Bị rừng “ám”
Lần đầu gặp Kar giữa phố thị đông người, không khó để nhận ra chàng Tặc - dăng (Tarzan) này bởi mái tóc xoăn, làn da đen cháy, thân hình vạm vỡ, rắn chắc như cây gỗ lim trong rừng. Kar cười bảo “thời gian ở rừng nhiều hơn ở nhà nên mới có thân hình “đặc biệt” như vậy” rồi anh kể về cơ duyên gắn bó đời mình với rừng xanh.
Quê Kar ở Hương Khê - Hà Tĩnh nhưng năm 6 tuổi cậu đã theo ba mẹ vào Tây Nguyên lập nghiệp. Cuộc sống thanh bình giữa đại ngàn tứ bề là rừng đã gieo vào lòng cậu một tình yêu tha thiết với rừng. Ngày nộp hồ sơ thi đại học, Kar quyết thi đỗ vào ngành du lịch Trường Đại học Duy Tân Đà Nẵng để hiện thực hoá ước mơ “ngao du sơn thủy”.
Thời sinh viên, Kar tranh thủ thời gian đi phượt khắp chốn từ Đà Nẵng vào Quảng Nam, Quảng Ngãi,… rồi ngược ra Huế, Quảng Trị, Quảng Bình,… để khám phá vẻ đẹp thiên nhiên, đất nước và con người Việt Nam. Đặt chân đến nhiều nơi, Kar nghiệm ra rằng quê hương ta lắm núi nhiều rừng, có sông, có biển, có đồng bằng và có cả cao nguyên bốn mùa xanh tốt rất có tiềm năng phát triển ngành du lịch.
Năm 2009, Kar tốt nghiệp ra trường. Anh cũng nộp hồ sơ xin vào làm cho các công ty du lịch lữ hành nhưng chỉ được vài tháng thì xin nghỉ vì cảm thấy môi trường làm việc gò bó không phù hợp với “đôi chân thích phiêu bạt” này. Kar lại về quê nhà tiếp tục lang thang vào các cánh rừng Tây Nguyên tìm lại cảm giác bình yên nơi anh từng gắn bó.
Thời gian đầu, những chuyến đi rừng của anh chỉ đơn giản là để tìm hiểu về rừng, khám phá địa hình, địa chất và hệ sinh vật; tìm hiểu phong tục văn hoá của từng tộc người để bổ sung kiến thức thực tế cho mình.
Dần về sau, Kar nhận thấy du lịch Trekking đang dần manh nha tại Việt Nam nên muốn phát triển loại hình du lịch này. Khi bày tỏ ý định đó, nhiều người cho rằng “phi thực tế”. Không cố tranh luận, thuyết phục, Kar chọn cách im lặng, một mình xuyên khắp các khu rừng Việt Nam từ Nam ra Bắc để khảo sát, lên chuyến tour, biến ý tưởng thành hiện thực.
Hành trang anh mang theo gồm: gạo, mì tôm, cá khô, quẹt lửa, dao, cần câu, xoong nồi, võng và một chiếc máy ảnh mini. Tất cả đều nằm gọn trong chiếc ba lô, cùng anh rong ruổi trong rừng suốt thời gian dài. Kar cho biết, thời gian để đi hết một cánh rừng thường mất từ 3-5 ngày, dài nhất là 1 tuần. Trong rừng, Kar một mình đối diện với nhiều khó khăn, thử thách. Chuyện vắt bám, muỗi cắn, gặp rắn rết, lạc đường hay chuyện mưa lũ, tắc đường là chuyện thường.
Chuyến đi khiến Kar nhớ nhất là lần xuyên rừng từ Đắk Lắk – Nha Trang vào tháng 8/2014. Thời điểm ấy đang là mùa mưa, rừng rậm rạp, cây cối um tùm phủ kín các lối mòn khiến anh loay hoay từ trưa đến chiều muộn vẫn không tìm được hướng đi.
Kar đành dừng chân, móc võng nghỉ giữa rừng sâu. Suốt đêm trời trút mưa dữ dội, tiếng thú rừng thay nhau gầm rú khiến anh vừa lạnh vừa sợ không dám chợp mắt. Sớm mai thức dậy, Kar quyết định xuôi theo con suối, cuối cùng anh đã chọn đúng hướng, con suối dẫn đến trung nguồn của sông Cái và hành trình kết thúc thành công.
Lan tỏa tình yêu rừng đến với nhiều người
Gần 4 năm “ăn - ngủ” trong rừng, Kar đã xây dựng nhiều đường dẫn đẹp, thu thập được nhiều bí quyết từ các cư dân bản địa về kỹ năng sinh tồn trong rừng như: cách nhận biết những loại trái cây rừng ăn được; cách phòng chống, chữa bệnh sốt rét bằng lá rừng; mẹo xử lý bong gân, trật khớp …
Năm 2015, từ kiến thức căn bản nền tảng trong trường cùng thực tiễn nhiều năm rong ruổi trên hầu khắp các cánh rừng, Kar bắt đầu nhận hướng dẫn khách đi du lịch trong rừng. Khách của anh chủ yếu là nhân viên văn phòng, khách nước ngoài thích du lịch hoang dã. Kar thường xây dựng những tour có lịch trình từ 2-3 ngày, đêm để khách có đủ sức khỏe và thời gian, trải nghiệm khám phá tự nhiên.
Trong rừng, anh tận dụng những rau lá ăn được, chế biến thành các món ăn ngon, lạ miệng như: canh rau rừng, nộm chuối rừng, cá suối nướng,… để khách cảm nhận được giá trị của rừng đối với sự sống con người. Ngoài ra, anh còn giới thiệu cho khách tham quan, tìm hiểu phong tục tập quán sinh hoạt, văn hoá của cư dân bản địa, tạo nên sự gắn kết giữa các dân tộc với nhau.
Lịch trình dẫn khách của anh gần như quanh năm, thời điểm đông nhất là vào mùa khô (từ tháng 4-10 dương lịch). Trong các lần dẫn, Kar ấn tượng nhất là đoàn khách 29 người của một công ty xây dựng ở thành phố Hồ Chí Minh đi từ Tà Năng (Lâm Đồng) – Phan Dũng (Bình Thuận) vào đầu năm 2016.
Đoàn có tới 25 khách nữ nhưng tuyệt nhiên không có sự than phiền, chậm trễ nào. Tất cả đều tỏ ra thích thú khi lần đầu được trải nghiệm cuộc sống yên bình, hoang dã, được nghe tiếng chim ríu rít, ăn rau dại, uống dòng nước suối trong mát,… Sau chuyến đi, họ trở thành những người bạn thân thiết cùng chia sẻ kinh nghiệm, hiểu biết về rừng.
Cũng tỏ ra hào hứng khi được hòa mình vào thiên nhiên, các vị khách nước ngoài để lại trong Kar nhiều điều thú vị. Họ ít chụp ảnh selfie mà chú tâm lắng nghe người hướng dẫn giới thiệu về rừng. Năm 2015 anh dẫn đoàn khách nữ gồm 4 người đến từ nước Mỹ tham quan khu rừng ở Bình Thuận 2 ngày 1 đêm.
Dù bất đồng ngôn ngữ, Kar nói tiếng Anh không chuẩn lắm nhưng các cô vẫn chăm chú lắng nghe. Nhìn thấy hoa lan hay sinh vật trong rừng họ đều hỏi và ghi chép tường tận. Chính điều này khiến Kar tiếp tục trau dồi thêm nhiều kiến thức về rừng để có thể giới thiệu, quảng bá hết được vẻ đẹp của đất nước Việt Nam ra thế giới.
Song song với hoạt động giới thiệu cảnh quan, Kar còn hướng dẫn cho khách những kỹ năng sinh tồn cơ bản khi đi rừng như: cách nhóm lửa, tìm thức ăn, cách nhận biết thời tiết, xác định hướng đi khi lạc trong rừng và cách phòng tránh thú dữ khi gặp phải.
Nhiều năm gắn bó với rừng, Kar chia sẻ, anh xem rừng như một phần của cơ thể. Anh cảm thấy đau nhói khi nhìn thấy rừng bị tàn phá, những mảng rừng xanh đẹp – nơi trú ngụ của nhiều loại động vật quý hiếm trước kia nay biến thành những núi hoang, đồi trọc hoang tàn. Bằng con đường du lịch, đưa con người về gần với thiên nhiên, Kar hy vọng góp một phần sức trẻ của mình vào công cuộc bảo về
rừng xanh.
32 tuổi đời, Kar hiểu rừng, thuộc từng lối mòn trong rừng như lòng bàn tay nhưng anh thừa nhận mình chưa nắm được con đường đến trái tim của một người con gái. Anh thổ lộ: “Mình đã từng có cảm giác “say nắng”.
Từng mơ được nắm tay người mình yêu đi trên con đường đầy hoa nắng. Nhưng đã bao mùa hoa nở lại tàn, mình lại lỗi hẹn. Thời gian ở rừng nhiều hơn ở nhà nên hiếm có cô nào quen sống ở phố thị chấp nhận. Giờ mình không mơ mộng nữa, mọi sự tùy duyên. Biết đâu trong lúc phiêu bạt lại bắt được một cô sơn nữ cũng yêu rừng, mến rừng như mình”.
Không gò mình vào công ty du lịch nào, Kar đang là hướng dẫn viên du lịch tự do. Kar thường xuyên dẫn tour du lịch mạo hiểm xuyên rừng, leo núi nhằm quảng bá hình ảnh những thắng cảnh tự nhiên độc đáo của quê hương. Theo Kar, điều này sẽ lan tỏa đến nhiều người tình yêu thiên nhiên nói chung, rừng Việt Nam nói riêng. Anh truyền cảm hứng, sự hiểu biết của mình cho mọi người để họ thân thiết với rừng, cùng nhau bảo vệ rừng. Từ suy nghĩ đó, mỗi lần có bạn bè từ nơi khác đến, Kar đều đưa họ vào rừng để tìm hiểu, khám phá Tây Nguyên, Kar cũng sẵn sàng làm hướng dẫn viên (nhiều khi miễn phí) cho những ai muốm khám phá về văn hóa, vùng đất con người nơi đây thông qua trải nghiệm với đời sống của đồng bào các buôn làng Êđê, M’nông.