Chạnh lòng với Ưng Bình Thúc Dạ Thị

Tác giả bài viết trước ngôi nhà cổ của thi sĩ Ưng Bình Thúc Dạ Thị, tháng 1/2020
Tác giả bài viết trước ngôi nhà cổ của thi sĩ Ưng Bình Thúc Dạ Thị, tháng 1/2020
Mùa xuân ở Huế rực rỡ hoa và khói hương với những phong tục truyền thống của Tết cổ truyền, thế nhưng tại một địa chỉ thơ nổi tiếng đó là ngôi nhà xưa của Ưng Bình Thúc Dạ Thị khách thơ chỉ thấy một ngôi nhà xưa sắp sụp và một hương án trống trơn. Huế ngày càng nhiều công trình hoành tráng nhưng “Hương Bình Thi Xã” nay còn đâu!

Nhà thơ nổi tiếng nhất của đất Cố đô

Ghé Huế ngày xuân, chúng tôi gặp nhà thơ Trần Đông Giang (tức Trần Văn Hồng, cựu giáo viên văn trường Quốc học Huế) tại Thành Nội. Trong câu chuyện về thơ văn ngày xuân, nhà thơ Trần Đông Giang bùi ngùi kể: “Trước Tết tôi có ghé thăm nữ sĩ Tôn Nữ Hỷ Khương (con gái út của thi sĩ Ưng Bình) và chồng bà vốn là bạn bè lâu năm, cùng vịnh thơ, nói chuyện thơ. Trong lòng tôi và những người yêu thơ xứ Huế không khỏi bùi ngùi khi thấy Châu Hương Viên, một địa chỉ thơ nổi tiếng nhất xứ Huế giờ đây xác xơ đến thế”.

Nhà thơ Trần Đông Giang cho biết: “Ưng Bình Thúc Dạ Thị (1877 - 1961) tên thật là Nguyễn Phúc Ưng Bình từng được cử giữ chức Hội trưởng Hội Truyền bá chữ Quốc ngữ Trung Kỳ (1939-1940), nhưng cụ nổi tiếng nhất là về thơ. Năm 1943, cụ được thăng Hiệp tá Đại học sĩ, lần lượt được bầu làm chủ soái Vỹ Hương Thi Xã (1933-1945) và Hương Bình Thi Xã (1951-1961). Tôi thuộc thế hệ sau, không được sinh hoạt cùng thi đàn với các cụ nhưng vô cùng ngưỡng mộ và tự hào về một thời cường thịnh của thơ Huế mà cụ Ưng Bình là chủ xướng”.

Ưng Bình Thúc Dạ Thị để lại gần 2.000 bài thơ chữ Việt và chữ Hán như: Tập “Lộc Minh Thi Tập” gồm 227 bài (thơ chữ Hán), “Tình Thúc Dạ” (xuất bản 1942), “Bán buồn mua vui” (xuất bản 1954), “Đời Thúc Dạ” (xuất bản 1961), “Tiếng hát sông Hương” (xuất bản 1972), “Thơ ca tuyển” (xuất bản 1992).

Nhạc sĩ, nghệ sĩ cổ nhạc Huế, Đăng Ninh nhận xét: “Ưng Bình Thúc Dạ Thị là một nhà soạn tuồng lớn, người đặt rất nhiều lời ca cho ca Huế thính phòng mà hiện nhiều người tới Huế vẫn được thưởng thức”. Tác phẩm tuồng “Tào lao” của ông vốn được hình thành từ  21 làn điệu dân ca Huế.

Đóng góp và ảnh hưởng của Ưng Bình Thúc Dạ Thị là điều không phải bàn cãi, tên ông được đặt cho một con phố tại Vỹ Dạ, Huế là đường Ưng Bình.

Di sản của Ưng Bình lưu mãi cho hậu thế, khi mà, ca Huế được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận là Di sản Văn hóa phi vật thể Quốc gia, phong trào ca Huế thính phòng được khôi phục tại Huế, hằng tuần biểu diễn các tác phẩm do Ưng Bình Thúc Dạ Thị viết lời.

Mỗi dịp giỗ ông, các nghệ nhân nghệ sĩ quay về ngôi nhà xưa của Ưng Bình Thúc Dạ Thị, chỉ thấy khung cảnh nhà xưa mối mọt, vắng tanh.

Còn đâu Châu Hương Viên

Tình yêu với thơ của Ưng Bình Thúc Dạ Thị đã thôi thúc ông xây dựng Châu Hương Viên. Đó là vào năm 1933, ông đã mua lại mảnh vườn với diện tích 4 sào 7 thước để xây dựng địa điểm sinh hoạt thơ văn cho xứ Huế. Ngoài ngôi nhà chính 3 gian hai chái, ông còn xây dựng nên các công trình Lộc Minh Đình, Bình phong, sân vườn, bến nước…

Tại Châu Hương Viên, Ưng Bình Thúc Dạ Thị đã phát triển sự nghiệp thơ văn của mình, đồng thời khơi dậy một phong trào thơ ca của đất kinh thành, cùng nhóm “thi hữu tri giao” lập ra ở chốn đình lưu, gọi là “Lộc Minh Đình”, thành lập một thi đàn đặt tên là “Vỹ Hương Thi Xã” do chính ông làm chủ soái (sau đổi tên là “Hương Bình Thi Xã”).

Mới đây nhất, di tích lịch sử Ưng Bình tại Châu Hưng Viên - xã Phú Thượng, huyện Phú Vang được công nhận là di tích lịch sử (lưu niệm danh nhân) cấp tỉnh theo Quyết định số 3331/QĐ-UBND của UBND tỉnh Thừa Thiên Huế.

Đánh giá về cụ Ưng Bình cao như vậy, nhưng những ngày xuân Canh Tý 2020, khi chúng tôi tìm về Châu Hưng Viên với mong muốn thắp cho thi sĩ tài năng bậc nhất xứ Huế một nét nhang, thấy ngôi nhà cụ Ưng Bình Thúc Dạ Thị năm nào đang sắp sụp. Cửa giả tan hoang, mái ngói rơi gần quá nửa, tường phía sau sụp đổ hết.

Hỏi quanh, phần nhiều người ta không ai biết đến địa danh Lộc Minh Đình hay Châu Hương Viên là đâu. Những gia đình sống gần đó nói rằng họ chỉ biết “đây vốn là nhà một ông quan giỏi về thơ văn, nên thỉnh thoảng các nghệ nhân ca Huế ghé thăm”.

Bên ngoài khu di tích không có bất kỳ một tấm biển chỉ dẫn nào. Trên tường nhà thấy dán một công văn có đóng dấu đỏ cảnh báo ngôi nhà có thể sập bất cứ lúc nào.

Bên trong ngôi nhà đổ nát ấy, có một hương án, trên đó thờ tấm ảnh của cụ Ưng Bình Thúc Dạ Thị nhân hậu. Quanh bàn thờ là ngổn ngang ngói rơi, gỗ mục.

Chạnh lòng nước non…

Theo tạp chí Sông Hương, “Năm 1961, cụ Ưng Bình mất, từ đó Châu Hương Viên cũng chìm vào dĩ vãng và nhất là khi con cái đi làm ăn xa, ngôi nhà một thời của chủ soái “Hương Bình Thi Xã” trở nên điêu tàn”.

Năm 1985, nhà thơ Tôn Nữ Hỷ Khương (đã chuyển vào sống tại TPHCM), đã viết đơn tặng ngôi nhà tại Châu Hương Viên cho nhà nước quản lý nhưng không được hồi âm. Năm 1997, kỷ niệm 120 năm ngày sinh của cụ Ưng Bình, bà Hỷ Khương lại có ý trao tặng ngôi nhà cho thành phố Huế để làm nhà lưu niệm Ưng Bình Thúc Dạ Thị nhưng cho đến nay công trình này vẫn  mục nát, nhiều diện tích của Châu Hương Viên đã bị lấn chiếm.

Ngày nay, tới Huế, người ta vẫn thường được nghe những câu ca Huế mà lời ca chính là từ những bài thơ của Ưng Bình Thúc Dạ Thị sáng tác.

Trước bến Văn Lâu, ai ngồi ai câu, ai sầu ai thảm/Ai thương ai cảm, ai nhớ ai trông/Thuyền ai thấp thoáng bên sông/Đưa câu mái đẩy, chạnh lòng nước non.

Tiếc rằng, khi du khách tìm về thăm địa danh nổi tiếng trong thơ ông là Châu Hương Viên, chỉ thấy cảnh hương án và tấm ảnh thờ ông chìm trong mưa gió tháng ngày xuân giữa ngôi nhà cổ đẹp đẽ tao nhã bị bỏ hoang.

Việc tôn vinh, tôn tạo Châu Hương Viên, biến Châu Hương Viên thành nơi khơi nguồn mạch văn chương nghệ thuật cho xứ Huế ngày nay là mong ước của các văn nghệ sĩ đất Huế.

Một không gian văn hóa dành cho thi ca ở Huế thơ Huế mộng như Châu Hương Viên vẫn là hoài mong của những tín đồ văn chương đất cố đô. 

Chạnh lòng với Ưng Bình Thúc Dạ Thị ảnh 1 Nhà thơ nhà giáo Trần Văn Hồng (bên phải) và nữ thi sĩ Tôn Nữ Hỷ Khương (giữa). Ảnh: Tư liệu

Nhà thơ, nhà giáo Trần Đông Giang nói: “Khi nhắc tới Huế, người ta thường nói tới kiến trúc kinh đô, nói tới âm nhạc, nói tới các món ăn cố đô, nhưng nhiều người quên rằng người Huế rất thích thơ và đất cố đô từng là nơi sinh sống của nhiều nhà thơ lớn trong đó có Nguyễn Du. Đất Huế từng có nhiều thi đàn mà thời gian qua đi người ta đã lãng quên, trong đó có thi đàn “Hương Bình Thi Xã” thường sinh hoạt tại Châu Hương Viên”. 

  1/2020

MỚI - NÓNG