Chàng trai Hà Nội sáng công sở, tối lên bar hóa 'nữ hoàng' sân khấu

0:00 / 0:00
0:00
Phía sau hình ảnh Drag Queen lộng lẫy và kiêu sa trên sân khấu, là hành trình đánh đổi không chỉ là nước mắt để Phong tìm thấy Fiona, được là Fiona - bản ngã thật của mình.

23h, tại một quán bar nhỏ trên đường Xuân Diệu (quận Tây Hồ, Hà Nội), lời giới thiệu của MC thu hút mọi ánh nhìn:

"Quý vị đã sẵn sàng chào đón Drag Queen tiếp theo của chúng ta chưa? Một cô nàng cực kỳ sexy và nóng bỏng - Fiona Hi - Lee".

Đèn vụt tắt. Từ xa, Fiona kiêu sa bước lên sân khấu trong tiếng vỗ tay nồng nhiệt của khán giả. Hôm nay, cô chọn chiếc váy vàng cam lấp lánh bó sát khoe trọn vẹn đường cong cơ thể, bên ngoài khoác hờ hững tà áo trắng mỏng, nhẹ. Mái tóc được buộc cao gọn gàng, thêm đôi guốc 15cm, biến cô thành "nữ hoàng" cao gần 2m.

Đêm nay, Fiona là người nổi bật nhất.

Khi ánh đèn sân khấu soi rọi khuôn mặt và sắc vóc của mình, Fiona cứ thế hòa vào tiếng nhạc xập xình, phô diễn khả năng vừa hát vừa nhảy. Phía dưới, tiếng cổ vũ không ngớt, hô vang tên cô: "Fiona, Fiona, Fiona".

"Fiona là những sự kiêu ngạo, tự tin, thoải mái, có chút nông nổi mà ngày xưa tôi phải giấu đi. 4 năm làm Drag Queen, tôi tìm về đúng bản ngã và con người thật của mình", Fiona tự hào nói.

Chàng trai Hà Nội sáng công sở, tối lên bar hóa 'nữ hoàng' sân khấu ảnh 1

Drag Queen tên Fiona Hi - Lee tự tin bước lên sân khấu trình diễn.

Chàng trai Hà Nội sáng công sở, tối lên bar hóa 'nữ hoàng' sân khấu ảnh 2

"Cô nàng" tỏa sáng, thỏa khát khao được là chính mình.

Phong đi tìm Fiona

Fiona Hi-Lee tên thật là Lê Hải Phong, 24 tuổi, là con trai thứ hai trong một gia đình sống tại quận Ba Đình (Hà Nội). Anh là nhân viên truyền thông tại một liên đoàn thể thao ở Hà Nội.

Từ bé, Phong đã nhận ra sự khác biệt của bản thân, nhưng không dám thể hiện, chỉ biết giữ phần cảm xúc cho riêng mình. Anh cũng không bộc lộ cá tính, cho đến năm cấp 3 khi gặp được những người bạn thật sự thân thiết. Bên cạnh họ, anh mới được là chính mình.

Năm 18 tuổi, Phong quyết định come out "Con là gay" (người đồng tính nam) với gia đình theo một cách đặc biệt. Anh rủ bố mẹ đi xem phim, chỉ nói là một bộ phim gia đình, tên "Love Simon", nhưng thực chất là một chuyện tình lãng mạn tuổi teen gay.

Anh căng thẳng từ lúc đi theo sau xe máy của bố mẹ, đến rạp phim, đợi lấy vé, mua bỏng ngô. Mọi khoảnh khắc, anh đều lén chụp lại, đánh dấu một cột mốc của cuộc đời.

Trong rạp, khi bộ phim chiếu đến phân cảnh tình cảm giữa hai nam thiếu niên, Phong lo lắng, quay sang nhìn bố mẹ, dường như chờ đợi một cơn tức giận hay phẫn nộ nào đó, nhưng may mắn đã không xảy ra.

Bộ phim kết thúc, anh lấy hết can đảm hỏi: "Thế bố mẹ có yêu con không?".

"Đương nhiên rồi!" - bố mẹ trả lời dứt khoát, thấu hiểu tâm tư và suy nghĩ của con trai. Ba người ôm nhau trong rạp phim, rồi cùng về nhà trong sự thoải mái, nhẹ nhõm và xúc động.

"Sau cùng, tôi đã làm được điều mình đã ấp ủ từ lâu", Phong thở phào, thầm biết ơn bố mẹ vì đã không đặt nặng vấn đề giới tính, chỉ quan tâm con mình khỏe mạnh và sống hạnh phúc hay không?

Năm 2017, Phong biết đến nghệ thuật Drag Queen sau khi xem một video hướng dẫn trang điểm của một nghệ sĩ Drag Queen ở Mỹ.

Môn nghệ thuật này lần đầu tiên xuất hiện tại Anh năm 1870. Thời điểm đó, trước tình trạng thiếu hụt diễn viên nữ ở sân khấu kịch phương Tây, các diễn viên nam đã hóa trang để thế vai.

"Drag" (Dress Resembling A Girl - ăn mặc như một cô nàng), còn "Queen" là nữ hoàng trong các bộ trang phục lộng lẫy đó.

Drag Queen du nhập vào Việt Nam từ những năm 90 thế kỷ trước. Tuy nhiên, trước định kiến về mặt giới tính và thiếu vắng địa điểm biểu diễn, nghệ sĩ Việt Nam không có điều kiện phát triển.

Chàng trai Hà Nội sáng công sở, tối lên bar hóa 'nữ hoàng' sân khấu ảnh 3

Lê Hải Phong là nhân viên truyền thông cho một Liên đoàn thể thao ở Hà Nội.

Đến năm 2014, sự nổi tiếng của vũ công nhảy trên giày cao gót Tô Lâm và hàng loạt tên tuổi như Angelina Phạm, Gia Kỳ, Rita, Lê Nghĩa… đã mở đường cho bộ môn này tiếp cận đại chúng.

Nghe đến Drag Queen, Phong từng cảm thấy hơi… kỳ lạ, khi con trai trang điểm, mặc váy, đội tóc giả, … tự tin xuống phố ca hát và nhảy múa.

Sau này, biết được đây là nghệ thuật tổng hòa từ nhiều bộ môn, như hội họa, âm nhạc, diễn xuất, vũ đạo, anh tập tành hóa trang nhờ kiến thức học qua YouTube, dành dụm tiền mua từng món đồ trang điểm hay bộ tóc giả đầu tiên.

"Lần đầu mua đồ trang điểm, tôi ngại ngùng nói với người bán rằng tặng chị gái. Tôi cũng không dám thử váy tại cửa hàng, nói dối chọn đồ diễn cho bạn", Phong nhớ lại bản thân của 4 năm trước: Ngây ngô và bẽn lẽn.

Phong xem khuôn mặt mình là một mặt phẳng để thỏa sức vẽ và sáng tạo, tạo ra những đường nét mới. Anh chụp lại "thành quả", chia sẻ lên trang Facebook cá nhân, được mọi người ủng hộ.

"Từ đấy, tôi bắt đầu cảm thấy là mình có thể đi diễn", Phong tự tin nói.

Chàng trai Hà Nội sáng công sở, tối lên bar hóa 'nữ hoàng' sân khấu ảnh 4

Phong cùng hội bạn Drag Queen đến chợ Ninh Hiệp (Gia Lâm) chọn mua vải may trang phục.

Chàng trai Hà Nội sáng công sở, tối lên bar hóa 'nữ hoàng' sân khấu ảnh 5

Họ cùng nhau bàn bạc về những show diễn Drag Queen trong thời gian ăn trưa.

Những show diễn Drag Queen thường bắt đầu muộn, từ 22h-0h đêm, tại các hộp đêm, quán bar, club,… quanh hồ Tây hoặc phố cổ Tạ Hiện nơi nhiều người nước ngoài sinh sống và họ cũng cởi mở hơn, cũng là không gian an toàn để các Drag Queen thoải mái thể hiện mình.

Mùa đông cuối năm 2018 đầu 2019, Phong nhận show diễn Drag Queen đầu tiên cho một tổ chức chuyên sự kiện cộng đồng LGBT. Anh thông báo với tất cả người thân và bạn bè, kêu gọi đi xem và cổ vũ.

Và hôm đó, mọi người có mặt đông đủ, chiêm ngưỡng Phong trong một hình hài mới và cái tên mới: Fiona Hi - Lee (cách đọc ngược của Lê Hải Phong).

"Buổi diễn đầu tiên tuy chưa tốt, nhưng là kỷ niệm đẹp. Fiona đã giúp Phong thêm phần tự tin để biểu diễn từ sân khấu cho tới cuộc đời", anh tâm sự.

Mất nhiều năm, Phong mới tìm được Fiona - một bản ngã, một nhân cách riêng của chính mình. Khi ở nhà hay cơ quan, chàng trai 24 tuổi là Lê Hải Phong, còn lúc đi diễn, anh là Fiona Hi - Lee - một Drag Queen luôn tích cực, vui vẻ, có khả năng nói trước đám đông, biệt tài thu hút chú ý xung quanh và hơn hết là truyền cảm hứng tới cộng đồng.

Chàng trai Hà Nội sáng công sở, tối lên bar hóa 'nữ hoàng' sân khấu ảnh 6
Chàng trai Hà Nội sáng công sở, tối lên bar hóa 'nữ hoàng' sân khấu ảnh 7

Drag Queen thường trang điểm đậm và kỹ, nhấn vào đôi mắt và cặp lông mày.

Bức thư gửi bố: Đằng sau lớp trang điểm, con vẫn là thằng Phong!

Bố mẹ chưa bao giờ đến club, quán bar, … xem Phong biểu diễn Drag Show.

Lần nọ, Phong có lịch diễn trùng với ngày sinh nhật một người thân. Trong bữa tiệc, mọi người bày tỏ mong muốn được xem anh biểu diễn. Phong đồng ý, hóa trang thành Fiona tự tin thể hiện hai bài. Các thành viên trong đại gia đình lần lượt chụp ảnh với Fiona trên sân khấu, chỉ riêng bố mẹ từ chối.

"Tôi cảm nhận bố mẹ còn e ngại và bất an, lo lắng không biết mọi người xung quanh nghĩ thế nào về con trai mình", Phong kể.

Buồn và tủi thân, Phong chuẩn bị rời bữa tiệc sinh nhật đến điểm diễn. Lúc đó, bố mẹ gọi với lại: "Vào chụp ảnh đi!". Đó là bức ảnh đáng nhớ nhất cuộc đời Phong và Fiona, cho đến hiện tại.

Nói đến đây, đôi mắt anh đỏ hoe.

Chàng trai Hà Nội sáng công sở, tối lên bar hóa 'nữ hoàng' sân khấu ảnh 8
Chàng trai Hà Nội sáng công sở, tối lên bar hóa 'nữ hoàng' sân khấu ảnh 9

Phong lần đầu chụp ảnh cùng bố mẹ trong dáng vẻ Fiona. Hai cô cháu gái đáng yêu mua tặng Fiona tấm biển nàng tiên cá. (Ảnh: Fiona Hi - Lee).

Nếu bà Nguyễn Kim Nhung (61 tuổi) rất ủng hộ, sẵn sàng cho con trai mượn váy, áo đi diễn, "chỉ cần con được vui", thì ông Lê Văn Cường (68 tuổi) chưa thể chấp nhận. Phong thường lén lút đi diễn, cố gắng không chạm mặt bố. Họ cứ thế tránh mặt nhau, không nói chuyện trong một thời gian dài, thỉnh thoảng lại cãi vã.

Bà Nhung kể nhiều lần chứng kiến chồng bật khóc khi nói về con trai út. Ông trút giận lên vợ, cho rằng "đã quá nuông chiều con". Phong thấy cách hành xử của bố không công bằng với mẹ và với mình.

Chàng trai Hà Nội sáng công sở, tối lên bar hóa 'nữ hoàng' sân khấu ảnh 10

Hành trình Phong đi tìm Fiona đã có một cái kết vô cùng đẹp.

Nhân ngày của bố mấy năm trước, anh đã viết cho ông một bức thư:

"Chúc mừng ngày của bố!

Hai bố con mình dạo này ít nói chuyện quá bố nhỉ. Con đã là một đứa sinh sau đẻ muộn, cách anh trai 14 tuổi, nên thiệt thòi vì ít thời gian bên bố mẹ. Con không muốn lãng phí bất cứ phút giây nào mà không được hạnh phúc bên gia đình.

Bố à, con mong bố sẽ nhìn nhận và hiểu được con đang làm gì.

Ở nước ngoài, Drag Queen là một ngành nghề mà người nghệ sĩ được trả lương, được tôn trọng, được yêu quý. Đây cũng là môn nghệ thuật mà con theo đuổi một cách nghiêm túc, chỉn chu và đến nay đã được công nhận.

Và nếu bố yêu con, bố phải hiểu là đằng sau lớp trang điểm, bộ tóc giả, váy áo này, con vẫn là thằng Phong của bố mẹ, vẫn ăn cơm nhà mỗi ngày".

Bức thư như gỡ rối mọi muộn phiền, vướng bận trong lòng ông Cường. Người cha dần chấp nhận Fiona, tạo điều kiện và khuyến khích con là chính mình. Nhiều lúc, bố mẹ lại hỏi Phong: "Hôm nay không thấy Fiona nhỉ? Fiona có đi diễn không?".

Nếu anh đi diễn về muộn, bố mẹ sẽ gọi điện: "Con ơi, về chưa? Bố mẹ bật đèn phòng cho nhé".

Đó là lúc Phong hiểu rằng, gia đình đã chấp nhận và yêu thương Fiona.

Chàng trai Hà Nội sáng công sở, tối lên bar hóa 'nữ hoàng' sân khấu ảnh 11
Chàng trai Hà Nội sáng công sở, tối lên bar hóa 'nữ hoàng' sân khấu ảnh 12

Đội tóc giả là công đoạn hóa trang cuối cùng trước khi Fiona đến điểm diễn. Cô làm điệu tự sướng một bức ảnh khoe với bạn bè.

Sự đánh đổi không chỉ là những giọt nước mắt

Sau 4 năm làm Drag Queen, cái tên Fiona dần có chỗ đứng trong giới. Không chỉ ngoài Bắc, các Drag Queen trong Nam cũng biết đến "nàng thơ" Fiona, xem cô như một hình mẫu làm nghề chỉn chu và bài bản, mỗi lần xuất hiện đều trau chuốt, đầu tư hình ảnh và bài diễn.

Fiona dành thu nhập từ việc đi diễn để mua đồ trang điểm, tóc giả, trang phục, phụ kiện, … Thời gian đầu, trước mỗi buổi diễn, cô dành 3-4 tiếng trang điểm, để chuyển từ Phong thành Fiona. Sau này quen dần, thời gian rút ngắn còn 2-3 tiếng.

Gương mặt của Drag Queen có đặc trưng là luôn trang điểm đậm, một số bộ phận sẽ được biến hóa để thay đổi như xương gò má, xương hàm, khó nhất là vẽ lông mày và mắt.

Fiona cũng dành 3-4 tiếng mỗi tối sau khi hoàn thành công việc để chỉnh sửa tóc giả. Đến nay, gia tài của cô lên đến 20 bộ tóc, với nhiều màu sắc khác nhau.

Cô cũng tự mua vải, thuê thợ may theo thiết kế của mình. Mỗi bộ trang phục đều lộng lẫy, cồng kềnh và nặng nề, gồm cả đồ lót chiết eo, nịt bụng, để tạo được đường cong, dẫn đến khó thở.

Phong từ một chàng trai 75kg, qua nhiều lớp quần áo, thành "nữ hoàng" Fiona nặng 90kg.

Chàng trai Hà Nội sáng công sở, tối lên bar hóa 'nữ hoàng' sân khấu ảnh 13

Căn phòng của Fiona, nơi có trang phục, phụ kiện, tóc giả, guốc...

Chàng trai Hà Nội sáng công sở, tối lên bar hóa 'nữ hoàng' sân khấu ảnh 14

Fiona hiện có khoảng 20 bộ tóc giả với màu sắc khác nhau phục vụ cho các buổi diễn.

Một lần đi diễn về muộn, do không ăn tối, Fiona ngất xỉu, ngã xuống sàn nhà bếp, may đầu không bị va đập mạnh. Cô bất tỉnh 15-20 phút, sau tự đứng dậy đi lên phòng, cố gắng không phát ra tiếng động ảnh hưởng bố mẹ.

Từ lúc ấy, cô rút kinh nghiệm phải luôn ăn dù không nhiều, thường sẽ là bữa tối bên gia đình trước khi đi diễn. Cô duy trì chế độ ăn đủ năng lượng, uống đủ nước, thì mới có đủ sức diễn "chặt chém".

"Đối với một Drag Queen, công đoạn thích nhất là về nhà… cởi đồ, tẩy trang khoảng một tiếng. Dù mệt và nhiều khi tự hỏi tại sao phải khổ thế này, nhưng sáng hôm sau tỉnh dậy, tôi lại bình thường, như nạp thêm năng lượng bùng cháy khát khao được làm đẹp", Fiona nói.

Động lực đến từ những tràng vỗ tay của khán giả, hay những tin nhắn khen ngợi, những lời cảm ơn giúp Fiona không bỏ cuộc. Từ đó, cô nhận ra sứ mệnh của một người nghệ sĩ, chính là truyền tải được những thông điệp, cùng khóc, cùng xúc động, cùng cười với khán giả.

"Dù bạn là ai, làm nghề gì hay thuộc giới tính nào, thì khi bạn đến với Drag show, đều chung một tâm thế: Thoải mái, tự tin và giải trí", Fiona giải thích.

Chàng trai Hà Nội sáng công sở, tối lên bar hóa 'nữ hoàng' sân khấu ảnh 15

Sau lần ngất xỉu, Fiona duy trì chế độ dinh dưỡng cân đối, cố gắng ăn cơm với gia đình trước khi đi diễn.

Chàng trai Hà Nội sáng công sở, tối lên bar hóa 'nữ hoàng' sân khấu ảnh 16

22h30, Fiona nhẹ nhàng xuống phố. Cô cầm đôi guốc 15cm trên tay, sẵn sàng làm vài đường catwalk điệu nghệ.

"Bede không còn là từ ngữ khiến tôi khó chịu hay xấu hổ nữa"

Sau thời gian đi diễn, cảm thấy không hài lòng với cách tổ chức của một số đơn vị, Fiona đã đứng ra tự tổ chức một chương trình Drag show riêng, mang tên "Bede by night".

Cách gọi "bede" (bê đê) - vốn là từ ngữ để miệt thị, công kích, dè bỉu những người thuộc cộng đồng LGBT, thì bây giờ, chính những người trong cộng đồng lại dùng từ này như một cách gọi thân mật và cảm thấy thoải mái.

"Bede không còn là từ ngữ khiến chúng tôi cảm thấy khó chịu hay xấu hổ nữa", Fiona trải lòng.

Chàng trai Hà Nội sáng công sở, tối lên bar hóa 'nữ hoàng' sân khấu ảnh 17

Fiona tự tin khoe dáng - nét đẹp độc đáo và riêng biệt.

"Bede by night" ra đời được kỳ vọng thu hút nhiều khán giả Việt Nam hơn là khách quốc tế. Khác với các Drag show khác, đây là nơi các Drag Queen tâm huyết như Fiona dành nhiều chất xám, công sức, tạo nên một chương trình hay, ấn tượng, mãn nhãn về trang phục và các tiết mục.

Fiona cũng tham vọng đưa Drag show đến gần hơn với công chúng, đi từ những không gian "an toàn", khung giờ đêm khuya đến rạng sáng, đến những địa điểm công cộng, thời gian sớm hơn.

"Đến bây giờ, tôi vẫn theo đuổi Drag Queen vì môn nghệ thuật này mang đến cho tôi nhiều bài học và những mối quan hệ. Tôi sống thoải mái, không còn bận tâm người khác nghĩ gì về mình", Fiona cười mãn nguyện.

Chàng trai Hà Nội sáng công sở, tối lên bar hóa 'nữ hoàng' sân khấu ảnh 18

Không còn ngại ngùng, Fiona tự tin phô diễn bản chất Drag Queen với mọi người.

Nhớ lại lần đầu tiên trang điểm, đi guốc, đội tóc giả, mặc bộ váy lộng lẫy ra đường, Phong lạ lẫm và lo sợ những ánh nhìn soi mói.

4 năm sau, trên con đường đêm ngập tràn ánh sáng, Fiona Hi - Lee sải bước kiêu sa. Mỗi lần soi gương thấy mình xinh đẹp, cô nàng "đỏng đảnh" lại vui sướng mà thốt lên đầy tự hào: "Tôi là một Drag Queen" và tự tin nói với bố mẹ: "Ngày nào còn thấy con làm Drag Queen, bố mẹ sẽ biết lúc đó con đang rất khỏe mạnh và hạnh phúc".

Chàng trai Hà Nội sáng công sở, tối lên bar hóa 'nữ hoàng' sân khấu ảnh 19

Link gốc: https://dantri.com.vn/doi-song/chang-trai-ha-noi-sang-cong-so-toi-len-bar-hoa-nu-hoang-san-khau-20221018163129045.htm

Theo Dân Trí
MỚI - NÓNG