Đồng đội gọi chị Nguyễn Thị Liên (cán bộ quản giáo Trại tạm giam Nghệ An) là “người phụ nữ thép”. Tôi hiểu, nếu không có một tinh thần thép, bản lĩnh thép thì khó mà quản lý, giáo dục được 55 phạm nhân nữ, trong đó có tới 5 tử tù. Nhưng bên trong chất "thép" ấy là một tấm lòng bao dung, vị tha của một người mẹ, người chị.
Phạm nhân của chị ở đủ các loại tội phạm, đủ các thành phần xã hội nhưng đều giống nhau ở điểm xem thường pháp luật. “Mấy năm nay còn đỡ, phạm nhân cũng “thuần” hơn bởi ít nhiều họ đều có học vấn. Do đó công việc của quản giáo như chúng tôi cũng đỡ vất vả hơn so với trước kia”, đại úy Liên cho biết.
Đây cũng là thời điểm đại úy Nguyễn Thị Liên quản lý nhiều tử tù nhất - 5 người. Cả 5 tử tù đều phạm tội buôn bán, vận chuyển ma túy với số lượng lớn. Cái “nghiệp” quản lý tử tù đã gắn với chị từ những năm 90 của thế kỷ trước.
“Nữ tử tù đầu tiên tôi quản lý là Nguyễn Thị Hà (trú tại Tp Vinh). Năm 1998, Hà và chồng mình tham gia vận chuyển 2 bánh heroin từ một khách sạn tại Tp Vinh theo đơn đặt hàng của một đối tượng khác. Tuy nhiên, khi vừa đưa ma túy ra khỏi khách sạn thì vợ chồng Hà bị công an bắt quả tang. Với hành vi này, Hà phải lĩnh án tử hình, người chồng của Hà lĩnh án chung thân”, đại úy Liên cho biết.
Lần đầu tiên làm công tác quản lý tử tù, chị không khỏi bỡ ngỡ. Nhưng rồi, bằng biện pháp nghiệp vụ, bằng tỉnh cảm của những người phụ nữ với nhau, những trở ngại ban đầu đó đều nhanh chóng được vượt qua.
“Đằng sau mỗi câu chuyện phạm tội là những hoàn cảnh đắng lòng. Hà vào phòng biệt giam, chồng đi thi hành án, con cái trở nên bơ vơ. Thời gian đầu, Hà khóc suốt.
Khóc vì sợ, vì nhớ và thương các con, thương chồng vì mình mà bị liên lụy. Cũng không ít lần Hà muốn chấm dứt cuộc đời mình trước khi bị đưa ra pháp trường để chịu sự trừng phạt của pháp luật.
Năm 2012, tử tù Lữ Thị Minh (SN 1983, trú tại huyện Tương Dương, Nghệ An) chính thức “nối” lại nghiệp canh tử tù của quản giáo Nguyễn Thị Liên. Cũng như tử tù Nguyễn Thị Hà, nỗi sợ hãi, sự ân hận giày vò khiến không ít lần Minh có ý định quyên sinh.
Tìm hiểu kỹ, đại úy Liên biết rằng bố Minh là một thương binh nặng, mẹ đã già yếu, em trai Minh là Lữ Cao Thượng (SN 1988) cũng phải lĩnh án chung thân khi tham gia đường dây vận chuyển ma túy cùng với chị gái.
Đó là Nguyễn Hoài Thu, Trương Thị Huệ, Nông Thị Hân, Nguyễn Thị Châu. Cả 4 tử tù này là những mắt xích quan trọng trong đường dây vận chuyển ma túy xuyên quốc gia từ Lào về Việt Nam với số lượng lên tới 255 bánh heroin.
Chia sẻ về công việc của mình, đại úy Nguyễn Thị Liên cho biết: “Điều quan trọng trong công tác quản lý tử từ là phải nắm bắt kịp thời những diễn biến tâm lý đối tượng. Muốn như vậy thì phải tìm hiểu rõ hoàn cảnh của từng tử tù. Như tử tù Nông Thị Hân chẳng hạn, gia đình đều ở Tây Nguyên, không có điều kiện ra thăm nuôi thường xuyên"
"Nếu người quản giáo không tìm hiểu kịp thời, động viên, tâm sự với họ thì sẽ khó tránh khỏi những suy nghĩ, hành động tiêu cực. Công tác quản lý cũng không thể áp dụng quy định một cách cứng nhắc mà phải thay đổi linh hoạt, quản lý, giáo dục bằng tình cảm thì sẽ có hiệu quả tốt hơn.
Và thường thì phụ nữ với nhau cũng dễ chia sẻ hơn. Nhiều khi, một mình mình phải đóng cả mấy vai, vừa là quản giáo, vừa là chị, vừa là bạn của tử tù” - chị Liên giải thích.
Trước câu hỏi tiếp xúc nhiều với tội phạm, đặc biệt là các tử tù - những người phạm trọng tội, chị sợ điều gì nhất, đại úy Liên cười: “Nhiệm vụ của Đảng, Nhà nước và nhân dân giao phó, khó khăn đến đâu chúng tôi đều cố gắng để hoàn thành một cách tốt nhất. Làm cái nghề này, chỉ sợ mình chai sạn cảm xúc thôi.
Không phải chỉ mình tôi mà tất cả các cán bộ làm công tác quản giáo đều mong mình thất nghiệp. Bớt đi một tử tù, một tội phạm, nghĩa là bớt đi một vụ án, bớt đi những cái chết thương tâm và những nỗi đau dai dẳng”.