Tranh của Nguyễn Xuân Hoàng. |
Dưới dưới tàn cây râm mát, ngoài kia là những con đường - phố - phường - ngập tràn khói bụi, cô bé một mình chơi, thỉnh thoảng cô dừng lại nghiêng đầu lắng nghe tiếng chím ríu rít đâu đó trên cành cao, xung quanh là những chiếc trực thăng, xe jeep, xe tăng, súng đạn. Nơi đó người ta đặt tên là Bảo tàng chứng tích chiến tranh nằm ngay ngã tư Võ Văn Tần – Lê Quý Đôn Q3 của Sài gòn.
Nơi ấy có một quán bia, hai gã đàn ông ngồi trầm ngâm nhìn ra ngoài khoảng sân hẹp - nơi những trò chơi của cô bé đang diễn ra dưới mắt nhìn âu yếm của người đàn ông có khuôn mặt lạnh với điếu thuốc ngậm lệch trên môi.
Trên bàn hai ly bia vẫn còn đầy nắng, những chiếc lá rơi hờ hững, và thời gian hờ hững trôi đi, hình như đã hơn hai mươi năm rồi, đứa bé gái ngày ấy bây giờ đã trở thành thiếu phụ. Hai gã đàn ông ngày ấy là tôi - người kia là Đoàn Thạch Biền và đứa bé kia là con gái của Biền.
Ăn nói khó nghe nhưng Biền có rất nhiều bạn, và bạn của Biền thì cũng có rất nhiều kiểu, bạn làm ăn, bạn văn nghệ, bạn bụi đời, bạn nhậu, và cũng có loại bạn “bằng mặt mà không bằng lòng”, tất cả Biền đều chơi được tuốt, hắn tự hào vì lối chơi “hòa nhi bất đồng” nghĩa là chơi mà không đánh mất mình.
Biền nói, với cuộc đời muôn mặt này, với cái buổi hỗn quân hỗn quan, phải thế, “tao mà sống như kiểu của mầy thì chỉ húp cháo”. Phát âm chữ “húp cháo” kiểu Bắc di cư, hắn nói mà như khóc.
Chơi với Biền mới hiểu được nỗi đoạn trường khi hắn cầm cự được với tờ Áo Trắng (AT) mấy chục năm nay, một tờ báo không ra báo, tạp chí không ra tạp chí, nói đúng hơn nó chỉ là một đầu sách của Nhà Xuất Bản trẻ - vậy mà dưới bàn tay phù phép của Biền nó như một tờ Tạp chí của văn chương tuổi mới lớn- và bây giờ - cùng biên tập với Nhà văn Nguyễn Đông Thức - nó là phụ trương của một tờ báo. Nếu không muôn mặt thì tờ AT đứt bóng lâu lắm rồi.
Biền đã ký thác chịu đựng vì nó, với mong muốn có một sân chơi văn chương lành mạnh lãng mạn cho những tay bút tập tễnh mới bước vào đời, AT là mảnh đất không phân biệt vùng miền, sang hèn, lý lịch cũ mới, không cần biết ai ở đâu và làm gì. Biền đọc nếu thấy hay là đăng ngay, thậm chí không cần biết họ mặt mũi ra sao.
Văn trên AT có bóng dáng của Tuổi Ngọc một thời xa xưa, vì Nguyễn Thanh Trịnh (bút danh của Biền trước năm 75) chính là cây bút dạng Love Story một thời xưa kia đó. Từ sau năm 75 đến giờ Đoàn Thạch Biền không viết được nhiều, tôi thì nghĩ Biền đã có đủ với những gì Nguyễn Thanh Trịnh đã xuất bản trước 75, sau này tái bản, với những “Ví dụ ta yêu nhau”, “Những ngày tươi đẹp”, “Tôi thương mà em đâu có hay”... như đã đủ cho sự nghiệp văn chương của một Nguyễn Thanh Trịnh - Đoàn Thạch Biền lắm rồi.
Biền thường hay đọc cho tôi nghe hai câu thơ cảm thán: Đời vốn không nương người thất thế/ Thì thôi ô nhục cũng là vinh... những lúc ấy tôi hiểu hắn đã phải khốn khổ như thế nào để tồn tại vì cơm áo, vì đam mê văn chương mà có lúc phải cầu thân với những kẻ vô vị nhưng có quyền lực, phải nức nở khen tặng những người mình không phục.
Đời của Biền, quán chính là nhà đã mấy mươi năm nay rồi, và Biền đến quán nào là quán đó ăn nên làm ra, khách khứa văn chương làm ăn báo chí của Biền theo đó mà ra vào nộp tiền tấp nập, đến nỗi một tay nhà văn bạn của Biền cũng nổi máu tham mở ra một cái quán, dĩ nhiên Biền là khách ruột.
Báo hại anh em tới nhậu cứ bị tính một thành ba, ba thành bảy – Rồi anh em hãi qúa không dám tới quán đó nữa, nhưng tay nhà văn chủ quán kia cũng đã kip giàu sụ rồi, y tuyên bố - như một tay trưởng giả, từ nay không cần bọn văn nghệ tới quán của tao nữa, tụi nó ồn quá!
Chuyện cũng đã qua lâu rồi, ngày mà chúng tôi lang thang hết quán này đến quán khác. Biền với cái túi lủng lẳng bên mình, ít ai biết trong ấy là một túi tiền, thời ấy không có ATM nên mỗi khi thu tiền phát hành AT là hắn phải lặc lè mang theo, và tòa soạn của AT là những quán nhậu, quán café ven đường, ấy là nơi Biền phát nhuận bút cho anh em cộng tác viên, những lúc ấy anh em vui như lân gặp pháo, những cuộc nhậu triền miên được tổ chức với chút nhuận bút còm cõi, Biền ngồi lặng lẽ nhậu nghe bạn bè gào thét, và kết thúc thì bao giờ hắn cũng là người bao chót, Biền than: cứ mãi như thế nầy chắc tao bán nhà qúa mầy ơi.
Đến đêm hai anh em đèo nhau về - tôi và hắn cùng ở chung trên một con đường ở Q. Tân Bình – với cái bụng đói meo, trong những đêm mưa, quán Mì hoành thánh ở Ngã ba CMTT - Chí Hòa, thành nơi lý tưởng cho hai thằng dừng chân. Biền thường tuyên bố rằng: Tình yêu của người đàn ông hay người đàn bà thường phải đi qua cái bao tử.
Hình như nó là kết quả của việc sau những cuộc ăn uống tưng bừng thì bạn bè người yêu chỉ nhớ tới Biền qua những món ăn chơi mà Biền chiêu đãi và cuối cùng là những cuộc chia tay lặng lẽ như nhân vật nữ xưng Em và Ông trong tiểu thuyết của Biền.
Nhưng có người vẫn nhớ tới Biền và nhớ nhất là... các em –chỉ có các em mới chịu thì thào yêu thương bên tai mỗi khi Biền xuất hiện ở quán nào đó; lại có người chỉ nhớ Biền những khi họ khốn khó, và họ gặp lại Biền thì cũng chỉ để nhậu và... ra đi [!]
Một chân của Biền phải ghép inox, một đêm, một tay đi bão đã bạt vào Biền và cái giá phải trả - Biền không bao giờ đi bộ lâu được, vậy mà vẫn thấy hắn giang hồ khắp nơi từ nam chí bắc, lên rừng xuống biển - trong một lần ra Phan Thiết cùng với con gái , hai cha con Biền suýt chết đuối khi đứa con bị sóng biển cuốn ra xa chìm lỉm – dù không biết bơi – nhưng Biền vẫn lao ra cứu, kết quả cha và con đều bị sóng biển nhấn chìm, khi người ta cứu được thì hai cha con đã suýt chết. Nhưng khi tỉnh dậy hắn vẫn cảm thán như đùa: “Sinh tử thị ba” (sống chết như ngọn sóng), nhiều người chứng kiến không khỏi phì cười vì óc hài hước của Biền – đúng là “chết đến đít cà cuống vẫn còn cay”.
Về chuyện nói chữ thì tôi nghĩ chỉ có Biền nói đâm ngang hơi mà không ai có thể giận được, tôi là thằng khi nhậu vào là lời ra, khi đang thao thao bất tuyệt, bỗng dưng Biền chèn ngang “Mầy nói hay như... chim ấy”, tôi đang ngẩn tò te thì Biền tiếp “hay như chim chích chòe mà”. Nói xong hắn cười hinh hích, những lúc ấy tôi thấy trong khuôn mặt bụi bặm ấy một tình bạn trẻ thơ kỳ lạ.
Tôi vẫn thích Nguyễn Thanh Trịnh hơn Đoàn Thạch Biền, Biền là người làm AT một thời, nhưng một người bạn văn chương, một nhà văn mà tôi tôn trọng thì tôi cũng sòng phẳng rằng: đó là nhà văn Nguyễn Thanh Trịnh chứ không phải một Biền thay đổi khuôn mặt tên tuổi. Đừng buồn gì Biền nhé, khi tôi viết những giòng nầy và trả lại đúng hình ảnh chân dung con người của một thời. “Thôi đừng láu cá nữa tôi/ Một mai hết cá chợ đời còn đâu!” [thơ ĐTB] Thôi nhé Biền.
ĐOÀN THẠCH BIỀN Hội viên Hội Nhà văn VN Trước 1975: Dạy học ở Phan Rí. In tập truyện "Ví dụ ta yêu nhau" và truyện dài "Những ngày tươi đẹp" với bút danh Nguyễn Thanh Trịnh Sau 1975: Công nhân ngành dệt rồi làm phóng viên báo Người lao động TPHCM. Chủ bút tập san Áo Trắng. Đã in các tập truyện: Tình nhỏ làm sao quên, Bất ngờ phía trái tim, tôi thương mà em đâu có hay, Tôi hay mà em đâu có thương... và tập kịch: Đêm của cỏ |
Lột xác với tờ Áo Trắng Thời gian như một tiếng thở dài, sau những biến cố lớn của Đất Nước - Biền đã chọn cho mình một con đường đi mà không phải ai cũng dễ làm, đó là thay tên đổi họ, từ một nhà văn Nguyễn Thanh Trịnh với hình ảnh hippy tóc dài thời trang, trên trang nhất của Tạp chí Nhà Văn xuất hiện cùng với Duyên Anh - Dương Nghiễm Mậu và các anh tài văn chương miền Nam cũ, với một giải thưởng văn chương Quốc gia lừng danh ở Sài Gòn trước năm 1975 - có người còn gọi đó Giải thưởng Phủ Tổng Thống – chàng hippy lột xác thành một Đoàn Thạch Biền mới toanh không ai biết sau năm 75 và tạo cho mình một tiếng nói – một chỗ đứng có phần nghiêm trang trong xã hội mới cho đến tận bây giờ. Giờ đây, người ta biết đến một Đoàn Thạch Biền như một chủ biên tờ Áo Trắng, một người làm báo mát tay, một ông nhà văn có mắt xanh với những tài năng trẻ, phát hiện và đưa họ đến với những cuộc chơi văn chương đầy bất trắc. Giờ thì nhiều người đã thành danh, đã già. Giờ thì ai cũng có thể cười để ngăn mình khỏi khóc, khi cuộc đời mỗi ngày lại dày thêm khói bụi. |