Chàng trai khắc kinh Phật giữa Măng Đen

Quyết miệt mài khắc mộc bản. Ảnh: Nguyễn Thành
Quyết miệt mài khắc mộc bản. Ảnh: Nguyễn Thành
TP - Mộc bản Việt Nam được vinh danh là di sản ký ức thế giới, thế nhưng thợ khắc mộc bản ngày càng hiếm. Từ Hải Dương lên Tây Nguyên lập nghiệp, chàng trai trẻ Lê Viết Quyết mang theo nghề xưa tôi luyện tay nghề, đức tính với hy vọng một ngày nghề khắc mộc bản sẽ được tái sinh và nhiều người biết đến. 

Lên non giữ di sản ký ức

Duyên kỳ ngộ, chuyến hành trình những ngày cuối năm, tình cờ gặp Quyết say sưa miệt mài khắc từng con chữ trong khí trời gió lạnh của đất trời Măng Đen (Kon Plông, tỉnh Kon Tum). Điển trai, hiền như đất là nhận xét của nhiều người khi lần đầu gặp chàng trai 25 tuổi này. Ít nói, hay cười, chuyện Quyết với những con chữ mộc bản của những cuốn kinh Phật dày cộm kéo dài bên ánh lửa bập bùng. 

Cha Quyết ông Lê Viết Chiến từng là một thợ khắc mộc bản hiếm hoi còn lại của đất Hải Dương. Nhưng rồi mắt yếu, tay run, ông phải giã nghiệp, lang bạt vào tận phương Nam mưu sinh. Nghề xưa, đất Hải Dương nổi tiếng, những mộc bản của nghệ nhân đất này tinh xảo và đạt cảnh giới về kỹ thuật in ấn thời phong kiến. Nhưng nay, thợ khắc mộc bản ít dần, số người chỉ đếm trên đầu ngón tay. Quyết và cha là một trong số ít thợ khắc mộc bản cuối cùng còn sót lại. 

Cũng giống cha, từ bé Quyết đã biết khắc dấu, khắc chữ trên khoai lang. Hoàn thành nghĩa vụ quân sự, rồi đi xuất khẩu lao động, về nước, thấy cha già mắt yếu tay run, Quyết mới bắt đầu học lại nghề xưa. “Cha truyền con nối. Càng học càng mê và em đã bị cuốn vào từng đường nét, con chữ huyền bí của sách xưa”, Quyết kể chuyện vào nghề. 

Hơn 5 năm gắn bó và nối tiếp nghề của cha, chính Quyết cũng thừa nhận: nghề khắc chữ in mộc bản nhàm nên rất dễ chán. Ai không đủ nhẫn nại, kiên trì và quyết tâm sẽ không theo được. Nhưng bù lại, chính nghề này đã luyện cho Quyết được sự tĩnh tâm, tự tại với đời khi tuổi mới ngoài đôi mươi. 

“Tuổi trẻ ai chẳng muốn xông pha, thử thách. Quay lại nghề xưa của cha ông âu cũng là duyên số và trời Phật định cho mình một cái nghiệp để theo. Luyện chữ cũng là để luyện nết người”, Quyết chia sẻ.

Một chút biến cố gia đình, Quyết cùng vợ con lên Tây Nguyên lập nghiệp, hành  trang mang theo là đồ nghề gồm những mũi dao, giấy dó và những tấm gỗ thị. Ngày đầu lên đây, nhiều người tròn xoe mắt vì không rõ chàng trai trẻ ngày đêm cặm cụi làm gì. Khi thấy những bản khắc tinh xảo hoàn thiện, ai cũng thán phục. Dù lên Tây Nguyên nhưng nhiều nhà chùa, trên khắp cả nước truyền tai nhau và gửi Quyết khắc mộc bản để lưu giữ những cuốn kinh nhà Phật quý hiếm đang hư hỏng dần. Hỏi số lượng, Quyết không nhớ rõ mình đã khắc bao nhiêu bộ kinh, bao nhiêu trang sách cho các nhà chùa. Mỗi trang kinh Phật tùy vào nội dung, ý nghĩa, cách viết mà có từ vài chục, đến cả hàng trăm, cả ngàn con chữ. Mỗi trang mộc bản hoàn thành là niềm vui thầm kín ít ai hiểu thấu cho người thợ trẻ. 

Cũng vì đam mê, Quyết tự tìm tòi học chữ Hán - Nôm đủ để hiểu được nội dung các trang sách, kinh dạy điều gì. “Có một sức hút kỳ lạ, hễ ngồi vào bàn, dán mắt vào từng con chữ, tập trung theo từng đường khắc là em như một người khác. Quên ăn, quên ngủ, say mê, cuốn theo từng chữ nghĩa, từng điều Phật răn dạy trong kinh pháp”, Quyết tâm sự 

Công nghệ cũng chào thua

Đơn hàng của Quyết là những cuốn kinh Phật dày, chi chít chữ, nhưng cũng có lúc là một trang sách, tấm hình Phật với vô vàn họa tiết. Trước khi bắt tay vào khắc tạo bản in, Quyết đều tìm hiểu các trang sách xưa dạy gì. Vừa khắc, vừa chiêm nghiệm ý nghĩa, Quyết tập trung và tranh thủ mọi thời gian để hoàn thành sớm nhất cho các nhà chùa. 

Hôm gặp cuốn Diên Quang Tam Muội, dày150 trang, Quyết nhận làm cho một nhà chùa từ đầu năm 2018 đã đi vào những trang cuối.  Quyết cho hay tùy vào từng trang sách, kích cỡ, số lượng chữ mà thời gian chạm khắc khác nhau. Trung bình mỗi ngày khắc được 60 – 80 chữ là nhiều. Nếu trang sách dài hàng trăm, ngàn chữ, việc khắc phải mất cả tháng trời mới xong. Nhiều trang sách chữ nhỏ, chi chít, Quyết phải dùng đến kính lúp soi mới có thể chạm khắc các nét được. 

Quyết kể rằng, đã nhiều lần thử áp dụng công nghệ để việc khắc mộc bản dễ dàng và nhanh chóng hơn nhưng tất cả đành chào thua. Nếu dùng tia laser gỗ sẽ cháy, đồng thời chữ cũng sẽ cháy theo. Quyết cũng thử dùng máy CNC để khắc nhưng không được, bởi lưỡi dao của máy theo phương thẳng đứng, không thể uốn lượn vát được chân chữ  một cách mềm mại và uyển chuyển. “Để có mộc bản, không gì thay thế được đôi tay và cặp mắt của người thợ khắc. Nghề này, công nghệ cũng chào thua đó ạ” Quyết cho hay. 

“Vui nhất là khi hoàn thành và giao mộc bản cho các nhà chùa được các sư thầy khen, động viên theo nghề để gìn giữ sách quý cho đời sau. Mỗi lần như vậy em lại thấy yêu và trân quý nghề khắc bản in mộc bản nhiều hơn”. Hỏi về tiền công, Quyết cười hiền từ: “Nhà chùa cho bao nhiêu thì em nhận bấy nhiêu, tùy công đức. Cha dạy em rằng, nghề này là để phúc lại cho hậu thế. Làm vì đam mê, tâm hướng Phật, ắt sẽ được đền đáp”. 

Để tạo được mộc bản, trước hết sách xưa phải đươc in ra giấy dó mỏng, rồi dùng keo dán lên ván gỗ thị đã được xử lý chống cong, nứt và mối mọt. Sau khi dán, thợ xoa lớp giấy, chỉ còn lại con chữ ngược nổi trên ván gỗ. Lúc này, thợ khắc mới bắt tay vào công đoạn khắc. Mỗi mộc bản được chạm khắc chữ cả 2 mặt, phục vụ việc in ấn các trang sách. Sau khi in xong, toàn bộ những bộ ván in sẽ được các nhà chùa cất giữ tại kho tàng bản, khi cần nhân bản sẽ mang ra in tiếp, hoặc có thể sửa chữa, tái bản sách. 

MỚI - NÓNG