Ngày 5/6, ThS.BS Nguyễn Thị Phương Lan- Phó trưởng khoa Cấp cứu, Bệnh viện Trưng Vương, TPHCM cho biết vừa tiếp nhận bệnh nhân tên K. (30 tuổi, ngụ Tân Bình) được người nhà đưa đến nhập viện trong tình trạng suy hô hấp cấp, khó thở, đau ngực. Sau khi tiếp nhận, các BS đã tiến hành cho bệnh nhân thở ô xy với liều lượng tối đa và hồi sức ngay tại khoa cấp cứu.
Khi tiếp nhận, các BS đã đưa ra 2 chẩn đoán là bệnh nhân bị nhồi máu cơ tim và thuyên tắc phổi. Tuy nhiên, kết quả điện tim cho biết bệnh nhân không bị nhồi máu cơ tim. Trong khi đó, phim chụp CT ngực cho thấy bệnh nhân bị thuyên tắc phổi mức độ nặng. Theo bác sĩ Phương, nguyên nhân có thể do huyết khối di chuyển từ vết thương ở chi đến phổi làm bít tắt động mạch.
Khai thác bệnh sử, bệnh nhân cho biết trước đó khoảng 2 tuần, người này đã bị té ngã khi đang lưu thông trên đường. Xe máy đè vào cẳng chân và đùi trái của nam thanh niên khiến người này bị gãy mâm chày chân.
Theo BS Phương, huyết khối ở chân bệnh nhân hình thành ở động mạch và tĩnh mạch do va đập mạch sẽ theo dòng máu lên phổi gây thuyên tắc phổi. Bệnh nhân bị tắt toàn bộ động mạch phổi phải và bán phần động mạch phổi trái. “Chúng tôi đã quyết định dùng thuốc tiêu sợi huyết (rt-PA) qua đường tĩnh mạch, nếu bệnh nhân vẫn không đáp ứng điều trị, các BS sẽ can thiệp mạch cho bệnh nhân này.”, BS Phương cho biết thêm.
Sau khi được điều trị bằng phác đồ dùng tiêu sợi huyết, hiện sức khỏe của bệnh nhân đã ổn định.
"Mặc dù tỷ lệ tử vong do thuyên tắc phổi rất cao nếu không được điều trị kịp thời nhưng lại dễ bị bỏ sót trong quá trình chẩn đoán bệnh. Tình trạng tăng đông máu ở bệnh nhân ung thư, tim mạch, bệnh nhân bất động trên 3 ngày hay tổn thương tĩnh mạch do chấn thương ở các chi được xem là các yếu tố nguy cơ dẫn đến thuyên tắc phổi.”, các BS thông tin.