn địa lý “Nước mắm Phú Quốc” chỉ có 12 mẫu đạt chỉ tiêu về hàm lượng histamine.
Bà Tịnh giải thích, sở dĩ hàm lượng histamine cao là do khâu nguyên liệu. Trước đây việc đánh bắt cá bằng lưới vây truyền thống, tức đánh cá nổi, đánh tới đâu muối ngay đến đó nên khống chế được histamine vì nguyên liệu cá tươi, tốt. Còn bây giờ, vì khan hiếm nên phải đi xa, đánh bắt với sự hỗ trợ của đèn cao áp để thu hút nguồn cá sâu dưới đáy với những mẻ rất lớn và nhiều cá tạp, trong khi việc ướp muối không kịp thời, không theo quy trình, tỷ lệ chuẩn nên histamine sẽ cao.
Đối mặt với nước mắm nhái, giả
Vì khó khăn về đầu ra nên phần lớn các nhà sản xuất nước mắm tại Phú Quốc phải bán sản phẩm (dưới dạng nước mắm nguyên liệu) cho các DN chế biến nước mắm ở các nơi khác. Theo bà Tịnh, hơn 90% sản lượng nước mắm Phú Quốc phải bán theo dạng nguyên liệu. Chỉ một lượng nhỏ còn lại được sản xuất, đóng chai….theo đúng phương pháp truyền thống và để bán cho khách du lịch là chủ yếu.
Bà Tịnh cho biết, theo quy định của UBND tỉnh Kiên Giang, chỉ nước mắm được sản xuất tại Phú Quốc, có đăng ký, được kiểm soát theo đúng quy trình và phải đạt các tiêu chuẩn hóa lý mới được công nhận là “Nước mắm Phú Quốc”.
“Ngay cả những nhà sản xuất tại Phú Quốc cũng chưa chắc được lấy thương hiệu “Nước mắm Phú Quốc”, trong khi đó không ít DN sản xuất, đóng chai nước mắm ở tận đâu đâu cũng gắn thương hiệu nước mắm Phú Quốc trên nhãn hoặc tìm cách nhập nhằng để người tiêu dùng nhầm tưởng đó là nước mắm Phú Quốc chính hiệu” - bà Tịnh nói.